05/09/2017 10:38 GMT+7

Hòa thượng Thích Chơn Không: Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế

TẤN KHÔI thực hiện
TẤN KHÔI thực hiện

TTO - Truyền thống báo hiếu được tiếp nối từ thời Đức Phật, Vu lan ngày càng trở thành lễ hội được nhiều người biết đến trong ý nghĩa tri ân, báo ân đấng sinh thành.

Hòa thượng Thích Chơn Không: Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế - Ảnh 1.

Những bông hoa cài áo trong mùa Vu lan (ảnh chụp tại chùa Vĩnh Nghiêm, TP.HCM ngày 4-9) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Hòa thượng Thích Chơn Không - phó ban kiêm chánh thư ký Ban hướng dẫn phật tử trung ương, quyền trưởng Ban hướng dẫn phật tử TP.HCM - chia sẻ như thế trong câu chuyện về ý nghĩa Vu lan, về chữ hiếu và việc báo ơn cha mẹ.

Theo Hòa thượng, từ thập niên 60 của thế kỷ trước đến nay, lễ "Bông hồng cài áo" được thiền sư Nhất Hạnh phát động (sau khi ngài đi Nhật và dự một lễ cài hoa tri ân ở đó) càng giúp khơi gợi tình thương dành cho cha mẹ để những ai còn cha mẹ biết cách sống tốt nhằm tránh ân hận về sau. 

Đây có thể nói là lễ hội nhân văn vào mỗi mùa Vu lan mà ai cũng có thể tham dự.

Hòa thượng Thích Chơn Không: Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế - Ảnh 2.

Hòa thượng Thích Chơn Không - Ảnh: NVCC


Kinh Thiện sanh (còn gọi là Thi-ca-la-việt hay là kinh Lễ sáu phương), Đức Phật dạy người con cần chăm sóc cha mẹ mỗi ngày; lo ăn uống chu đáo; không để cha mẹ buồn phiền, lo lắng; luôn nhớ ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ; khi cha mẹ già yếu, bệnh tật thì lo lắng thuốc thang.

Hòa thượng Thích Chơn Không

* Thưa Hòa thượng, chữ hiếu được nhắc nhiều trong văn hóa Phật giáo cũng như văn hóa dân tộc, không chỉ ở lễ Vu lan?

- Trong kho tàng những lời dạy của Đức Phật có nhiều kinh điển nói về việc báo hiếu và cả trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái. 

Bên cạnh đó, Ngài dạy người làm cha mẹ cũng cần làm gương, dạy con cái biết làm lành lánh dữ; giúp đỡ con cái chuyện làm ăn hay dựng vợ gả chồng...

Như vậy, báo hiếu là suy nghĩ, hành vi và cả lời nói đem đến an vui, hạnh phúc cho cha mẹ - xuyên suốt trong mỗi ngày, mỗi tháng năm cha mẹ còn tại thế. 

Trong kinh Tâm địa quán, kinh Hiếu tử, Đức Phật còn ví "Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế". Ngài khẳng định không có tội nào nặng bằng tội bất hiếu và không phước nào bằng phước của việc báo hiếu.

Tinh thần đó khi được truyền đi, đến Việt Nam, hòa cùng truyền thống dân tộc như "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", đạo lý thờ cha kính mẹ... đã nhanh chóng được tiếp thu và rồi ai cũng xem hiếu đạo là ứng xử đạo đức cao nhất mà mỗi người phải giữ gìn.

* Trong xã hội hiện đại, chữ hiếu cần được vận dụng ra sao, thưa Hòa thượng?

- Sống trong xã hội nào chúng ta cũng cần giữ gìn hiếu đạo như phụng dưỡng ông bà cha mẹ, làm cho cha mẹ sống tốt về mặt vật chất lẫn tinh thần. 

Ở gần cũng như xa đều phải thăm nom, kết nối, tạo nên giềng mối quan hệ khắng khít, để cha mẹ an lòng, để người con không quên cội nguồn và trở thành người được xã hội thừa nhận.

Do vậy, sống có hiếu với cha mẹ, ông bà cũng chính là phương cách rèn luyện bản thân trở thành người tốt. 

Một khi ta có hiếu ta sẽ là người có đạo đức và ngược lại. 

Và việc sống hiếu thuận với cha mẹ không chỉ làm cho cha mẹ vui lòng mà ngược lại, từ kết quả đó sẽ làm cho người con cũng có đời sống hạnh phúc, bình an...

TẤN KHÔI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên