Tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion thuộc sứ mệnh Artemis I
Theo báo Washington Post, hầu hết các cuộc thảo luận về sứ mệnh Artemis đều tập trung vào những lợi ích khoa học hoặc cuộc phiêu lưu khám phá không gian. Việc trở lại Mặt trăng lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ sẽ khắc họa một "tinh thần bất khuất" mới của Mỹ.
Tuy nhiên, những lợi ích này lại trở nên nhạt nhòa so với những vấn đề quân sự mà Mỹ có thể gặp phải, nếu không bay lên được Mặt trăng sớm.
Trung Quốc đã công bố một chương trình Mặt trăng đầy tham vọng, bao gồm một hệ thống phát hiện và làm chệch hướng các tiểu hành tinh có khả năng tác động vào Trái đất.
Nga và Trung Quốc cũng đã công bố kế hoạch thiết lập một căn cứ chung vĩnh viễn trên Mặt trăng vào năm 2027. Nếu thành công, điều này có nghĩa những đối thủ nguy hiểm nhất của Mỹ có thể gây tổn hại đến lợi ích của nước này.
Kể từ thời cổ đại, việc kiểm soát các khu vực trên không là điều cần thiết trong chiến tranh, do vậy làm chủ bầu trời là điều bắt buộc đối với bất kỳ quân đội hiện đại nào.
Báo Washington Post nhấn mạnh các hoạt động quân sự của bất cứ quốc gia nào trên không hoặc trong quỹ đạo thấp của Trái đất đều đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Trong khi đó, Trung Quốc cho biết các kế hoạch Mặt trăng của họ hoàn toàn là hòa bình và khoa học, nhưng ít quốc gia nào tin lời hứa này.
Sự hiện diện thường xuyên của Bắc Kinh hoặc của Trung Quốc và Nga trên Mặt trăng có thể được xem là dấu hiệu của quân sự hóa.
Đây là lý do tại sao sứ mệnh Artemis thành công sẽ rất quan trọng với Mỹ. Về bản chất, Artemis I không phải là chương trình quân sự, nhưng các quy trình được phát triển cho sứ mệnh có thể được sử dụng cho các mục đích quân sự.
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng có thể chia sẻ thông tin mà các tàu thăm dò của họ nhận được với Lực lượng Không gian Mỹ - lực lượng sau này có thể hoạt động độc lập để phát triển các ứng dụng quân sự.
Cố tổng thống Mỹ John F. Kennedy từng cho rằng không thể đảm bảo an ninh quốc gia, nếu một cường quốc đánh bại Mỹ trong không gian.
Thách thức mà Mỹ phải đối mặt từ Trung Quốc cũng không kém phần nghiêm trọng so với thách thức từ Liên Xô cách đây 60 năm. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc hiện nay lớn hơn Liên Xô nhiều lần và đã phát triển công nghệ phức tạp hơn Liên Xô từng làm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận