09/08/2024 13:50 GMT+7

Họa sĩ Trần Văn Cẩn: Tài năng và số phận

Số phận đơn độc đã khiến 30 năm sau ngày danh họa Trần Văn Cẩn qua đời mới có một cuốn sách giới thiệu tương đối đầy đủ về sự nghiệp sáng tác nhiều giai đoạn của ông.

Họa sĩ Trần Văn Cẩn: Tài năng và số phận- Ảnh 1.

Ông Lương Xuân Đoàn và bà Nguyễn Hải Yến chia sẻ về Trần Văn Cẩn tại buổi ra mắt sách - Ảnh: T.ĐIỂU

Đó là lý do khiến Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn khi phát biểu trong buổi ra mắt cuốn sách Trần Văn Cẩn - Tác phẩm chọn lọc trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ngày 8-8 có lúc nghẹn ngào vì xúc động.

Người đồng hành thủy chung

30 năm sau ngày danh họa Trần Văn Cẩn ra đi, chưa có một triển lãm nào của ông và chưa có một cuốn sách nào nghiên cứu về ông.

Ông Lương Xuân Đoàn bảo gia đình không làm, Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng không có kinh phí làm. May mắn đến nay Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam biên soạn, xuất bản cuốn sách song ngữ về ông, một họa sĩ tài danh đơn độc.

Họa sĩ Trần Văn Cẩn: Tài năng và số phận- Ảnh 2.

Tác phẩm Em Thúy của Trần Văn Cẩn - Ảnh chụp từ sách

Buổi ra mắt sách không có ai là đại diện gia đình dự. Bà Minh Thúy - cháu gái danh họa, nhân vật trong bức tranh Em Thúy - đã mất.

Trần Văn Cẩn không chính thức có vợ con. 

Cuối đời, nhà điêu khắc Trần Thị Hồng, người học trò kém ông 36 tuổi, đã tự nguyện làm người nâng khăn sửa áo cho ông. Nhưng bà Hồng đã qua đời vì trọng bệnh.

Thế nên cuốn sách vừa ra mắt dẫu muộn màng, nhưng ông Đoàn nói đây là món quà vô giá dành cho danh họa Trần Văn Cẩn - một "người đồng hành thủy chung với số phận của dân tộc, của đất nước".

Theo nhóm biên soạn sách, họa sĩ Trần Văn Cẩn (1910 - 1994) thể hiện tài năng từ tranh lụa, tranh sơn mài, tranh sơn dầu đến tranh khắc gỗ.

Những tác phẩm của ông góp phần hình thành nên diện mạo của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Nửa đầu sự nghiệp, ông có nhiều tìm tòi, đặc biệt là đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện kỹ thuật sơn mài.

Ông để lại những tác phẩm nổi tiếng như Em Thúy (được công nhận bảo vật quốc gia năm 2013), Gội đầu, Hai thiếu nữ trước bình phong...

Nhưng nửa sau sự nghiệp, Trần Văn Cẩn dấn thân cho sự nghiệp mỹ thuật phục vụ nhân dân.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, khi cách mạng đến, Trần Văn Cẩn từ bỏ tháp ngà nghệ thuật để dấn thân vào cuộc trường chinh cùng dân tộc, vẽ những thứ nhân dân và đất nước đang cần.

Cùng đoàn quân lên Việt Bắc, con đường nghệ thuật của ông dài theo những năm tháng kháng chiến với những tác phẩm như Lớp học i tờ, Những nhi đồng tháng Tám, Tát nước đồng chiêm, Thằng cu đất mỏ, Lớp học bình dân làng Bền, Ở hang, Xưởng rèn trong chiến khu...

Ông Lương Xuân Đoàn thì đặc biệt ấn tượng với chuyến Trần Văn Cẩn đạp xe vào Khu 4 để lại những ký họa tươi rói màu của đời sống, của xứ sở.

Trần Văn Cẩn còn đóng góp lớn trong đào tạo thế hệ trẻ. Ông là hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam), trên 40 năm làm tổng thư ký rồi chủ tịch Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (nay là Hội Mỹ thuật Việt Nam).

Ông còn có công đầu trong việc tuyển chọn bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giai đoạn đầu thành lập cho tới 1989 trong vai trò chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật quốc gia (được thành lập từ 1973).

Họa sĩ Trần Văn Cẩn: Tài năng và số phận- Ảnh 3.

Cuốn sách về Trần Văn Cẩn vừa được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Nhà xuất bản Thế Giới phát hành - Ảnh: T.ĐIỂU

Chuyện bán bộ sưu tập tranh nhận toàn tiền lẻ

Bà Yến còn nhớ năm 1980 họa sĩ Trần Văn Cẩn tròn 70 tuổi. Sau nhiều ngần ngại, ông mới đồng ý cho Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam tổ chức triển lãm những tác phẩm của ông tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào đúng sinh nhật 13-8.

Đây cũng là triển lãm duy nhất trong đời họa sĩ tài danh. Gần 200 tác phẩm được trưng bày, phần lớn là những ký họa màu nước tao nhã ở giai đoạn sáng tác sau này và những bức sơn mài lộng lẫy, sơn dầu với những vệt màu phóng khoáng sáng tác trước 1945.

Sau triển lãm, hội đồng nghệ thuật họp duyệt mua tác phẩm của ông, quyết định mua toàn bộ phòng tranh. Nhưng họa sĩ nghe tin đã chậm rãi hỏi lại: "Có cần phải mua tất cả không?".

Cuối cùng hội đồng chọn mua 100 ký họa đẹp, tiêu biểu cho chặng đường sáng tác của ông từ 1951 - 1979. Tới nay, người có nhiều tranh trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhất chính là Trần Văn Cẩn với hơn 200 bức.

Sơn mài Tát nước đồng chiêm của Trần Văn Cẩn

Sơn mài Tát nước đồng chiêm của Trần Văn Cẩn

Chuyện mua tranh năm ấy, cũng giống như các họa sĩ cùng thời, mấy năm sau bảo tàng mới có tiền trả. Bà Yến là người được giao mang bị cói toàn tiền lẻ, trong đó có một nửa là tiền xu, đến trả cho họa sĩ.

Bà tìm đến căn phòng gác ba số 10 Nguyễn Thượng Hiền nơi họa sĩ sống và vẽ. Ông không có nhà, bà Yến ngồi đợi ngoài cầu thang, lòng bồn chồn lo lắng ông sẽ mắng vì tiền quá trễ mà toàn tiền lẻ. Nhưng khi ông về, nhận bị tiền chẳng một lời oán trách, ấy là năm 1985.

"Ông lúc nào cũng hiền hậu, lịch lãm, khiêm tốn và rất tôn trọng đồng nghiệp, kể cả những người trẻ tuổi", bà Yến nói về ấn tượng một danh họa bà từng có nhiều thời gian gần gũi khi làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Bột màu Đọc thư đan áo của Trần Văn Cẩn

Bột màu Đọc thư đan áo của Trần Văn Cẩn

Sơn mài Đan len của Trần Văn Cẩn

Sơn mài Đan len của Trần Văn Cẩn

Họa sĩ Trần Văn Cẩn: Tài năng và số phận- Ảnh 7.

Tranh khắc gỗ Gội đầu của Trần Văn Cẩn

Họa sĩ Trần Văn Cẩn: Tài năng và số phận- Ảnh 8.

Ông Paul Zetter bên tác phẩm Em Thúy tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Ảnh: T.ĐIỂU

Tại buổi ra mắt sách, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng tiếp nhận tác phẩm âm nhạc Little Thuy's Minuet do nhạc sĩ Paul Zetter trao tặng.

Đây là bản nhạc Paul Zetter viết từ cảm hứng với bức tranh Em Thúy năm 1998 khi ông đến Việt Nam vào năm 1998 với tư cách là phó giám đốc Hội đồng Anh.

Ánh mắt trong trẻo vô ngần của Em Thúy đã cuốn hút Paul Zetter khi ông xem bức tranh này trong một cuốn sách giới thiệu về nghệ thuật Việt Nam, và ông xúc động sáng tác Little Thuy's Minuet chỉ trong buổi sáng.

Sau này được trực tiếp ngắm nhìn bức Em Thúy tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, khi ấy xuống cấp khá nặng.

Luyến tiếc một vẻ đẹp thanh khiết, một tâm hồn Việt Nam, Paul Zetter phát động chiến dịch khôi phục tranh Em Thúy năm 2000.

Sau nhiều nỗ lực, dự án phục chế bức tranh được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và ASIA Link (Đại học Melbourne, Úc) thực hiện vào năm 2004.

Chuyên gia phục chế tranh Caroline Fry đã miệt mài ba tháng ở Hà Nội để hoàn thành công việc này.

Bà Minh Thúy, nguyên mẫu bức tranh Em Thúy của danh họa Trần Văn Cẩn, qua đờiBà Minh Thúy, nguyên mẫu bức tranh Em Thúy của danh họa Trần Văn Cẩn, qua đời

Nhà giáo Nguyễn Minh Thúy - nguyên mẫu bức tranh bảo vật quốc gia ‘Em Thúy’ của họa sĩ Trần Văn Cẩn - qua đời tối 9-7 tại Hà Nội, hưởng thọ 89 tuổi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên