Kỳ 1: Kỳ 2:
Phóng to |
Tướng Alexander Haig - Ảnh: W.hogan |
Ba ngày sau, ngày 15-11-1972, tướng Haig yêu cầu một phái viên chính quyền Sài Gòn, sắp rời khỏi Washington, tới Nhà Trắng để truyền đạt “ý chỉ” của Nixon. Tường trình của phái viên VN cộng hòa này cho thấy mục đích rõ ràng của Hoa Kỳ đối với việc “thúc ép” Nguyễn Văn Thiệu chấp nhận bản dự thảo hiệp định. Đồng thời Nixon bảo đảm sẽ tăng cường vũ khí, trang bị cho quân đội Sài Gòn để có khả năng thắng được quân giải phóng và giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử. Và Hoa Kỳ rút ra khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự.
Tướng Haig nói gì?
Sau cuộc gặp với tướng Haig, phái viên VN cộng hòa tường trình nguyên văn như sau:
“Trước khi rời Washington, tướng Haig có mời tôi đến tòa Bạch Ốc để nhờ tôi chuyển trình tổng thống (Nguyễn Văn Thiệu - BT) các điểm sau đây mà tướng Haig cho là cực kỳ quan trọng liên quan đến tình hình và tương lai Việt Nam:
1. Sau khi sang Sài Gòn chuyến chót để trình bày các điểm về thỏa ước hòa bình với tổng thống, tướng Haig đã cố gắng trình lại tổng thống Nixon những điểm mà tổng thống (Thiệu) đã bảo tướng Haig “explorer” (thăm dò) xem ra sao. Sau khi vừa trình bày xong, tướng Haig cho biết rằng chưa bao giờ ông thấy tổng thống Nixon giận dữ như thế và cho rằng tổng thống (Thiệu) là một “obstacle” (trở ngại) cho việc tiến đến hòa bình. Và tổng thống Nixon bảo, theo lời tướng Haig: “Tôi sẽ không nhượng thêm một điều khoản nào nữa và nếu tổng thống Thiệu cương quyết giữ lập trường thì chúng tôi sẽ đi đôi (bilateral) với Bắc Việt và điều này chúng tôi sẽ tiến hành ngay trong “week-end” (cuối tuần) này bằng cách gửi ông Kissinger sang Paris gặp Bắc Việt. Chừng ấy Sài Gòn sẽ không còn mong một sự giúp đỡ cỏn con nào về phần Hoa Kỳ”.
Tướng Haig tiếp: “Hôm nay, theo tôi biết (ngày 15-11-1972) tại Sài Gòn, đại sứ Bunker được chỉ thị của tổng thống Nixon trao lại cho tổng thống một thư riêng cũng nhấn mạnh về điểm yêu cầu của Hoa Kỳ. Xin tổng thống (Thiệu) hợp tác với Hoa Kỳ để giúp họ đi sớm đến thỏa hiệp mà Hoa Kỳ cho rằng sẽ không thiệt thòi cho VN cộng hòa. Đây là bức thư thứ ba hoặc thứ tư gì rồi, nhưng vẫn chưa thấy tổng thống (Thiệu) đáp ứng”.
Tướng Haig yêu cầu tôi trình tổng thống (Thiệu) điểm này nhiều nhứt và cho ông ấy biết phản ứng của tổng thống (Thiệu) lần này ra sao. Tôi hứa sẽ trình sớm và điện thoại riêng cho tướng Haig đêm hôm qua (17-11-1972).
2. Tôi (tức tướng Haig - BT) biết tổng thống Thiệu e ngại việc có thể bị cộng sản lấn át, nhưng chúng tôi còn có đủ lực để ngăn chặn cộng sản làm điều này, với đệ thất hạm đội và không lực Mỹ tại Thái Lan.
3. Về điểm rút quân Bắc Việt, tổng thống (Thiệu) cứ quyết liệt đòi quân Bắc Việt phải rút khỏi miền Nam, điều này có bao giờ có thể họ chấp nhận, nhưng chúng tôi đã có giải pháp bớt quân hoặc giải ngũ quân hai bên trên căn bản 1-1 (một đổi một - BT). Như vậy sẽ không còn quân Bắc Việt và quân lực VN cộng hòa vẫn còn quân nhiều hơn để giữ vững lãnh thổ. Giải pháp này cũng đã khó cho họ chấp nhận rồi, làm thế nào đòi họ rút hết được. Nhưng chúng tôi hi vọng họ sẽ chấp nhận. Phía Hoa Kỳ chúng tôi đã thăm dò và có sự đồng ý của Nga Sô và Trung Cộng giúp đỡ thuyết phục Bắc Việt nhận giải pháp này để chấm dứt chiến tranh. Tóm lại, giải ngũ hoặc giảm quân trên căn bản 1-1 thực hiện trong vòng ba tháng có quốc tế kiểm soát, như vậy VN cộng hòa không phải lo ngại về sự có mặt của quân Bắc Việt tại miền Nam.
4. Vùng vĩ tuyến cũ (DMZ) sẽ được tái lập và tôn trọng là điều chúng tôi cũng sẽ thảo luận và hi vọng thành công với CSBV (Việt Nam dân chủ cộng hòa - BT).
5. Về “coalition” (liên hiệp - BT), đâu có vấn đề “coalition” mà đó chỉ là một “Advisory Committee” (hội đồng cố vấn - BT) không quyền hạn gì và chỉ đưa góp ý kiến về thể thức tuyển cử thôi. Chúng tôi luôn luôn chống đối “coalition” nên không bao giờ để thua CS (cộng sản - BT) điều này.
6. Hoa Kỳ đã cố gắng rất nhiều khi thương thuyết đi đến thỏa hiệp với Bắc Việt để giữ vững tư thế lãnh đạo của tổng thống Thiệu và chúng tôi biết tổng thống Thiệu sẽ “stay forever” (ở lại mãi mãi - BT).
7. Hoa Kỳ đã đưa trên 1 tỉ Mỹ kim “hardware” để tăng cường quân lực VN cộng hòa đủ mạnh trước khi có ngừng bắn, và chúng tôi sẽ tiếp tục giúp thêm cả viện trợ quân sự lẫn kinh tế với mức dồi dào để giúp tổng thống Thiệu giữ vững tư thế lãnh đạo của ông.
8. CSBV biết rõ Hoa Kỳ sẽ rút và quân Đại Hàn cũng sẽ rút hết đến tháng 6-1972.
9. Chúng tôi (Hoa Kỳ - BT) không muốn cho CSBV biết sự rạn nứt giữa Mỹ và VN cộng hòa, nên chúng tôi vẫn tuyên bố: việc thăm dò giữa VN cộng hòa và Hoa Kỳ rất “satisfied” (hài lòng - BT). Trong lúc đó, sáng nay (15-11-1972) tôi mở báo ra xem thì thấy ở Sài Gòn, ông Nhã, ông Lắm tuyên bố trái ngược, gây “embarras” (khó khăn - BT) cho chúng tôi không ít.
10. Việc VN cộng hòa muốn tham dự mật đàm, chúng tôi hoan nghinh (welcome) ý kiến này và sẽ thảo luận với Bắc Việt. Theo tôi biết thì tổng thống Thiệu cử đại sứ Lâm tham dự và đại sứ Lâm sẽ được chúng tôi “briefer” rõ từng điểm mỗi khi xong một buổi mật đàm, để theo dõi và góp thêm ý kiến.
11. Tóm lại chúng tôi (Hoa Kỳ - BT) khẩn khoản yêu cầu tổng thống Thiệu “collaborer” (hợp tác - BT) với chúng tôi và cần “solidaire” (đoàn kết - BT) với chúng tôi mới mong có giải pháp tốt cho VN cộng hòa nếu không “It will be the end” (nó sẽ được kết thúc - BT)”.
Phóng to |
Tổng thống Nixon và ngoại trưởng Kissinger bàn thảo về cuộc hội đàm Paris về chiến tranh VN năm 1972 - Ảnh: AP |
Nguyên tắc “sinh tử” của tổng thống Thiệu
Ngày 20-11-1972, trong khi chờ đợi hồi đáp của chính quyền Sài Gòn, tại cuộc đàm phán mật ở Paris, Hoa Kỳ đã trình bản dự thảo hiệp định với những sửa đổi theo chiều hướng quan điểm của chính quyền Sài Gòn. Nhưng sau năm ngày thảo luận, Hoa Kỳ không thể làm lay chuyển lập trường kiên định của những người cộng sản. Dư luận đánh giá cuộc gặp này là một bước thụt lùi lớn so với trước đó một tháng vì Hoa Kỳ đòi sửa đổi hầu hết các vấn đề thực chất trong tất cả các chương theo yêu cầu của chính quyền Sài Gòn.
Tại Sài Gòn, ngày 29-11-1972, Nguyễn Văn Thiệu cử Nguyễn Phú Đức - phụ tá đặc biệt về ngoại vụ - tới Washington hội kiến Nixon. Tại Washington, Nguyễn Phú Đức trao cho Nixon thư của Nguyễn Văn Thiệu, trong đó nói rõ yêu sách của ông ta:
“Phía cộng sản vẫn đòi hỏi chúng tôi phải đầu hàng vô điều kiện mặc dù trên bề mặt họ chỉ sửa đổi vài điểm chỉ có tính cách kỹ thuật... Và họ cũng vẫn buộc chúng tôi phải chấp nhận cái mà họ gọi là cơ cấu chính quyền lấy tên là hội đồng quốc gia hòa giải hòa hợp dân tộc với ba thành phần ngang nhau, với mục đích tổ chức tổng tuyển cử xóa bỏ chế độ tại miền Nam...
Như tôi đã vạch rõ trong giác thư ngày 18-11 vừa qua của Chính phủ VN cộng hòa và bức thư riêng của tôi gửi cho tổng thống cùng ngày, tôi quan niệm rằng đây là hai nguyên tắc chính yếu cho giải pháp chiến cuộc VN. Hơn nữa, những nguyên tắc ấy còn là những nguyên tắc sinh tử của quốc gia chúng tôi.
Về nguyên tắc thứ nhất, là sự hiện diện đương nhiên của quân Bắc Việt tại miền Nam VN sau khi hiệp định được ký kết, chúng tôi quan niệm đây là điểm then chốt, quyết định sự sống còn của miền Nam...
Về vấn đề mọi giải pháp chính trị cho nội bộ miền Nam... thành lập một hội đồng hòa giải quốc gia và dân tộc với hai thành phần đồng đều nhau để thương thuyết và giải quyết mọi vấn đề quân sự chính trị nội bộ miền Nam...
Chúng tôi không mong muốn gì hơn là chủ thuyết của tổng thống được tiếp tục cho VN cũng như cho các quốc gia nhỏ khác ở Đông Nam Á như tổng thống đã chủ trương và chương trình VN hóa quân sự lẫn kinh tế được tiếp tục để VN cộng hòa có đủ khả năng tự lực dần dần...”.
(Trích từ quyển Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, do NXB Chính Trị Quốc Gia phát hành tháng 12-2012)
_________
Kỳ tới: Bước ngoặt lịch sử
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận