Bà Mai Khuê Anh, con gái của họa sĩ Mai Long cho biết bố bà mất ngày 21-7 tại Hà Nội vì tuổi cao sức yếu.
Họa sĩ Mai Long - tài hoa tranh lụa
Họa sĩ Tô Chiêm, tác giả cuốn sách Họa sĩ Mai Long - Những bức tranh như những bài thơ (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2021), cho biết họa sĩ Mai Long là một trong những tấm gương lao động nghệ thuật của hội họa đương đại Việt Nam.
Sinh năm 1930, ông là một trong số 21 học viên của khóa mỹ thuật Kháng chiến do danh họa Tô Ngọc Vân trực tiếp đào tạo.
Hòa bình lập lại, Mai Long tiếp tục theo học hệ đại học tại Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, cùng với bố của ông Tô Chiêm - họa sĩ Tô Chiêm bố.
Ngay từ năm 1963, khi còn đang trên giảng đường đại học, Mai Long đã được đạo diễn Trương Qua mời tham gia vẽ cho bộ phim hoạt họa Đêm trăng rằm.
Tới năm 1966, sau khi tốt nghiệp, ông về làm cho Xưởng phim hoạt họa và búp bê Việt Nam (tiền thân của Hãng phim hoạt hình Việt Nam ngày nay).
Mai Long là họa sĩ chính thực hiện bộ phim hoạt hình màu đầu tiên của Việt Nam Bài ca trên vách núi của đạo diễn Trương Qua năm 1967.
Và trong lúc làm việc tại đây, ông vẫn miệt mài vẽ minh họa cho báo Văn Nghệ, sáng tác trên nhiều chất liệu từ phấn màu, sơn dầu, sơn mài, lụa. Mai Long được yêu thích hơn cả ở mảng tranh lụa, với những bức tranh mềm mại, đầy chất thơ.
Họa sĩ Tô Chiêm nhận định trong danh sách không nhiều những tên tuổi có tiếng đứng vững trong làng tranh lụa Việt Nam từ cuối thế kỷ XX đến nay có họa sĩ Mai Long.
Ở chất liệu mang tính dân tộc này, ông đã tìm được đường đi riêng cho mình và đã tạo ra một chỗ đứng nghề nghiệp riêng, không bị khuất lấp.
Tuy thế, những bức tranh sơn mài phong cách lập thể của Mai Long cũng rất ấn tượng.
Ở mảng đồ họa sách báo, khó có họa sĩ nào có được phong cách tao nhã như ông khi minh họa truyện tranh dân gian lịch sử.
Cuốn tranh truyện màu Tấm Cám và Sơn Tinh Thủy Tinh do ông vẽ, Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành vẫn lưu dấu trong tâm trí bạn đọc suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Bút pháp hết sức trữ tình và phóng khoáng
Theo cuốn sách về họa sĩ Mai Long của Tô Chiêm, nhà phê bình nghệ thuật Ekaterina Chelaeva (Liên Xô cũ) viết: "Dưới con mắt họa sĩ Mai Long, mọi cái đều có vẻ đẹp riêng, một vẻ đẹp mà những trái tim băng giá không bao giờ cảm nhận được.
Những sáng tác của ông là sự kết hợp giữa truyền thống phương Đông sâu sắc và tính hiện đại của một nghệ thuật điêu luyện, độc đáo, với bút pháp hết sức trữ tình và phóng khoáng...".
Họa sĩ Tô Chiêm còn rất ấn tượng với con người nghệ sĩ của Mai Long, một người lương thiện, đứng đắn, không bon chen chức vụ.
Nhà báo Đào Mai Trang với bài viết về họa sĩ Mai Long trong cuốn sách Họa sĩ khóa Kháng chiến của chị (Nhà xuất bản Mỹ Thuật, 2017) cũng có chung ấn tượng về phẩm chất nghệ sĩ của ông:
"Mai Long đã đi qua những biến đổi của thời cuộc một cách khá nhẹ nhõm… Ông từ chối mọi đề nghị làm các công việc có tính chất lãnh đạo vì không muốn quản lý người khác, thường cũng là họa sĩ như ông".
Một số tác phẩm của họa sĩ Mai Long in trong sách Họa sĩ khóa Kháng chiến:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận