17/07/2017 16:18 GMT+7

​Họa sĩ Vĩnh Phối đã dừng cuộc chơi

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Tin từ gia đình cho biết họa sĩ Vĩnh Phối đã trút hơi thở cuối cùng lúc 9h sáng nay 17-7 tại nhà riêng bên bờ sông Đông Ba - TP Huế, hưởng thọ 81 tuổi.

Họa sĩ Vĩnh Phối tại triễn lãm tranh trừu tượng Không gian và tiết điệu II, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, tháng 5-2012 - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Họa sĩ Vĩnh Phối tại triễn lãm tranh trừu tượng Không gian và tiết điệu II, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, tháng 5-2012 - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Họa sĩ Vĩnh Phối là một họa sĩ lão làng của Huế, hội viên Hội Mỹ thuật VN, Phó giáo sư mỹ thuật, nguyên phó hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế.

Vĩnh Phối học ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn và lấy hai bằng tốt nghiệp tại đây, năm 1958 ngành hội họa, 1959 ngành sư phạm mỹ thuật. Tiếp đó, ông tu nghiệp ở Học viện Mỹ thuật La Mã (tức Roma, Ý) từ 1961 - 1966.

Ông cũng là người sáng lập và Tổng thư ký Hội nghệ sĩ châu Á ở Roma. Sau đó, ông về giảng dạy ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế và làm giám đốc của trường này từ năm 1967 đến 1975. Từ 1975 cho đến lúc nghỉ hưu (1999), ông đảm nhận chức vụ hiệu phó Trường đại học Nghệ thuật Huế, được nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú vào năm 1990.

Vào năm 1973, ông được nhận học bổng của UNESCO để nghiên cứu mỹ thuật phương Đông.

Họa sĩ Vĩnh Phối đã tham gia hàng chục cuộc triển lãm tập thể trong và ngoài nước. Trong đó có nhiều triển lãm quốc tế: vòng quanh nước Ý trong hai năm 1961-1962; triển lãm Bienale Saint Paolo, Brazil,1969; triển lãm Mỹ thuật đương đại Salon Wargram, Paris , Pháp 1993;  Trại sáng tác các nghệ sĩ quốc tế tại Saint Henri - Toulouse, Pháp; triển lãm bốn trường đại học Mỹ thuật Huế, Hà Nội, Chiangmai, và Silpakorn, tại Bangkok 1994...

Họa sĩ Vĩnh Phối cũng có bốn cuộc triển lãm cá nhân ở nước ngoài tại Nhà sinh viên quốc tế Roma,1961; Gallerie Marguta, Roma 1962; Gallerie Trinita Dei Monti, Roma 1963; Gallerie Approdo Romano, Ý 1965; Salon Auto Garden Mitsubishi, Tokyo, Nhật Bản, 1973. Ngoài ra, ông có rất nhiều cuộc triển lãm cá nhân trong nước.

Ông được đánh giá là một trong những người Việt Nam đầu tiên vẽ theo trường phái trừu tượng. Nhà phê bình mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy cho biết  nhân cuộc triển lãm 30 tác phẩm chọn lọc ở Galleria Approdo Romano (Ý) năm 1965, một bài báo ở Ý nhận xét nghệ thuật họa sĩ Vĩnh Phối rằng: “Một hồn thơ chất ngất phương Đông đã Tây phương hóa, đã hiện ra trong hình thái, ngôn ngữ phương Tây. Khối thể, nhịp điệu, đường nét, màu sắc, và cảm xúc được pha trộn một cách tinh tế, thanh nhã, và rất hài hòa”.

Huế xanh - tranh trừu tượng của Vĩnh Phối
Huế xanh - tranh trừu tượng của Vĩnh Phối

Họa sĩ Vĩnh Phối sinh ngày 3-8-1937, là một hoàng tộc thuộc phòng Trấn Định Quận Công. Giới mỹ thuật cũng như làng văn nghệ Huế yêu mến ông không chỉ vì học vấn uyên bác, nét vẽ tài hoa, mà còn rất yêu cái tính hồn nhiên, trong sáng, vô vụ lợi của ông.

Không chỉ vẽ tranh, dạy vẽ, ông cũng đã từng đóng phim. Trong thời gian tu nghiệp ở Roma, ông đã tham gia đóng phim Marco Polo vào năm 1961.

Năm 1999, ông về hưu và miệt mài với xưởng vẽ trong ngôi nhà bên bờ sông Đông Ba, số 12 đường Bạch Đằng, TP Huế.

Một người học trò mỹ thuật của ông là họa sĩ Đặng Mậu Tựu - nguyên chủ tịch Hội Mỹ thuật Huế, viết về họa sĩ Vĩnh Phối:

“Ông sống hết mình vì nghệ thuật, là một trong những ngươi đầu tiên triển lãm tranh trừu tượng tại Huế trong thập niên 60 của thế kỷ trước. Với tác phẩm, ông luôn tìm cái mới. Người ta thấy ở đó những bố cục màu sắc tạo nên những hình thù gần gũi trong cái mường tượng, hình như có thể, nó hiện lên trong không gian của vô cùng và thời gian vừa thật vừa không, như mới đó hoặc đã lâu rồi, xa xưa...”.

Ông cũng vừa mới đó mà đã xa xưa. Khoảng vài tháng nay, người ta không còn nhìn thấy ông họa sĩ già đi bộ mỗi sáng và uống cà phê bên bờ sông Hương. Căn bệnh ung thư đã khiến họa sĩ Vĩnh Phối dừng cuộc chơi trần gian ở tuổi 80.

Năm 1960, ông được trao giải Targa d’Agent của Ý. Năm 1961, huy chương bạc triển lãm sinh viên mỹ thuật quốc tế Rome de journale del Italia. Năm 1962, giải nhì cuộc thi quốc tế mỹ thuật đương đại Bracciano, Roma.

Năm 1962, giải nhì tác phẩm được sưu tập ở Việt Nam và nước ngoài (Ý, Pháp, Nhật, Đức, Áo, Thụy Sĩ….). Giải thưởng triển lãm toàn quốc của Việt Nam năm 1980, 1995. Ông có tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng mỹ thuật VN.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên