09/11/2017 12:08 GMT+7

Hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung nghị lực học tập

MẠNH KHANG
MẠNH KHANG

TTO - Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng hai em học sinh cuối cấp Trường THPT Lấp Vò 3 (Đồng Tháp) vẫn luôn hy vọng về một tương lai tươi sáng…


Hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung nghị lực học tập - Ảnh 1.

Lê Hoàng Sơn sớm tự lập, biết mẹ dễ mệt nên em luôn cố gắng tự lo cho bản thân mình - Ảnh: MẠNH KHANG

Lê Hoàng Sơn (lớp 12A1) là học sinh lớp chọn của trường nhưng em đang lo lắng vì có thể sẽ không có điều kiện để tiếp tục việc học. Còn Nguyễn Ngọc Tiền (lớp 12CB3) thì cha mẹ mất khi em 4 tuổi, mỗi ngày trôi qua với Kim Tiền là một ngày cô học trò nhỏ tự động viên mình phải mạnh mẽ hơn.

1. Những ngày lũ về, cánh đồng xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp chìm trong biển nước. Căn nhà sàn nhỏ của gia đình Lê Hoàng Sơn cất tạm trên đất người họ hàng càng trở nên nhỏ bé hơn.


Nhà Sơn ngày trước mục nát và liêu xiêu có thể sập bất cứ lúc nào nếu trời giông gió mạnh. Được một đơn vị từ thiện tài trợ cho cây, cha mẹ Sơn cố gom góp để cho hai con có mái nhà yên tâm học hành.

Ông Lê Hoàng Tâm (47 tuổi, cha của Sơn) dù bị viêm khớp và gai cột sống, đau nhức liên miên nhưng vẫn cố gắng lặn thùng mướn (hay còn gọi là lặn đất) để kiếm thu nhập cho gia đình 4 người.

Mẹ Sơn là bà Nguyễn Thị Út (43 tuổi) bị suy tim nhưng không có tiền để chạy chữa. Mỗi ngày bà đặt hy vọng vào những thang thuốc nam và cố gắng hết sức đưa rước em trai Sơn tới trường mầm non, tranh thủ lo chu tất cơm nước cho chồng và con trai lớn là Hoàng Sơn.

Sơn tâm sự: "Hồi xưa cha lặn thùng còn được nhiều, bây giờ sức khỏe yếu rồi với lại người ta toàn thuê máy cẩu, xáng múc chứ hiếm ai lại thuê lặn thùng. Mẹ thì luôn thấy mệt trong người, em cứ sợ một ngày nào đó, mẹ mệt nặng hơn… thì em mất mẹ".

Đôi vai gầy của người đàn ông 47 tuổi "gánh" cả gia đình. Ông Tâm cho biết: "Thì kệ chứ cũng không biết sao. Biết là có bệnh nhưng phải ráng làm để lo cho các con. Vợ mình thì cũng bệnh nhưng cũng cố gắng cắt phao kiếm vài đồng cho gia đình. Thấy các con học giỏi thì vui rồi".

Cô Nguyễn Thị Bích Phượng - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 - nhận xét Hoàng Sơn là cậu học trò hiền lành, hòa đồng với các bạn và luôn có sự nỗ lực. Năm lớp 11, đầu năm học lực Sơn loại Khá nhưng cuối năm đã vươn lên loại Giỏi, dù không học thêm môn nào.

Cô Phượng kể: "Nhắc Sơn là mình lại nhớ câu chuyện: Học tới 12 rồi mà dùng cái máy tính kiểu ngày xưa nên không bấm các hàm số được. Nhưng em cũng không chia sẻ với mình. Mãi tới khi giáo viên dạy toán tâm sự thì mình mới biết. Vậy là tụi mình đã đổi máy tính tốt hơn của mình lấy cái máy tính cũ của em. Hôm đó em chạy lên ngại ngùng cảm ơn mà nghe thương hết sức".

Sơn cho biết em thích học về cơ khí chế tạo máy nhưng lo lắng vì không biết có thể học hay không do điều kiện gia đình quá khó khăn.

Mẹ Sơn giấu nước kể với chúng tôi: "Có lần nghĩ không tới, mình đã nói con nghỉ học vì cha mẹ lo hết nổi rồi. Nhưng con xin được học và nói nếu con nghỉ thì con cũng sẽ như cha mẹ. Mình rớt nước mắt, vợ chồng nghe vậy mừng quá trời quá đất nhưng cũng thầm lo".

2. Cha mẹ qua đời khi em Nguyễn Ngọc Tiền lên 4 tuổi. Em về ở với bà nội. Khi em học lớp 8 thì bà mất. Em lại về ở với chú rồi sau đó chuyển về ở với cô cho tới hiện nay.

Hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung nghị lực học tập - Ảnh 2.

Theo nhiều giáo viên, Ngọc Tiền ngoan và hòa đồng trong hoạt động tập thể nhưng có vẻ còn khép mình và ngại chia sẻ về hoàn cảnh của mình - Ảnh: MẠNH KHANG

Tiền cho biết: "Mỗi tuần em đặt chỉ tiêu xài 50 nghìn đồng thôi. Vì tiền trợ cấp mồ côi không nhiều. Em cũng không muốn phải làm phiền cô, cô đã lo cho em quá nhiều rồi như mua sắm quần áo, lo ăn uống ở nhà, mua đồ dùng học tập".

"Mỗi lần đầu năm học, tới kỳ họp phụ huynh, thấy bạn bè ai cũng có cha mẹ đi họp thì em lại buồn. May là những lúc đó có cô hoặc anh họ đi thay nên em cũng bớt buồn hơn" - nói rồi cô bé ngẩng mặt cười thật tươi.

Theo cô Võ Thị Ngọc Loan - giáo viên chủ nhiệm lớp 12CB3, Tiền rất hiền, ngoan ngoãn và hòa đồng trong các hoạt động tập thể nhưng dường như đâu đó em vẫn còn khép mình, ít nói,… có lẽ vì hoàn cảnh. Ngọc Tiền học ổn định và thuộc hàng học lực khá của lớp.

Khi được hỏi về ước mơ của mình, Tiền chia sẻ em định tốt nghiệp THPT rồi sẽ kiếm việc làm để tự lo cho bản thân. Có lẽ cô bé nhỏ nhắn này đã quen với việc sống mạnh mẽ, tự mình đương đầu với những khó khăn.

Khi tâm sự hồi lâu, lúc hỏi lại em mới thật lòng chia sẻ rằng mình thích nghề hướng dẫn viên du lịch và chưa bao giờ dám kể về ước mơ đó với ai vì hoàn cảnh hiện tại làm em lo ngại.

Từ ngày 24-7, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học nhận một suất học bổng "", trị giá 3 triệu đồng/suất.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức.

MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên