Chiến tranh đi qua, những người lính năm xưa quay về cuộc sống thường nhật tại Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất - Video: MAI THƯƠNG
Một chiều tháng 7, tôi đặt chân tới Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Gần 16h, giữa hành lang đổ nghiêng bóng nắng của hai dãy nhà gần 10 căn phòng vang lên tiếng hát: "Năm anh em trên một chiếc xe tăng, như năm bông hoa nở cùng một cội...".
Xe lăn tự điều khiển là phương tiện chính giúp những thương bệnh binh di chuyển và sinh hoạt - Ảnh: MAI THƯƠNG
Đó là những lời ca vang đều đặn mỗi chiều, từ chiếc ghita cũ, vài dây đàn đã đứt phăng của 58 thương bệnh binh tại trung tâm.
Họ hầu hết là những người lính trở về từ biên giới Tây Nam với tỉ lệ thương tật từ 81% trở lên. Họ được chăm sóc và điều trị tại đây, có người mới chuyển đến 2-3 năm, cũng có người gắn bó hơn 15 năm ở nơi này.
Những vết thương ăn sâu, lở loét và gây trở ngại cho sinh hoạt đời thường của những bệnh binh hạng 1/4. Đa số họ đều mang di chứng vết thương cột sống, nửa cơ thể dưới hoặc toàn thân bị teo và mất cảm giác, không tự chủ được trong sinh hoạt cá nhân.
Hầu hết những thương bệnh binh tại đây đều bị liệt nửa người và chân teo nhỏ, mất cảm giác - Ảnh: MAI THƯƠNG
Gần như những sinh hoạt ngày thường đều cần đến sự giúp đỡ của hộ lý hoặc người thân nếu chung sống với gia đình. Có những người từ chiến trường năm xưa chưa một lần có cơ hội về lại quê hương. Nhưng, đằng sau những cơn đau, đằng sau nỗi nhớ nhà vẫn là một tâm hồn tươi trẻ.
Không gì có thể làm người lính gục ngã. Giữa trung tâm, tiếng hát người lính năm nào vẫn vang lên, đâu đó vẫn là tiếng cười đùa, những lời hỏi thăm, câu chuyện năm nào về khói lửa bom đạn kẻ thù vẫn rôm rả mỗi lần có ai khơi gợi.
Những tâm hồn chiều chiều ngồi lại bên nhau vang lên tiếng hát: "Năm anh em trên một chiếc xe tăng...".
Ông Nguyễn Duy Minh, thương binh hạng 1/4, trở về từ chiến trường biên giới Tây Nam, bỏ lại đôi chân. Với tỉ lệ thương tật 96%, gần như mọi sinh hoạt hằng ngày của ông đều phải nhờ đến người thân giúp đỡ. Hiện tại ông sống cùng gia đình con trai gần Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất - Ảnh: MAI THƯƠNG
Chiều chiều, thương binh Nguyễn Duy Minh vẫn chở cháu tới khuôn viên trung tâm để gặp gỡ các đồng đội tại đây - Ảnh: MAI THƯƠNG
Thương binh Trần Toàn, quê Quảng Bình, bị liệt từ bụng trở xuống nên không thể ngồi xe lăn như các thương binh khác. Để có thể tự mình ăn uống và phục vụ một phần sinh hoạt hằng ngày, ông được chế tạo chiếc giường đặc biệt hơn so với những thương bệnh binh khác - Ảnh: MAI THƯƠNG
Do thương binh Trần Toàn không thể tự di chuyển bằng xe lăn, mỗi ngày những bệnh binh tại trung tâm đều tập trung tới phòng ông Toàn chuyện trò rôm rả - Ảnh: MAI THƯƠNG
Thương binh Lê Văn Thạnh với vết lõm trên đỉnh đầu do bị đạn bắn đè lên mũ trong chiến trường biên giới Tây Nam. Gần 3 năm bại liệt, mất ý thức, nay ông có thể tự ăn, nói chuyện cùng mọi người dù vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn - Ảnh: MAI THƯƠNG
Nhiều sinh hoạt của ông được vợ giúp đỡ - Ảnh: MAI THƯƠNG
Cô Lê Thị Sáu, quê Quảng Nam, là một trong số những thương binh nữ tại trung tâm. Trở về từ chiến trường biên giới Tây Nam, cô bị mất một bên cánh tay và phải cưa mất một chân. Gắn bó phần đời còn lại trên chiếc xe lăn, mỗi ngày cô đều tự di chuyển quanh khuôn viên trung tâm để rèn luyện sức khỏe - Ảnh: MAI THƯƠNG
Thương binh Phan Văn Tịnh bị liệt nửa người dưới, dù ngồi xe lăn vẫn quyết tâm tự nuôi sống bản thân chứ không muốn phải phụ thuộc vào trợ cấp của Nhà nước. Hiện tại ông Tịnh là chủ một tiệm sửa xe và có gần 20 năm đi làm từ thiện, nhận dạy nghề cho thanh niên lầm lỡ, phát đồ ăn miễn phí cho người nghèo 2 lần trong tháng, tặng sách cho học sinh hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: MAI THƯƠNG
Sống chung với những cơn đau tái phát, với cơ thể không lành lặn, vậy nhưng những người lính năm xưa luôn yêu đời và ngân cao tiếng hát, ưa thích các hội diễn văn nghệ - Ảnh: MAI THƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận