05/11/2020 10:16 GMT+7

Họa sĩ Mộng Bích: chắt đời mình lên tranh

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Ở tuổi gần 90 mới có triển lãm đầu tiên, do Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội tổ chức chứ bà cũng không tự mình làm, triển lãm 'Đi giữa hai thế kỷ' của nữ họa sĩ Mộng Bích khiến công chúng xúc động về một thứ hội họa thuần khiết.

Họa sĩ Mộng Bích: chắt đời mình lên tranh - Ảnh 1.

Người xem thưởng lãm bức tranh Bà già - giải nhất Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1993 - của họa sĩ Mộng Bích - Ảnh: T.ĐIỂU

30 bức tranh lụa và ký họa trong triển lãm gói cả hành trình vẽ tranh dài 60 năm của bà Mộng Bích, đem đến nhiều rung cảm bởi vì "người ta đọc được tình cảm dạt dào, đằm thắm của bà với nhân vật đọng trên mặt tranh", như họa sĩ Đỗ Đức nhận xét. 

Người xem còn xúc động bởi được gặp lại trong tranh của bà những sinh hoạt "nhà quê" của người Việt giờ chỉ còn thấp thoáng ở những nẻo xa xôi lắm...

Nữ họa sĩ Mộng Bích từng theo học trung cấp rồi cao đẳng tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam) với những bậc thầy tài năng được đào tạo bài bản ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. 

Bà sớm được người thầy của mình là họa sĩ Trần Văn Cẩn phát hiện khả năng "vẽ tranh bằng bản năng và đầy cảm xúc".

Nhưng bà đã có một cuộc đời quá vất vả, gian truân khi một mình nuôi con nhỏ và chăm người chồng thương binh nhiều năm đau ốm trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh rồi bao cấp nghèo khó. Mãi tới cuối những năm 1980 bà mới được vẽ trở lại khi cuộc sống bớt khó khăn hơn. 

Giới hội họa đều biết hoàn cảnh vất vả của bà, đến nỗi trong giới lưu truyền câu "không khổ sở thì không phải là Mộng Bích". Dù vậy, chia sẻ với các nhà báo về cuộc đời vất vả của mình, bà chỉ nói gọn nhẹ: "Cuộc sống thật khó khăn nhưng tằn tiện lại thì rồi cũng đủ".

Khác với những bậc thầy hội họa Đông Dương thường đưa cái nhìn lãng mạn vào những chân dung phụ nữ, bà Mộng Bích lại chỉ vẽ chân dung những người nghèo, bà già ăn mày, những cộng đồng thiểu số… và mải miết "đào bới" cá tính và thân phận các nhân vật. 

Thế nên, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng cho rằng dù bà "không đem đến điều gì mới về ngôn ngữ nghệ thuật nhưng tranh bà hết sức ám ảnh về thân phận. Nó làm ta suy ngẫm về kiếp người, sự sinh trưởng của tính cách từ cá nhân đến xã hội".

Mặc những trào lưu cách tân ồ ạt xô dạt tới nền mỹ thuật Việt Nam từ sau đổi mới, hay đề tài công - nông - binh trước đó, bà Mộng Bích vẫn chỉ bền bỉ theo đuổi con đường nghệ thuật cổ điển của mình. 

Bà vẽ rất kỹ, rất chậm, chủ yếu vẽ trên lụa, với kỹ thuật vởn tỉa, chuốt và rửa nhiều lần mà bà được học từ người thầy của mình - họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. 

Theo họa sĩ Đỗ Đức, tuy vẽ ít nhưng cũng đủ để nhận ra rằng bà Mộng Bích là "những người cuối cùng trong số ít ỏi họa sĩ hiểu sâu sắc về lụa và biết "nói chuyện" đến nơi đến chốn với chất liệu này".

Nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam trong một thời gian dài, GS Nora A. Taylor khẳng định tranh của bà Mộng Bích "vượt thoát khỏi mọi phong trào mà hầu hết các thế hệ đều tham gia. 

Chúng là lời nhắc nhở đẹp đẽ về tính phổ quát của các giá trị nhân văn". Còn nhà phê bình Phan Cẩm Thượng thì nói giản dị: "Những ai theo đuổi nghệ thuật thực sự và bền bỉ sẽ được đền đáp".

Bức tranh chân dung liệt sĩ không có mẫu

Có một bức chân dung mà bà Mộng Bích rất nhớ nhưng không có trong triển lãm của bà. Bức chân dung đó được đặt trên bàn thờ liệt sĩ trong một gia đình ở Hải Dương.

mộng bích 4

Họa sĩ Mộng Bích - Ảnh: T.ĐIỂU

Một lần bà Mộng Bích về Hải Dương, gặp một bà mẹ liệt sĩ đang rất nhớ thương đứa con từng đeo đá vào người cho đủ cân để được đi bộ đội và đã hi sinh.

Bà không có bức ảnh nào của con trai nhưng tha thiết muốn nhờ bà Mộng Bích vẽ một bức chân dung con để đặt lên bàn thờ.

Rất xúc động trước tấm lòng của người mẹ, bà Bích đã vẽ bức chân dung liệt sĩ qua lời kể của bà mẹ và qua quan sát những người thân mà người liệt sĩ này có nét giống. Bức chân dung được bà mẹ nói là rất giống, trân trọng đặt lên bàn thờ.

Cảm động về bức tranh, bà mẹ liệt sĩ đã ra đồng bắt cua thết đãi họa sĩ. Bữa cơm hôm ấy bà Mộng Bích ăn rất ngon và còn nhớ mãi đến tận bây giờ.

Ranh giới mỏng manh làng bích hoạ trở thành làng… thảm hoạ Ranh giới mỏng manh làng bích hoạ trở thành làng… thảm hoạ

TTO - Đạo diễn phim tài liệu Đoàn Hồng Lê chia sẻ với Tuổi Trẻ online những suy nghĩ của chị về những bức bích họa nơi làng quê mà theo chị là 'thiếu hiểu biết và tầm văn hoá'.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên