Tôn Đức Lượng - người vẽ những gương mặt lịch sử của người Việt Nam
Theo bản tự thuật viết tay của họa sĩ Tôn Đức Lượng được in trong sách Tôn Đức Lượng - Ký họa lịch sử của Phan Cẩm Thượng (NXB Mỹ Thuật, 2012) thì ông theo học khóa 18 (năm 1943), là một trong những sinh viên cuối cùng của trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng thời với các danh họa như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Phan Kế An...
Sau Cách mạng Tháng 8, Tôn Đức Lượng nhanh chóng chọn đi theo cách mạng. Năm 1948, họa sĩ Tôn Đức Lượng công tác tại Trung ương Đoàn Thanh niên. Ông làm minh họa, trình bày báo của Trung ương Đoàn, báo Xung Phong, Sức Khỏe...
Từ năm 1953, ông làm việc tại báo Tiền Phong cho đến khi nghỉ hưu năm 1982.
Trong mấy chục năm cầm cọ, họa sĩ Tôn Đức Lượng để lại gia tài hàng trăm bức ký họa lịch sử, nhiều tác phẩm sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ... đặc biệt là những bức ký họa về thanh niên xung phong qua các thời kỳ từ kháng chiến chống Pháp tới kháng chiến chống Mỹ.
Sinh thời, ông có triển lãm cá nhân mang tên Tôn Đức Lượng - Ký họa lịch sử được nhà sưu tập người Thái Lan Tira Vanichtheeranont tổ chức năm 2012 - 2013 tại Hà Nội và TP.HCM.
Hàng trăm bức ký họa chủ yếu về đề tài thanh niên, cách mạng trong triển lãm đã giúp công chúng nhận ra tài năng và tấm lòng của ông với nghệ thuật, với thanh niên và với cách mạng.
Ông bám sát cuộc sống sản xuất và chiến đấu của các lớp thanh niên thời đại mình, không chỉ bởi ông là họa sĩ của Trung ương Đoàn mà còn vì ông yêu mến tuổi trẻ - những con người hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước giống như chính ông.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đánh giá những ký họa lịch sử của Tôn Đức Lượng là một tư liệu quý giá "cho thấy những gương mặt lịch sử của người Việt Nam trong cuộc chiến".
Tôn Đức Lượng - một cán bộ nghệ thuật xuất sắc
Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân đánh giá cao việc Tôn Đức Lượng đã hy sinh cá tính sáng tạo, khiêm tốn lùi về phía sau làm một "thư ký của thời đại".
Ông Thượng cũng đánh giá cao họa sĩ Tôn Đức Lượng ở phẩm chất này. Cho đến cuối đời, người họa sĩ cả đời vẽ về thanh niên và cách mạng này vẫn sống khiêm nhường, lặng lẽ trong căn hộ chỉ chừng 20m2 cùng gia đình.
"Có thể nói, như người Việt vẫn nói, ông là người có tâm Phật, sống giản dị cho tình yêu con người và nghệ thuật, cống hiến và không đòi hỏi được đền đáp", nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng viết trong cuốn sách về họa sĩ Tôn Đức Lượng.
Theo ông Thượng, trong suốt một thời gian dài người ta không biết đến Tôn Đức Lượng, trừ những người bạn trong nghề. Ông không nổi bật lên như những họa sĩ cùng thời, cùng theo học những khóa cuối cùng của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái…
Sự nghiệp hội họa của Tôn Đức Lượng chủ yếu là các bộ ký họa đồ sộ. Ông có một số tác phẩm sơn dầu, lụa nhưng dường như không có gì nổi bật.
Tuy nhiên, phải đánh giá Tôn Đức Lượng theo một cách khác.
"Với vai trò là một nghệ sĩ cần có những hình thức và ngôn ngữ độc đáo hoàn chỉnh thì Tôn Đức Lượng không đạt được. Nhưng với vai trò một cán bộ nghệ thuật cần mẫn trung thực với những gì nhìn thấy thì ông hoàn thành xuất sắc", ông Thượng nhận định.
Đáng quý, Tôn Đức Lượng không hề mặc cảm về sứ mệnh "cán bộ nghệ thuật" của mình. Đối với ông, được vẽ, được làm việc phục vụ đất nước và không có sự nghiệp gì cũng không sao.
Thời gian cho thấy những tập ký họa của ông ngày nay càng trở nên quý hiếm vì nó thể hiện đời sống sinh động của một thời đại đặc biệt của dân tộc thế kỷ XX.
Họa sĩ Tôn Đức Lượng có một số tranh sơn dầu, tranh lụa, tranh khắc gỗ và ký họa được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Quân đội.
Tranh ông còn được Hội Mỹ thuật Việt Nam chọn đưa đi tham gia Triển lãm mỹ thuật Việt Nam tại Trung Quốc, Ba Lan và một số nước Đông Âu.
Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, bản thiết kế vẽ tay bộ truyện Anh Ân mà Tôn Đức Lượng làm trong kháng chiến chống Pháp hiện còn tìm thấy hai bộ, đều thuộc về lưu trữ của Hội đồng di sản quốc gia Singapore.
Lễ viếng họa sĩ Tôn Đức Lượng được tổ chức vào lúc 9h15 ngày 13-2 tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang diễn ra lúc 10h15 cùng ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận