Những người bạn đồng hành ủng hộ chương trình của Nguyễn Quang Thạch gặp anh (thứ ba từ trái qua) tại điểm dừng chân cuối cùng - Ảnh: L.Điền |
Trung bình mỗi ngày đi 20 km, hành trình từ Hà Nội vào Sài Gòn của Nguyễn Quang Thạch chỉ khoảng 100 ngày, tuy nhiên anh đã mất một số ngày nằm bệnh, trong đó nặng nhất là đau mắt và ngộ độc thực phẩm tại Thanh Hóa.
Nhiều sinh viên, bạn bè, người hâm mộ biết tin Nguyễn Quang Thạch vào đến Sài Gòn đã cùng đến Thư viện Khoa học tổng hợp để chúc mừng.
Trong đó có cô giáo Nguyễn Thị Kim Nha (giáo viên Trường THCS Đồng Tiến, Quỳnh Phụ, Thái Bình) đang có mặt tại đây cũng đến chung vui. Cô Nha là người xây dựng "tủ sách phụ huynh" đầu tiên ở Trường Đồng Tiến từ năm 2008, đến nay vẫn hoạt động tốt.
Hằng tuần các em học sinh trong trường đã dùng giờ sinh hoạt lớp thứ bảy làm buổi giới thiệu sách rất sinh động. Thái Bình cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước được Sở GD-ĐT ủng hộ các trường xây dựng "tủ sách phụ huynh" đến từng lớp học, từ ý tưởng của Thạch.
Nói về hành trình 125 ngày qua, Thạch cho biết anh đã làm được một số việc quan trọng. Đó là phỏng vấn hàng loạt người dân nông thôn từ em bé 6 tuổi đến cụ già 80 tuổi, đến trực tiếp từng nơi để nắm tình hình nhà trường vùng nông thôn đang cho các em học sinh mượn sách đọc như thế nào, đo lường sự khan hiếm sách ở nông thôn và lý giải tại sao người VN vẫn còn ít đọc sách, giao lưu tặng sách cho các trường cấp I, II, III và CĐ, ĐH.
Thạch cho biết mục đích sâu xa của chuyến xuyên Việt này là thu thập các dữ liệu cụ thể để sau khi kết thúc hành trình anh sẽ làm ba cuộc vận động: vận động Bộ GD-ĐT ra chính sách đưa "tủ sách phụ huynh" đến từng lớp học như mô hình đã thí điểm thành công ở Thái Bình; vận động Trung ương Hội Khuyến học VN đưa mô hình "tủ sách dòng họ" vào tiêu chí “Dòng họ khuyến học”; và vận động Trung ương Giáo hội Phật giáo VN và Giáo hội Công giáo VN xây dựng tủ sách tại từng giáo xứ và nhà chùa.
Hiện tại Thạch đang kêu gọi vận động 500.000 người VN cả trong và ngoài nước mỗi năm góp 240.000 đồng trong hai năm để đến năm 2017 giải quyết xong tình trạng thiếu sách ở nông thôn.
“Tôi kêu gọi trên Facebook, blog và các báo, tín hiệu nhận được rất tốt” - Thạch vừa nói vừa mở tài khoản Facebook cho thấy có ba người trong sáng 21-6 mới nhắn tin đề nghị gửi tặng 5 triệu, 18 triệu và 50 triệu đồng cho chương trình. Thế nhưng Thạch từ chối, chỉ nhận mỗi người 240.000 đồng/năm và khuyên họ nên dùng số tiền ấy về quê xây dựng tủ sách công cộng cho các cháu ở quê có cơ hội đọc”.
“Không đơn thuần là mang sách về nông thôn, mà việc xây dựng tủ sách phải đạt được mục tiêu nâng cao dân trí, hình thành tính tự cường trong người dân và quan trọng hơn cả là nâng cao tinh thần chia sẻ trách nhiệm xã hội, chứ không phải lúc nào, ở đâu ai đó “bỏ ra cục tiền để mua sách tặng” thì cũng đúng với tinh thần chương trình sách hóa nông thôn” - Thạch chia sẻ.
Đến nay, chương trình sách hóa nông thôn của Nguyễn Quang Thạch đã xây dựng được gần 4.000 tủ sách (tối thiểu 50 đầu sách/tủ), mang lại cơ hội đọc sách cho ít nhất là 100.000 trẻ em nông thôn VN.
Mặc dù đã có 18 năm gắn bó với chương trình, nhưng “điều bất ngờ nhất vẫn là việc người dân còn đọc quá ít”. Thạch đã đưa ra quyển sách Những tấm lòng cao cả (của Edmondo De Amicis) để phỏng vấn tổng cộng 3.000 người, chỉ có 35 người từng đọc quyển này. Với tập thơ Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa thì trong số 2.300 người được hỏi chỉ có 20 người biết. “Mới hôm qua đây, khi vào đến ĐH Nông lâm tại Thủ Đức, tôi hỏi 120 sinh viên Nông lâm, chỉ có một người biết và từng đọc tập thơ Góc sân và khoảng trời" - Thạch kể. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận