Và ở cuối con đường ấy, người ta kịp nhận ra ông là "một thứ ánh sáng dị thường bậc nhất của hội họa Việt Nam" (đánh giá của Manzi).
Những tác phẩm trừu tượng và phỏng thực (figurative) trên giấy báo và giấy ảnh đầy tính thể nghiệm của Trần Trung Tín được sáng tác vào thập niên 1970 đang được giới thiệu tới người yêu hội họa trong triển lãm Tiếng hót ở Manzi Exhibition Space (số 2 ngõ Hàng Bún, Ba Đình, Hà Nội).
Người xem được xúc động gặp lại những bức tranh "kết hợp hạnh ngộ giữa cái hồn nhiên trong sáng tuyệt vời của trẻ thơ với sự từng trải của một người đã yêu đương và đau khổ, tin tưởng và tuyệt vọng, chiến đấu và ước mơ..." như nhà thơ Dương Tường từng viết về tranh Trần Trung Tín.
Con chim hót trong sa mạc
Họa sĩ Trần Trung Tín là người Bến Tre. Tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi, ông chiến đấu ở vùng biên giới Việt Nam - Campuchia trong suốt thời kháng Pháp.
Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi học khóa đầu tiên Trường Điện ảnh Việt Nam, trở thành diễn viên.
Năm 1969, ông bất ngờ cuốn vào đam mê hội họa, dù chưa từng học vẽ. Cuộc yêu tuy muộn màng nhưng cuồng nhiệt. Ông vẽ như điên đêm ngày, trong căn buồng chật, tối của căn biệt thự Pháp cổ trên một con phố cũ Hà Nội.
Không qua trường lớp, ông vẽ tự nhiên, tự do và dạt dào cảm xúc. Bởi không vướng phép tắc như người học vẽ, tranh ông không giống ai, không có dấu vết của trường phái nào. Chỉ một thế giới ban sơ, nguyên thủy và giàu tính thẩm mỹ.
Nhưng không mấy ai cùng thời nhìn ra tài năng của ông, giới chuyên môn đơn giản là bỏ qua ông như bỏ qua những bức vẽ "ngô nghê" nghịch chơi của một "gã khùng". Mặc kệ, Trần Trung Tín son sắt với con đường của mình, được khích lệ thêm từ một vài tri âm tin yêu nghệ thuật của ông.
Bà Huỳnh Nga, vợ ông Tín, kể ngày đó họa sĩ Nguyễn Dung ở gần nhà, hay lấy tem phiếu của ông Tín đem đổi giúp màu vẽ. Một lần ông khoe với họa sĩ Bùi Xuân Phái rằng có một diễn viên vẽ tranh rất nhiều và "kỳ cục" lắm.
Hai chữ "kỳ cục" của ông Dung đã khiến Bùi Xuân Phái tò mò, theo bạn tới xem tranh ông Tín. Lần đầu tiên thấy tranh của gã diễn viên "khùng", ông Phái chỉ lặng lẽ xem mà không nói một lời.
Nhưng hai ba hôm sau ông Phái đạp xe một mình tới thăm ông Tín. Kể từ đó cứ thỉnh thoảng ông Phái lại tới nhà, từ ngoài cửa đã hỏi vọng vào: "Tín hôm nay có vẽ cái gì mới không?".
Phát hiện của những người Mỹ
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Tín về lại quê hương miền Nam. Ban đầu chỉ nghỉ phép về thăm quê, nhưng rồi ông nghỉ việc, rời biên chế ở Xưởng phim truyện Việt Nam, ở lại TP.HCM và sống cho niềm đam mê vẽ của mình.
Khi đi ông không mang theo những bức tranh, bởi trước đó ông đã cho tranh vào hai bao tải chở xe đạp đưa về làng Lủ (huyện Thanh Trì) gửi ở quê người bạn thân là ông Nguyễn Tự Huy (đạo diễn ở Xưởng phim truyện Việt Nam).
Những năm 1990 ông Tự Huy trong một chuyến công tác vào Nam đã trao lại cho bạn di sản quý giá, khi tên tuổi của Trần Trung Tín từ nước ngoài dội về trong nước, ông Tín bắt đầu nổi tiếng.
Câu chuyện "lộ sáng" những bức tranh "kỳ cục" của Trần Trung Tín cũng thật ly kỳ. Ở TP.HCM, ông Tín gặp và đi bước nữa với bà Huỳnh Nga, vợ chồng đùm bọc nhau qua những năm tháng hậu chiến khó khăn.
Không có lương, tranh cũng không bán được, nhưng ông Tín vẫn miệt mài vẽ trên những tấm giấy ảnh của người vợ mê nhiếp ảnh, thay vì vẽ trên giấy báo như hồi còn ở Hà Nội.
Năm tháng khó khăn đi vào những bức họa của người nghệ sĩ có sự rung cảm sâu sắc trước hiện thực đời sống nhưng trên tâm thế vượt thoát hoàn cảnh. Nên những bức tranh của ông vẫn cứ rực sáng lên tinh thần lạc quan và trong sáng đến lạ kỳ.
20 năm miệt mài thầm lặng vẽ, năm 1989, ông mới ra mắt công chúng lần đầu tiên qua triển lãm do người vợ gắng tổ chức để người chồng lúc đó đã nằm liệt mấy năm do tai biến được vui lòng.
Ông Tín trên giường bệnh tâm sự với vợ: "Tất cả những gì anh muốn anh đã làm được hết rồi. Có chết cũng mãn nguyện. Nhưng nếu có một triển lãm để giới thiệu tranh của anh tới mọi người thì anh sẽ vui hơn". Chỉ một câu nói ấy của người chồng mà bà Nga gắng vượt qua bao khó khăn để tổ chức triển lãm ở Hội Mỹ thuật TP.HCM cho ông Tín.
Cũng chính dịp đó, một phái đoàn Mỹ làm việc để mời một số họa sĩ Việt sang triển lãm giao lưu cùng các họa sĩ Mỹ. Họ tình cờ xem được triển lãm của Trần Trung Tín.
Khi Bộ Văn hóa Việt Nam đưa danh sách các họa sĩ sang Mỹ triển lãm, những người Mỹ đề xuất thêm ông Tín. Tất nhiên không ai từ chối. Những bức tranh "vẽ linh tinh của gã khùng" vượt đại dương đến với thế giới.
"Ông Tín là người Việt vẽ tranh mấy chục năm trời ở Việt Nam nhưng người Mỹ đã phát hiện ra ông", bà Nga kể về bước ngoặt kỳ diệu trong cuộc đời hội họa của chồng mình.
Từ chuyến xuất ngoại đầu tiên tại Mỹ, được đánh giá cao, tên tuổi của Trần Trung Tín dội lại quê hương. Liên tiếp sau đó tranh ông được các bảo tàng nhiều nước tổ chức triển lãm.
Tất nhiên đi cùng danh tiếng, tranh ông được tìm mua với giá cao cả ở trong và ngoài nước. Có lẽ nhờ niềm vui này mà ông Tín dần bình phục kỳ diệu sau 10 năm tai biến hầu như nằm liệt. Ông lại cầm bút vẽ cho tới cuối đời.
Ông cũng là họa sĩ Việt Nam đầu tiên được mời tham dự triển lãm tại Bảo tàng Anh ở London năm 2002, sau đó là năm 2007.
Ngoài ra tác phẩm của ông còn tham gia nhiều triển lãm quốc tế tại Mỹ, Pháp, Anh, Thái Lan, Singapore, Nhật... và thuộc về nhiều bộ sưu tập lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận