Các đại biểu tham gia hội nghị biến đổi khí hậu ở Paris tranh thủ chợp mắt sau những cuộc họp kéo dài và mệt mỏi. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius hy vọng thỏa thuận sẽ được thông qua nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính, kiềm chế nhiệt độ trái đất tăng lên.
Nếu thỏa thuận không được thông qua, đàm phán có thể kéo dài sang ngày 13-12. Tuy nhiên, hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới đều tự tin rằng thỏa thuận sẽ được thông qua.
“Tôi nghĩ chúng tôi đã hoàn tất tại đây” - Ngoại trưởng Cộng hòa Quần đảo Marshalls Tony De Brum cho biết và bày tỏ thỏa thuận sẽ được thông qua.
Reuters dẫn lời ông Brum nói các nhà đàm phán đã phải thức làm việc tới 4 giờ sáng hôm 12-12 để chốt lại dự thảo thỏa thuận.
Nguồn tin trong chính phủ Pháp cũng xác nhận các nhà đàm phán đã đạt được dự thảo thỏa thuận và nó đnag được dịch sang 6 ngôn ngữ chính thức của Liên Hiệp Quốc trước khi được chuyển đến các bộ trưởng để xem xét thông qua.
Tuy nhiên, một số ý kiến chỉ trích nói thỏa thuận này có những điểm yếu nghiêm trọng.
Đó là nó dựa trên sự hợp tác tự nguyện hơn là một thỏa thuận ràng buộc pháp lý đối với các nước và việc cắt giảm phát thải khí nhà kính sẽ không đủ để giữ trái đất không bị nóng lên dưới 2 độ C, mức độ mà các nhà khoa học nói là cần thiết để tránh các tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu như hạn hán nặng nề và mực nước biển dâng cao.
Cuộc họp ở Paris về biến đổi khí hậu được coi là cơ hội cuối cùng để thay đổi viễn cảnh tồi tệ nhất mà biến đổi khí hậu sẽ đem lại như hạn hán nghiêm trọng, lũ lụt, bão tố tiếp tục gia tăng cũng như nhiều hòn đảo và các bờ biển đông dân cư sẽ biến mất nếu nước biển dâng cao.
Thỏa thuận cũng hướng đến việc cách mạng hóa hệ thống năng lượng của thế giới bằng cách cắt giảm hoặc loại bỏ than và các loại nhiên liệu hóa thạch khác, thay thế chúng bằng các nguồn năng lượng tái tạo được như năng lượng mặt trời và gió.
Các nước đang phát triển khẳng định các nước giàu phải gánh vác phần lớn trách nhiệm giải quyết tác động của biến đổi khí hậu bởi các nước giàu phát thải hầu hết khí nhà kính kể từ Cuộc cách mạng Công nghiệp.
Mỹ và các nước giàu lại cho rằng các nền kinh tế mới nổi cũng phải gánh trách nhiệm bởi các nước này cũng phát thải nhiều khí nhà kính.
Mâu thuẫn lớn nhất giữa các nước là số tiền giành giành cho việc giải quyết biến đổi khí hậu lên đến hàng nghìn tỉ USD.
Vẫn chưa rõ nguồn quỹ này sẽ có được bằng cách nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận