Lê Thiết Cương lâu nay được biết đến là một họa sĩ thành danh, lại rất chăm làm triển lãm giới thiệu, hỗ trợ cho các họa sĩ trẻ. Nhưng còn có một Lê Thiết Cương chăm, say làm sách cho những văn nghệ sĩ ông kính trọng.
Ông đã làm hai cuốn sách tập hợp các bài viết rất lý thú trong cả đời viết của đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh; làm sách ảnh chụp văn nghệ sĩ một thời, những bức ảnh rất quý giá của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Tường; thúc đẩy, cùng với Nguyễn Huy Thiệp làm tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đặc biệt với sự liên tài của các họa sĩ đương thời chung tay vẽ minh họa cho từng truyện ngắn.
Còn nữa là: Hoàng Cầm - 100 bài thơ, Những người muôn năm cũ của Hà Tường, Đất và người hai tập của Đào Trọng Khánh, Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Về Nguyễn Huy Thiệp sau khi tác giả qua đời, Thôi ta còn bạn bè - cuốn chân dung văn học của Nguyễn Thụy Kha, Trường thơ Hải Phòng...
Ân tình Lê Thiết Cương - Đào Trọng Khánh
Khi NSND Đào Trọng Khánh qua đời tháng 9 vừa qua, nhiều người nhận ra bộ sách Đất và người hai tập tuyển chọn những bài ký về các vùng đất, chân dung bạn bè văn nghệ sĩ nổi tiếng một thời, những bài thơ, kịch bản phim tài liệu đầy chất thơ của vị đạo diễn này ra mắt năm 2020 (tập 1) và 2022 (tập 2) thật đáng quý.
Nhờ bộ sách, người thời nay hiểu hơn về tầm vóc của Đào Trọng Khánh. Vị đạo diễn tài hoa và dễ mến ấy không chỉ để lại những thước phim tài liệu mang phong cách rất riêng, ông còn là một nhà văn, một thi sĩ đích thực. Cái tài thơ Đào Trọng Khánh đã được Lưu Quang Vũ đóng dấu vào câu thơ: "Thơ Khánh buồn như lòng đất nước".
Nhưng bộ sách Đất và người hẳn sẽ chẳng thể nào ra mắt nếu không có lòng yêu kính người bạn vong niên của Lê Thiết Cương.
Đào Trọng Khánh viết khá nhiều trong suốt cuộc đời mình. Gốc của ông Khánh là thi sĩ, nên ngoài thời giờ dành cho những bộ phim, ông lại ngồi viết. Những bài viết đăng trên các báo, còn để lại bản thảo thuê đánh máy lộn xộn.
Nhưng thơ thì Đào Trọng Khánh không lưu giữ. Không ghi chép lại thì còn tính chi việc làm sách.
Đào Trọng Khánh "tài tử" đã đành, nhưng ông còn nhiều mối bận tâm đời thường dành cho gia đình nhiều nỗi buồn riêng của mình.
Sinh thời, Đào Trọng Khánh chưa bao giờ có ý định xuất bản văn thơ của mình thành sách.
Lê Thiết Cương hiểu và cũng hiểu rõ giá trị thơ, văn của bạn.
Hai người ấy nhiều năm có một tình bạn vong niên thân thiết, cùng chung niềm ham thích đọc sách, nghiên cứu Phật giáo.
Không biết bao lần, Đào Trọng Khánh lọ mọ ra bến xe Hải Phòng gửi lên cho Lê Thiết Cương một cuốn sách về Phật giáo hay mà ông vừa đọc. Đến lượt mình, Lê Thiết Cương quyết "vượt khó" để làm sách cho bạn. Bộ sách ấy không chỉ tiêu tốn tiền bạc của ông Cương.
Ông Cương vẫn nhớ đã xuống Hải Phòng, ôm từ nhà Đào Trọng Khánh về cả chồng bản thảo mấy chục ký với đủ các định dạng chữ.
Khi viết những bài ấy, Đào Trọng Khánh phải ra cửa hàng photocopy thuê đánh máy, không có bản mềm và "chữ tác chữ tộ" vì người đánh máy ẩu hoặc không rõ ý tác giả. Có khi là những bản photo mờ mịt. Lê Thiết Cương phải cho người đánh máy lại toàn bộ, sửa đi sửa lại tới năm lần bảy lượt.
Thành quả thu lại thật xứng đáng. Hai cuốn sách đẹp ra mắt công chúng kịp thời khiến tuổi già cô quạnh của vợ chồng đạo diễn Đào Trọng Khánh thêm chút niềm vui quý giá.
Còn độc giả thì nhờ bộ sách mà có cơ hội hiểu rõ hơn về một Đào Trọng Khánh tài hoa, một khối đa diện lấp lánh chứ không phải chỉ ở thân phận một đạo diễn phim.
Lưu giữ "muôn năm cũ"
Món quà quý giá thứ hai mà Lê Thiết Cương đã làm phải kể đến cuốn sách ảnh Những người muôn năm cũ (NXB Hội Nhà Văn) của nhà nhiếp ảnh Hà Tường.
Những năm gần đây, người ta biết Nguyễn Đình Toán như một "ngân hàng ảnh văn nghệ sĩ", nhưng thực ra trước đó Hà Tường mới là người làm xuất sắc việc này trong suốt 20 năm từ 1975 đến 1995.
Hà Tường chỉ dừng lại khi chuyển về Quảng Ninh sống cùng người vợ ông cưới rất muộn vì mải chụp ảnh. Trước khi rời đi, ông dẫn Nguyễn Đình Toán tới gặp Văn Cao làm quen để ông Toán chụp ảnh nghệ sĩ này.
Nhưng giờ thì mấy ai còn biết tới nhà nhiếp ảnh Hà Tường và những bức ảnh quý giá về văn nghệ sĩ một thời của ông. Cho đến khi cuốn sách ảnh Những người muôn năm cũ ra đời năm 2020.
Chọn nhiếp ảnh tư liệu, Hà Tường đã ghi chép trung thực nhất những gương mặt của một thời, là chân dung văn nghệ sĩ, học giả, nhà khoa học tiêu biểu nhất của một giai đoạn đặc biệt khó khăn sau chiến tranh nhưng nhiều nghĩa tình trong sáng và đầy tài năng.
Nếu không có Hà Tường thì hẳn những trang sử ảnh giai đoạn ấy của văn nghệ Hà Nội đã bị khuyết đi một phần quan trọng.
Coi nhiếp ảnh là niềm đam mê, nên khi dừng lại công việc này sau 20 năm thì Hà Tường cũng dứt áo hẳn.
Phần vì những người xưa ông gắn bó như bạn hữu và chụp họ, từ Văn Cao, Nguyễn Tuân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Đoàn Phú Tứ, Đào Duy Anh, Lưu Công Nhân... đều đã ra đi, phần vì nhà nhiếp ảnh theo tinh thần "vô vi nhi vô bất tri" của Lão Tử.
Cũng bởi tinh thần vô vi và triết lý của riêng mình, rằng "đời là cái chợ trời chơi là lãi nhất", Hà Tường chẳng bao giờ nghĩ đến việc in một cuốn sách ảnh để phổ biến tới người đương thời, cho dù những bức ảnh ấy có thật quý giá.
Người con trai duy nhất của ông cũng không để tâm việc này.
Gặp ông Cương mê nhiếp ảnh, lại trọng tài, trọng nhân cách Hà Tường, ông Cương một lần đề nghị xem kho phim của Hà Tường trên căn gác nhỏ phố Tô Tịch.
Vốn yêu kính thế hệ văn nghệ sĩ tài năng một thời, cầm những thước phim lên xem, ông Cương lập tức bị mê hoặc.
Ông lóe lên ý định phải in một cuốn sách ảnh cho Hà Tường. Cuốn sách nhanh chóng ra đời nhờ vào công sức và tiền bạc của Lê Thiết Cương.
Những cuốn sách ông Cương làm thật quý nhưng cũng kén người đọc, phần lớn không thu hồi được vốn. Nhưng họa sĩ nổi tiếng với phong cách tối giản này nói ông không bao giờ tiếc tiền cho những cuốn sách đó.
Cuốn sách "liên tài" của Nguyễn Huy Thiệp
Chuyện làm sách cho bạn bè của ông Cương bắt đầu từ khi ông có ý tưởng làm tuyển tập Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp do chính tác giả lựa chọn và ngồi biên tập lại từng câu từng chữ trên máy tính ở nhà Lê Thiết Cương.
Cuốn sách lại "liên tài", mời những họa sĩ tài năng đương thời vẽ minh họa cho từng truyện ngắn.
Năm 2007, khi sách ra đời, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã ghi những dòng tri ân trong cuốn sách dành tặng ông Cương: "Kỷ niệm với Lê Thiết Cương. Với sự cám ơn vì bạn đã đứng ra in tập sách này cho tôi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận