Câu chuyện hơi giống với trường hợp anh trai ông - nhà thơ Phùng Cung. Phùng Cung vừa xuất hiện trên văn đàn với truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh đã mắc nạn Nhân văn - Giai phẩm. Sau 12 năm cải tạo, khi trở về mưu sinh lại vất vả giữa thời ai cũng đói nghèo, cơ cực.
Trước khi mất hai năm (khoảng năm 1995), nhờ lòng thương trọng của bạn bè, tập thơ Xem đêm của ông ra mắt khiến nhiều người ngỡ ngàng về một hồn thơ tinh tế, "thơm hương".
Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật năm 1996 đã viết về tập thơ ấy: "Thời gian suýt phủ rêu lên tên ông nhưng lưỡi dao thơ ông kịp cạo rơi màu quên lãng ấy". Đến lượt người em, đầu năm nay, ở tuổi 91, tên Phùng Phẩm xuất hiện từ câu chuyện đẹp về sự trở lại của hai bức tranh ông vẽ.
Ngọc quý đợi ngày phát lộ
Tháng 1-2023, hai tác phẩm Kiêu hãnh và Những nụ hôn tình yêu của Phùng Phẩm sau hơn 20 năm bôn ba khắp Á, Phi, Âu đã trở về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhờ tấm lòng hào hiệp của bà Ellen Berends - cựu phó đại sứ Hà Lan tại Việt Nam.
Bà Ellen hiến tặng hai bức tranh của Phùng Phẩm mà bà mua hơn 20 năm trước tại Việt Nam vì bà muốn nhiều người ngắm nhìn chúng hơn.
Bà Ellen cho biết hai bức họa này luôn được trưng bày tại các dinh thự ngoại giao của bà. Khách tới thăm đều rất ấn tượng.
Tháng 10 này, tranh Phùng Phẩm lại hiện diện đầy trang trọng trước công chúng bằng triển lãm cá nhân tại Thăng Long Gallery (41 Hàng Gai, Hà Nội), và cuốn sách tranh mang tên ông.
Triển lãm giới thiệu các tác phẩm nổi bật của Phùng Phẩm ở cả hai thể loại ông chuyên chú sáng tác là tranh khắc gỗ và tranh sơn mài.
Họa sĩ Phùng Phẩm từng tâm sự: "Làm nghệ thuật khó như một người nghèo đi đào vàng. Nay đào chưa thấy, mai cũng chưa thấy. Có khi hết cả cuộc đời cũng chưa chắc đã thấy. Chỉ có lòng quyết tâm, lòng ham muốn, say mê, mong ra mới có thể tìm thấy nó. Nghệ thuật ấy mới là nghệ thuật đích thực".
Triển lãm và cuốn sách tranh Phùng Phẩm lần này, nhiều người thừa nhận Phùng Phẩm đã tìm thấy vàng, tìm thấy "nghệ thuật đích thực" trên con đường sáng tác dài vô cùng gian nan của mình.
Kiên định và đam mê
Họa sĩ Phùng Phẩm, sinh năm 1932, ở một làng quê thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông tham gia cách mạng từ khi 13 tuổi. Năm 1952, ông được cử đi học ở Trung Quốc và tìm thấy niềm đam mê của mình từ ít buổi học vẽ ngắn ngủi với họa sĩ khóa 6 Trường Mỹ thuật Đông Dương Nguyễn Khang.
Hòa bình lập lại, khi Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam mở cửa năm 1957, Phùng Phẩm thi đỗ khóa 1 hệ trung cấp (1957 - 1960), theo học các thầy tài hoa như Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Sĩ Ngọc, Nguyễn Tiến Chung, Trọng Hợp, Nguyễn Văn Tỵ...
Năm 1965, ông trở lại trường này, nhưng học được hai năm thì phải thôi mà không biết lý do.
Rời trường học, Phùng Phẩm nhận việc tại xưởng phim hoạt hình để nuôi gia đình bằng đồng lương còm cõi, "bốn mùa rong ruổi chốn rau dưa" và lầm lũi sáng tác ở nhà.
Nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương nhận định Phùng Phẩm phải nghị lực lắm mới có thể kiên định trên con đường nghệ thuật gian nan trong bối cảnh xã hội nhiều biến động của thế kỷ 20 khiến những số phận cá nhân cũng xoay vần xuôi ngược.
Không chỉ nghị lực "vượt nghèo" mà Phùng Phẩm còn rất nghị lực vượt thoát khỏi phong cách nghệ thuật hiện thực là mẫu số chung nghệ sĩ thế hệ ông để tìm và phát triển phong cách riêng của mình.
Xem tranh Phùng Phẩm, dễ dàng nhận thấy người nghệ sĩ ấy đã vẽ với lòng yêu thương con người, quê hương sâu sắc, yêu thương cái đẹp trong phong cách riêng.
Theo bà Bùi Như Hương, tranh Phùng Phẩm, nhất là tranh sơn mài giai đoạn về sau, có thể lập tức gây ấn tượng bởi những nét vạm vỡ như tượng, như phù điêu, một số tác phẩm cho cảm giác như khối tượng đồng ba chiều, đồ sộ, tạo hình chắc khỏe. Tranh ông có sự kế thừa Đông, Tây, từ truyền thống Việt Nam sang ngôn ngữ hiện đại thế giới.
Còn họa sĩ Đỗ Đức nói ai từng xem tranh Phùng Phẩm một lần thôi, thì lần sau đứng từ xa đã nhận ra ông, dù ông thể hiện trên bất kỳ chất liệu nào.
Tranh ông "giản lược màu tối đa trên sơn mài, chỉ chuyển đổi vài ba sắc độ, chắt lọc đường nét tới mức nghiệt ngã và vẫn giữ được cảm xúc trên những đường thẳng tưởng như cứng quèo".
Đỗ Đức kết luận có lẽ Phùng Phẩm nằm trong số rất ít người làm được điều này xuất sắc. Ông cũng khẳng định tranh Phùng Phẩm không phải loại mỹ thuật dành cho số đông, như quý vật chỉ dành cho quý nhân.
Ở sự giản lược màu, chắt lọc của tranh Phùng Phẩm, có thể thấy họa sĩ rất gần với phong cách thơ của anh trai Phùng Cung, người được đánh giá có ngôn ngữ thơ "cô đọng như tinh chất, tế nhị như hương thơm".
Hai anh em ông trong nghệ thuật còn gặp nhau ở cái tình tha thiết với nông thôn Việt Nam thời chưa cơ giới hóa, điện khí hóa ồ ạt. Thơ Phùng Cung dẫn dụ người đọc về với những thân thương của nông thôn thanh bình, thơ mộng, những người quê lam lũ, hiền lành.
Và tranh Phùng Phẩm cũng hiển hiện sống động những sinh hoạt sản xuất nông nghiệp dường như chỉ còn trong hoài niệm của một lớp người Việt đang già. May mắn, Phùng Phẩm giữ hộ những ký ức nông thôn ấy bằng những bức tranh đẹp.
Một số bức tranh khác của hoạ sĩ Phùng Phẩm:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận