Hoài Phương cùng cây đàn tì bà quen thuộc - Ảnh: Khuê Phạm |
Có lẽ đây là lần hiếm hoi Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen thực hiện một đêm nhạc riêng cho ca sĩ của đoàn.
Nghệ sĩ múa Đặng Hùng - giám đốc Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen - chia sẻ: “Với chặng đường 15 năm đã qua, bao thăng trầm suốt thời gian cùng Mặt Trời Đỏ, Mặt Trời Mới và hơn 10 năm là ca sĩ solo của Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Hoài Phương đã có một chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng yêu nhạc Việt, đủ sức “đứng” trong một đêm nhạc của riêng mình”.
Chuyên nghiệp từ năm 9 tuổi
Hơi “choáng” khi biết Hoài Phương đã theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp từ năm 9 tuổi. Cô ca sĩ gốc Quảng Bình kể: “9 tuổi Phương đã theo học tì bà suốt chín năm tại Học viện Âm nhạc quốc gia Hà Nội. Yêu ca hát, Phương lại theo đuổi thanh nhạc sau đó và tốt nghiệp chuyên ngành thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Huế”.
Thời gian đó, như bao sinh viên ngành thanh nhạc khác, Hoài Phương cũng miệt mài tham gia những cuộc thi hát với một vài thành tựu nho nhỏ: giải nhất Sao Mai khu vực bắc miền Trung 1999, huy chương vàng cuộc thi các trường chuyên nghiệp 2001, huy chương vàng Tiếng hát học sinh sinh viên 2004, huy chương bạc Liên hoan chuyên nghiệp toàn quốc 2004, giải tư Ngôi sao tiếng hát truyền hình 2006...
Sau khi tốt nghiệp, Hoài Phương tham gia nhóm Mặt Trời Mới và Mặt Trời Đỏ ở vị trí ca chính. Phận nhóm hát long đong, cộng với việc lập gia đình và có con nhỏ khiến Hoài Phương quyết định ngưng hoạt động nhóm, vào Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen để ổn định cuộc sống lẫn sự nghiệp.
“Kiểu mẫu” của dân gian đương đại
Khác với hình ảnh “người đẹp cổ trang” trên sân khấu, Hoài Phương ở đời thường mang vẻ đẹp năng động, hiện đại, dễ gần. Ở đâu có Hoài Phương là ở đó rổn rảng tiếng nói cười. Thường trình diễn những khúc dân ca, dân gian đương đại nhưng khi vui với bạn bè Phương cũng rất “khí thế” cùng nhạc trẻ.
Phương đùa mình có “hai dòng điện” nên chơi được cả nhạc cụ truyền thống (tì bà, bầu, bộ gõ...) lẫn nhạc cụ phương Tây (piano), hát được cả nhạc dân ca - trữ tình lẫn nhạc trẻ. Vậy nên với nhiều người, Hoài Phương là “mô hình kiểu mẫu” cho dòng nhạc dân gian đương đại.
Không phải tự nhiên mà thành “kiểu mẫu”. Phương thú thật cô dành không ít thời gian để rèn luyện giọng ca, tiếng đàn cho đến phong thái trình diễn. Ai đã một đôi lần xem Hoài Phương trình diễn hẳn sẽ khó quên giọng ca ngọt ngào, truyền cảm cùng phần trình diễn sinh động, tung nhạc cụ này, hứng nhạc cụ kia, chuyển động uyển chuyển trên sân khấu.
Tuy vậy, cô trưởng đoàn ca của Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen lại thổ lộ mình chỉ thật sự là Hoài Phương khi hát nhạc trữ tình quê hương với những khát khao cùng niềm tự hào cháy bỏng về quê hương, đất nước. Nếu rõ tâm tình đó của Hoài Phương thì sẽ không bất ngờ khi cô vừa ra mắt album Gửi đảo xa cách đây không lâu.
“Đây cũng là cái cớ để Phương giới thiệu phong cách trữ tình của mình trên sân khấu, với khán giả” - Hoài Phương thổ lộ. Một phần trong đêm Sen tỏa sắc, Hoài Phương sẽ trình diễn những ca khúc trữ tình quê hương - phần lớn trong album Gửi đảo xa. Phần còn lại sẽ là một Hoài Phương quen thuộc, thật “mượt” với những ca khúc dân gian đương đại khó nhằn.
Sen tỏa sắc công diễn vào 20g ngày 5-8 tại Nhà hát TP.HCM (7 Công trường Lam Sơn, Q.1). Chương trình được dàn dựng công phu, đúng chất dân gian đương đại với những màn kết hợp đặc biệt giữa Hoài Phương và những người bạn của cô như: NSƯT Vân Khánh, Huỳnh Lợi, Đức Tuấn, nhóm Lửa Việt, Nam Sơn, Giang Hồng Ngọc, bé Bào Ngư, nghệ sĩ múa Linh Nga - Trung Hiếu và các diễn viên Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận