Hoa vạn thọ của vạn mùa xuân xưa

ĐẶNG TUYẾT 08/02/2024 19:30 GMT+7

TTCT - Trong tâm thức nhiều người, hoa vạn thọ là hoa Tết. Có hoa vạn thọ là có Tết.

Minh họa thực vật - hoa vạn thọ. Nguồn: DIGITALBROSSE

Minh họa thực vật - hoa vạn thọ. Nguồn: DIGITALBROSSE

Trong tâm thức nhiều người, hoa vạn thọ là hoa Tết. Dẫu một năm làm ăn thành công hay thất bát, bình thường hay rực rỡ, chiều 30 Tết phải có chậu hoa vạn thọ để trước bàn gia tiên hay góc thềm nhà.

Góc ruộng có hoa vạn thọ làm nên không khí Tết

Thị trường hoa Tết mỗi năm thêm rực rỡ. Các nhà vườn liên tục tìm kiếm giống hoa mới, bắt kịp xu hướng ưa hoa lạ của khách hàng. Nhưng đâu đó ở một góc ruộng hoa vẫn có vài trăm chậu vạn thọ khoe sắc. Với các nhà vườn truyền thống, thiếu hoa vạn thọ thì chưa ra mùa hoa Tết.

Khi mới vào nghề, ông Phạm Văn Bảnh (phường An Hòa, TP Sa Đéc, Đồng Tháp) đã chọn gieo trồng vạn thọ, bởi đặc tính dễ trồng, nhẹ chi phí, nhẹ công chăm sóc, chỉ siêng bấm đọt, điều chỉnh ngày hoa nở là có mùa hoa Tết tưng bừng. Đến nay, ông Bảnh đã gắn bó nghề trồng hoa hơn nửa đời người, gầy dựng được cơ ngơi kha khá ở làng hoa Sa Đéc. Mỗi năm ông vẫn dành một góc ruộng trồng hoa vạn thọ giữa trùng điệp các loại hoa giống ngoại từ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản hay châu Âu.

Ông Bảnh nói hồi những năm 2000, ngày Tết chỉ có hai loại hoa phổ biến là vạn thọ và mào gà. Đến những năm 2017-2018, đời sống kinh tế khấm khá, bà con bắt đầu chuộng các loại hoa đắt tiền, hoa giống ngoại nên hoa vạn thọ không còn là lựa chọn tất nhiên để trưng bày trong dịp Tết.

Theo nhịp thị trường ấy, vườn nhà ông giảm dần số gốc vạn thọ qua từng mùa Tết. Năm 2023, ông trồng 2.000 chậu vạn thọ, năm nay còn 400 chậu và bỏ luôn vạn thọ cây (để cắm bình) vì không cạnh tranh lại các loại hoa mới.

Một góc vườn hoa vạn thọ ở làng hoa Sa Đéc.  Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Một góc vườn hoa vạn thọ ở làng hoa Sa Đéc. Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Tương tự, vườn hoa của ông Đặng Quang Giàu (TP Sa Đéc) năm nay chỉ trồng 5.000 giỏ hoa vạn thọ theo đơn đặt hàng, con số ít ỏi so với 15.000 giỏ cúc mâm xôi.

Trước đây, các nhà vườn thường trồng hoa vạn thọ giống truyền thống, từ khi gieo hạt đến khi nở bông khoảng 3 tháng. Nay giống hoa truyền thống này đã thoái hóa nên đa số nhà vườn trồng hoa vạn thọ giống Pháp, từ khi gieo đến khi nở hoa khoảng 2 tháng, rút ngắn thời gian chăm sóc, giảm lượng nước tưới, phân bón.

Hoa vạn thọ giống Pháp có màu vàng hoặc cam, nhụy xanh, sau khi lẩy chồi 10 ngày thì bông nở tròn. Hoa vạn thọ dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, nhà vườn tận dụng phân rơm ủ mục của mùa trước để trồng. Giá hoa rẻ nên từ nhà bình dân đến nhà giàu đều có thể mua.

"Bà con mình thích bông thọ không chỉ vì giá rẻ mà ngay cái tên bông đã nghe ra sự bình an, tốt lành, ai cũng muốn mang về nhà ngày Tết. Vậy nên dù thị trường hoa Tết có đa dạng đến đâu thì chợ hoa vẫn có góc dành cho vạn thọ" - ông Giàu nói.

Ông Nguyễn Văn Bình, nông dân làng hoa An Thạnh, xã Hòa An (huyện Chợ Mới, An Giang), có hơn mười năm gắn bó với nghề trồng hoa. Ông tính: năm nay người dân làm công ty ít việc, người thất nghiệp tăng nên ăn Tết sẽ đơn giản hơn. Nhà vườn cũng e dè không dám trồng nhiều loại hoa chi phí cao, công chăm sóc vất vả, đầu ra không ổn định.

"Sau những năm đầu tư lớn trồng các loại hoa mắc tiền với thị trường khó lường, tôi thấy chỉ có vạn thọ là "trồng chơi ăn thiệt", giá cả ổn định, không lo thua lỗ. Tết năm nào tôi cũng trồng một lượng bông thọ, ít nhưng nhất định phải có. Nếu "thua" các loại bông khác thì vẫn còn vớt vát mùa Tết ở bông thọ, coi như chừa cái Tết cho riêng mình", ông Bình nói.

Còn ông Nguyễn Ngọc Hiệp (xã Hòa An, huyện Chợ Mới) năm nay trồng 7.000 giỏ và 1.000m2 hoa vạn thọ. Hoa vạn thọ trồng trên đất, nhà vườn nhổ bán để cắm bình trên bàn thờ gia tiên, bàn thông thiên.

Tự trồng hoa ăn Tết

Thực tế, diện tích và số lượng hoa vạn thọ ở các làng hoa, vựa hoa miền Tây giảm không phải vì người dân giảm ưa chuộng loại hoa này. Như một thói quen, khoảng tháng 10 âm lịch, nhiều nhà có vườn ở miền Tây đã gieo một ít bông thọ chơi Tết, tự mang xuân vô nhà, coi như vừa tiết kiệm lại vừa thêm chút đỉnh thu nhập.

Nhà bà Lê Thị Thoa (xã Tân Thuận Đông, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) có vườn rộng, có sẵn hệ thống tưới nước nên năm nay bà "tiện tay" trồng khoảng 1.000 gốc hoa vạn thọ ăn Tết. Nếu thị trường thuận lợi, 1.000 cây vạn thọ vô được 300 chậu hoa vừa vừa đem bán, bà Thoa có thêm chút tiền tiêu Tết.

"Còn như bán không hết thì… không sao cả, để hoa nở cả vườn ăn Tết cũng rất vui. Từ xưa tới giờ, năm nào có khóm vạn thọ trước nhà là gia đình tôi coi như có cái Tết trọn vẹn rồi", bà Thoa vui vẻ chia sẻ.

Ngày Tết, nhà nhà đều có bánh chưng, bánh tét, thịt mỡ, dưa hành; không hẹn mà gặp dưới mỗi nếp nhà luôn có hoa vạn thọ đón Tết khi bloc lịch trên tường được gỡ sang các ngày "hăm" tháng chạp. Năm nay kinh tế khó khăn, nhiều nhà vườn thủ sẵn kịch bản người tiêu dùng gói ghém hầu bao, chọn hoa vạn thọ chơi Tết thay vì những loại hoa đắt tiền. "Biết đâu đám hoa ở góc ruộng không mấy nổi trội lại là dấu thăng cho mùa Tết năm nay", ông Bảnh ngụ ý. ■

Bà Lê Thị Thoa (Đồng Tháp) tự trồng hoa chơi Tết và bán cho hàng xóm. Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Bà Lê Thị Thoa (Đồng Tháp) tự trồng hoa chơi Tết và bán cho hàng xóm. Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Là thuốc, là thức ăn

Theo trang Mitú, cúc vạn thọ có nguồn gốc từ Mexico, có tên gọi khác là cempasúchil - bắt nguồn từ ngôn ngữ Nahuatl. "cempoa" nghĩa là hai mươi và "xóchitl" có nghĩa là hoa, được kết hợp để chỉ các cánh hoa. Hoa cúc vạn thọ được sử dụng để nhuộm vải, cho ra nhiều màu vàng khác nhau, đồng thời có thể dùng làm thuốc trừ sâu trong vườn rau. Cúc vạn thọ cũng dùng làm thuốc chữa các bệnh về đường tiêu hóa như khó tiêu, nôn mửa và tiêu chảy bằng cách ăn hoặc uống chúng với trà. Một ghi chép từ thế kỷ 16 có tên De La Cruz-Badiano Aztec Herbal 1552 cho rằng cúc vạn thọ được sử dụng để chữa nấc cụt, thậm chí chữa trị cho những người bị sét đánh.

National Geographic kể những năm 1500, các nhà thám hiểm Tây Ban Nha đánh cắp hạt giống cúc vạn thọ và trồng chúng trong tu viện. Sau đó, hạt giống được vận chuyển đến Pháp và Bắc Phi trước khi quay trở lại Bắc Mỹ. Hoa cúc vạn thọ được nhân giống thành nhiều màu sắc hoặc các giống không mùi… Ngày nay, có ít nhất 35 loài hoa vạn thọ ở Mexico, 58 loài ở Mỹ.

Người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng giúp đem giống hoa này đến Ấn Độ cách đây hơn 350 năm. Cúc vạn thọ dần xuất hiện trong các lễ kỷ niệm quan trọng, chủ yếu là các sự kiện đầy sắc màu, mang ý nghĩa vui tươi, cao quý hoặc tôn vinh. Ở Ấn Độ, cúc vạn thọ được sử dụng như một lễ vật dâng lên các vị thần trong các nghi lễ (như lễ hội sắc màu - một sự kiện nổi tiếng vào mùa xuân của người theo đạo Hindu).

Hoa cũng được dùng như biểu tượng của sự tôn trọng và ngưỡng mộ đối với các chính trị gia, các cặp vợ chồng và người đã khuất, là "món ăn tinh thần, dấu hiệu của sự tôn trọng và tình yêu", theo miêu tả của nhà nhân chủng học Jack Goody trong cuốn sách Văn hóa các loài hoa.

Goody viết rằng loài hoa này "luôn được yêu cầu" ở Ấn Độ, đặc biệt vào dịp lễ hội Diwali, lễ hội lớn nhất đất nước. Cúc vạn thọ cũng có mặt khắp nơi trong lễ hội Ganga Dussehra của đạo Hindu. Nhà khảo cổ học Jack Harlan đã ngạc nhiên trước sự phong phú của hoa cúc vạn thọ tại lễ hội Dussehra năm 1960 ở thung lũng Kulu phía tây bắc Ấn Độ. "Cúc vạn thọ có ở khắp mọi nơi, là loài hoa linh thiêng ở thung lũng Kulu. Vòng hoa được bán trên đường phố, treo trên lều, treo trên cửa ra vào, đeo quanh cổ", ông viết.

Trong các đám cưới truyền thống ở một số cộng đồng tại Ấn Độ, gia đình cô dâu sẽ bày một đĩa bạc đựng cơm và các vật phẩm tốt lành khác, có cả những cánh hoa cúc vạn thọ. Hoa còn được miêu tả như một món ăn nhẹ trong phim Monsoon Wedding.

BÌNH MINH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận