Bộ đội đồn biên phòng Y Tý phát khẩu trang, tuyên truyền cho bà con người dân tộc thiểu số đeo khẩu trang để phòng dịch - Ảnh: TRIỆU VĂN HÙNG
Nhiệm vụ chống dịch lúc này là quan trọng nhất. Mọi việc khác đều phải gác lại. Tất cả vì cái chung. Mọi người phải đồng lòng mới chiến thắng được con virus nguy hiểm này.
Thượng úy Triệu Văn Hùng
Gọi cho trung úy Nguyễn Đức Minh Hoàng (trợ lý quản lý biên giới, phòng tham mưu, Bộ đội biên phòng Thừa Thiên Huế) nhiều lần mới được vì anh bận chống dịch ở vùng biên, sóng điện thoại chập chờn. 19h30, Hoàng cho biết đang đi tuần tra khu vực đường biên. Mãi đến 21h30 anh chàng mới về.
Niềm riêng gác lại
Trung úy Hoàng là 1 trong 30 trường hợp sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của lực lượng biên phòng phải hoãn đám cưới để tham gia chống dịch COVID-19.
"Tụi mình làm đám hỏi tháng 10-2019. Lẽ ra tổ chức cưới ngày 15-3 vừa rồi, nhưng tình hình dịch căng quá, mình bàn với vợ chỉ đăng ký kết hôn mà không tổ chức tiệc cưới" - Hoàng cho hay. Hoàng cho biết vợ và gia đình hai bên cũng buồn nhưng nghe anh thuyết phục cuối cùng cũng xuôi.
Từ khi dịch COVID-19 bắt đầu căng thẳng, trung úy Nguyễn Đức Minh Hoàng đã nhận lệnh tăng cường lên huyện biên giới A Lưới, cách nhà 100km. Các chốt kiểm soát dã chiến đều tập trung ở A Lưới, nơi giáp với 2 tỉnh của Lào.
Anh em bộ đội biên phòng phải cắm trại 100% ở trong những lều dã chiến dựng dọc biên giới, ngày đêm kiểm soát tình trạng xuất nhập cảnh trái phép để ngăn chặn dịch lan sâu vào nội địa.
Cán bộ, chiến sĩ nhận lệnh tăng cường lên biên giới phải ở lều dã chiến, thiếu thốn và bất tiện đủ thứ. Một số anh em bị bệnh ngoài da do nguồn nước. "Nhưng tất cả đều hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác phòng dịch mà vượt qua. Nhiều y bác sĩ còn vất vả, căng thẳng hơn mình" - trung úy Hoàng bảo.
Anh chàng sĩ quan biên phòng 26 tuổi chia sẻ: "Mình chỉ mong muốn cùng các đồng đội nỗ lực làm tốt nhiệm vụ với nhân dân, góp một phần nhỏ cho Tổ quốc. Cho nên phải tạm gác lại việc riêng mình cũng không suy nghĩ quá nhiều...".
Chống dịch quan trọng hơn đám cưới
Đóng quân ở Lào Cai, nhiều ngày qua những người lính biên phòng đã trở thành những lá chắn sống ở vành đai biên giới. Cũng vì nhiệm vụ, thượng úy Triệu Văn Hùng (đội trưởng đội phòng chống ma túy và tội phạm của đồn biên phòng Y Tý) phải hoãn lại đám cưới.
Thượng úy Hùng 31 tuổi, từ dưới miền xuôi (Phú Thọ) lên đồn biên phòng Y Tý công tác từ năm 2016. Cách trung tâm thành phố Lào Cai 100km, đồn biên phòng Y Tý là đồn xa nhất và khó khăn nhất của Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai.
Anh Hùng cho biết hai gia đình đã làm thủ tục dạm ngõ. Dự kiến ngày 28-4 sắp tới, thượng úy Hùng và cô giáo Hải Yến sẽ đi đăng ký kết hôn, làm lễ rước dâu rồi tổ chức tiệc cưới trong một ngày.
Kế hoạch là vậy, nhưng dịch Covid-19 đã làm thay đổi toàn bộ dự tính của cặp vợ chồng trẻ. Thượng úy Hùng cùng đồng đội ở tuyến đầu biên giới chống dịch từ tháng 1-2020.
Sau Tết Nguyên đán, lực lượng biên phòng nhận được mệnh lệnh: tất cả các tuyến biên giới phải lập chốt biên phòng lâm thời kiểm soát dịch, quản lý đường biên, nhất là đường mòn lối mở có hoạt động xuất cảnh, xuất nhập khẩu, buôn lậu, để tránh dịch bệnh bên nước bạn lan tràn vào địa bàn quản lý và nội địa.
Đồn biên phòng Y Tý quản lý hơn 23km đường biên. Trên địa bàn đồn quản lý có 2 xã và 8 thôn giáp biên. Đồn phải thành lập 3 chốt biên phòng lâm thời dọc tuyến biên giới. "Anh em bộ đội biên phòng thường xuyên túc trực 24/24 giờ, ăn ở ngủ nghỉ tại đó. Tụi mình phải có trách nhiệm bảo vệ biên giới, bảo vệ đồng đội và người dân nội địa" - Hùng cho hay.
Theo thượng úy Hùng, khi chống dịch, việc tuần tra biên giới, tuần tra kiểm soát địa bàn lại càng liên tục hơn. Ngoài ra còn tuần tra theo lịch đột xuất. Đường biên giới mà đồn quản lý là suối. Mùa này suối cạn. Bà con lúc nông nhàn vượt biên qua bên kia làm thuê trong ngày rồi về.
Phụ trách xã biên giới A Lù, đội trưởng Hùng bảo anh em bộ đội biên phòng phải bám chốt trực 100% quân số, bất kể ngày đêm đều phải tăng cường đi kiểm tra địa bàn, ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép.
Với cường độ công việc như thế, là đội trưởng, Hùng lại càng không thể đặt chuyện cá nhân lên trên nhiệm vụ Tổ quốc giao.
Để thuyết phục hai bên gia đình đồng ý hoãn ngày cưới, Hùng phải "làm công tác tư tưởng" với cha mẹ hai bên, nói về tình hình phức tạp của dịch bệnh, những khó khăn vất vả của lực lượng biên phòng, bày tỏ mong muốn bám trụ biên giới cùng anh em đồng đội san sẻ khó khăn, cùng đoàn kết chống dịch.
"Giờ ngày cưới phải hoãn lại vô thời hạn chưa biết khi nào. Đó là việc ngoài mong muốn. Lúc đầu xác định hoãn mình cũng thấy chạnh lòng, nhưng nghĩ về tinh thần trách nhiệm và công việc mình ao ước từ hồi nhỏ nên mình đặt nhiệm vụ lên hàng đầu" - Hùng cho biết.
Cha mẹ Hùng cũng bất ngờ vì sự cương quyết của con trai. Anh chàng thuyết phục cha mẹ: "Con là cán bộ đảng viên, bố cũng là cán bộ đảng viên nên phải làm gương đi trước. Bố mẹ hãy suy nghĩ cho cái chung trước khi nghĩ đến cái riêng.
Bố mẹ hãy cân nhắc đề nghị của con và tạo điều kiện cho con được hoàn thành nhiệm vụ được giao". Cuối cùng, gia đình hai bên đều ủng hộ và thường xuyên gọi điện hỏi thăm, động viên chàng đội trưởng.
Cha mất, vợ sinh cũng không về được
Tính đến đầu tháng 4-2020, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng có 64 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp phải gác lại việc cá nhân để phòng chống dịch COVID-19.
Ngoài 30 trường hợp hoãn tổ chức lễ cưới còn có 3 trường hợp cha ruột và em gái mất không kịp về chịu tang, 21 trường hợp vợ sinh nhưng không về được. Đặc biệt, trung úy chuyên nghiệp Phạm Quang Tuyến (đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình, An Giang) vợ sẩy thai phải cấp cứu ngày 23-3 nhưng đến nay vẫn chưa thể về thăm.
Thượng úy Chu Mạnh Hiển (trạm cửa khẩu quốc tế Kim Thành, đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai) hiếm muộn mấy năm nay, đang điều trị theo chu kỳ tại Hà Nội, đến kỳ lấy tinh trùng nhưng cũng không về được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận