Hoạch định chiến tranh từ tiểu thuyết viễn tưởng

TRÚC ANH 20/10/2024 03:07 GMT+7

TTCT - Cảnh báo về các nguy cơ an ninh quốc gia hay tương lai chiến tranh sẽ dễ "lọt tai" hơn nếu chúng được trình bày dưới dạng tiểu thuyết.

Hoạch định chiến tranh từ tiểu thuyết viễn tưởng - Ảnh 1.

Ảnh: Air University

Trong một căn phòng hội nghị lạnh lẽo ở Montgomery (bang Alabama, Mỹ), 13 sĩ quan không quân chăm chú nghe bạn cùng lớp Morgan Mitchell tóm tắt câu chuyện hư cấu cô vừa viết, Maid to Maverick. Nữ chính là Amelia, một thiếu nữ bỏ học trung học sau cái chết của mẹ và đi làm hầu phòng. Khi chiến tranh thế giới lần ba nổ ra vào năm 2050, Amelia được triệu tập để chiến đấu cho nước Mỹ. Cô vượt qua bài kiểm tra chứng minh khả năng điều khiển một dòng drone tối tân bằng ý nghĩ. Các sĩ quan trong đơn vị chế giễu và gọi cô là kẻ vô danh, song điều đó không ngăn Amelia tiến lên và chiến thắng. Từ biểu cảm lạnh lùng mà nói, 13 sĩ quan - tất cả đều là học viên của Air University, tổ chức đào tạo nhân viên không quân và không gian của Mỹ - có vẻ không mặn mà gì mấy với cuộc phiêu lưu của Amelia.

Đây là tường thuật của Tạp chí 1843 về một buổi của Blue Horizons, khóa học đặc biệt khuyến khích sĩ quan "suy nghĩ sáng tạo" về cách cải thiện không quân Hoa Kỳ (USAF). 

Tin rằng có thể khơi gợi tư duy sáng tạo của người học thông qua viết văn, trong sáu năm qua Blue Horizons đã mời Peter Singer và August Cole - hai nhà sáng lập của Useful Fiction, công ty đặt mục tiêu "biến các sĩ quan không quân thành tác giả truyện khoa học viễn tưởng" - về giảng dạy. 

Singer và Cole cho rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ chú ý hơn nếu các mối đe dọa trong tương lai và cách đối phó với chúng được trình bày dưới dạng một câu chuyện hấp dẫn thay vì một bản báo cáo khô khan. "Chúng tôi muốn lén cho rau vào món sinh tố" - Singer ví von cách cài cắm ý tưởng chính vào câu chuyện hư cấu.

Sau phần trình bày của Mitchell, Singer hỏi "món rau" trong truyện của cô là gì. Học viên đáp: USAF cần hiện đại hóa hệ thống tuyển dụng, cải thiện cách đánh giá các tân binh để đảm bảo rằng mọi người được phân công vào những công việc phù hợp với kỹ năng của họ, điều mà cô tin rằng "có thể tạo ra sự khác biệt giữa thắng và bại" trong một cuộc chiến tương lai. Một đồng nghiệp của Mitchell viết về nỗi sợ hãi của một phi công bị mắc kẹt đang chờ được giải cứu (ý tưởng "cài cắm": cải thiện các quy trình tìm kiếm và cứu nạn).

Cole là phóng viên chuyên về quốc phòng của báo The Wall Street Journal, còn Singer là nhà phân tích chính sách đã viết nhiều sách về chiến tranh. Họ gặp nhau cuối những năm 2000, thời mà những cảnh báo về đối đầu Mỹ - Trung hay tương lai của chiến tranh là trên mạng và ngoài không gian không thu hút được nhiều sự chú ý dù được đưa ra trong các bài báo khoa học và sách vở. Cole và Singer tin rằng tiểu thuyết sẽ là phương tiện truyền đạt hiệu quả hơn.

Năm 2015, cả xuất bản tiểu thuyết viết chung Ghost Fleet, lấy bối cảnh trong "tương lai không quá xa" về cuộc xung đột trong đó Trung Quốc tấn công Mỹ trên cả không gian (bắn tia laser vào vệ tinh) lẫn không gian mạng (lén đưa phần mềm độc hại vào hệ thống máy chủ của quân đội), cuối cùng chiếm cả Hawaii. 

Những gì quyển sách vẽ ra đã khiến giới chức Mỹ chú ý. Ghost Fleet được đưa vào danh sách đọc của USAF; Nhà Trắng, CIA và một số cơ quan chính phủ khác đã mời Singer và Cole đến để báo cáo. 

Cũng từ đó, họ bận rộn với các đặt hàng dành cho Useful Fiction: tổ chức lớp học viết sáng tạo cho quân đội, chắt lọc nội dung chính từ các văn bản dài dòng được viết bằng ngôn ngữ nhàm chán - chẳng hạn báo cáo về công nghệ lượng tử hay tài liệu về chiến lược an ninh mạng - rồi biến chúng thành những câu chuyện hư cấu ngắn gọn.

Họ còn đắt hàng ở nước ngoài. Tháng 3-2023, Bộ Quốc phòng Anh đặt hàng cả hai viết tám câu chuyện ngắn về cách "các công nghệ mới nổi" có thể thay đổi chiến tranh trong 20 năm tới, theo trang tin Force News. Chủ đề trải dài từ London bị tấn công hàng loạt bằng drone tới việc Vương quốc Anh bị xâm lược bởi một quốc gia đã làm chủ máy tính lượng tử.

Nói chung, theo Cole và Singer, mọi câu chuyện phải tuân "nguyên tắc thực tại": độc giả sẽ không chú ý nếu họ không thấy điểm tương đồng với thế giới của mình. Các câu chuyện phải được đặt trong bối cảnh Trái đất và công nghệ phải là thứ đã tồn tại hoặc đang trong quá trình phát triển.

Còn người học - những người lính bỗng phải học cách viết văn - thì sao? Mitchell thừa nhận không còn viết lách gì từ khi rời ghế nhà trường. Cô từng thích đọc sách nhưng giờ không có thời gian. Chuyện học viết này quả là không thoải mái. 

Nhưng lớp học này không phải là vô ích. Trao đổi sau buổi học với tác giả Charlie McCann của 1843, Mitchell nói cô từng nghĩ cứ theo lối cũ, thuyết trình PowerPoint với đầy dữ liệu, là được, nhưng giờ mới hiểu lập luận logic không phải lúc nào cũng đủ. Người ta không thích những con số, có lẽ họ muốn cảm nhận điều gì đó thay vì chỉ nghe lý lẽ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận