Buổi triển lãm do Trung tâm UNESCO bảo tồn di sản mỹ thuật văn hóa Việt Nam bảo trợ, mở cửa từ ngày 4 đến ngày 10-10 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Bóng dáng người đàn bà trong tác phẩm
Người đàn bà trên sông Ngân là triển lãm thứ bảy trong sự nghiệp của họa sĩ Đỗ Chung, nằm trong chuỗi chủ đề "Người đàn bà…" xuyên suốt các cuộc triển lãm trước đó của ông như: Người đàn bà trên hoang mạc, Người đàn bà đi tới mặt trời, Người đàn bà trên sông Hằng…
Với họa sĩ, người đàn bà là nguồn gốc của thế giới, là thiên đường của hòa bình, là sự tồn tại của loài người.
Tâm sự cùng Tuổi Trẻ Online, họa sĩ Đỗ Chung nhấn mạnh: "Người đàn bà quyết định mọi vấn đề của nhân loại, không có họ thì sẽ không có nhân loại.
Vì vậy, họ cần được tôn trọng, tôn vinh và tôi luôn muốn người đàn bà có một vị trí thực sự trong các tác phẩm của mình. Cho đến lúc chết, tôi vẫn sẽ mãi sáng tác về họ".
Ông cho biết những bức tranh của ông khi kết hợp ánh sáng rọi trực tiếp từ trên trần nhà xuống sẽ khiến người xem thấy được những chuyển động nhất định và bóng dáng người đàn bà sẽ ẩn hiện bên trong.
Còn họa sĩ Lương Xuân Đoàn - chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - nhận định: "Theo cảm nhận của tôi, trong bất kỳ tác phẩm nào của họa sĩ Đỗ Chung cũng sẽ có bóng dáng của một người đàn bà đặc biệt.
Đó chính là vợ ông, một người đàn bà luôn âm thầm lặng lẽ hỗ trợ cho ông trong hành trình sáng tạo nghệ thuật".
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng dù người xem không thấy rõ những đường nét cụ thể nhưng vẫn cảm nhận được sự dịu dàng trong từng nét vẽ, hình khối, kết cấu, màu sắc như một tình cảm đặc biệt về người phụ nữ của họa sĩ Đỗ Chung.
Họa sĩ U80 chạy đua cùng thời tiết
Họa sĩ Đỗ Chung tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Ông đã 76 tuổi nhưng vẫn miệt mài lao động nghệ thuật.
Trong năm 2023, Người đàn bà trên sông Ngân là cuộc triển lãm lần thứ hai của họa sĩ tại không gian của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Triển lãm trưng bày 40 tác phẩm tranh sơn dầu, thể hiện tình yêu và cái nhìn sâu sắc của tác giả với cuộc sống và những bản sắc riêng có.
Bạn bè hay gọi ông là "ông già hay đi săn thời tiết", bởi phong cách vẽ tranh của ông hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết.
Ông chia sẻ: "Có những tác phẩm tôi vẽ từ 2 giờ đến 6 giờ sáng. Vì vẽ ban đêm thì độ ẩm ổn định và dễ lên màu, vẽ ban ngày thì nóng và màu lên không đẹp".
40 tác phẩm trong triển lãm Người đàn bà trên sông Ngân được ông vẽ chỉ trong 10 ngày. Họa sĩ cho biết hội họa như một cuộc chơi của ông. Ông không quan tâm đến yếu tố kinh tế, lợi nhuận.
PGS.TS - nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên nhận xét: "Đỗ Chung dù tuổi cao nhưng tranh của ông lại rất trẻ. Nó là xu hướng của nghệ thuật hiện đại".
Tranh của ông là sự kết hợp giữa nghệ thuật sơn dầu, kỹ thuật của phương Tây nhưng trộn vào đó là suy nghĩ rất phương Đông. Do đó, những bức tranh của ông thể hiện tính trừu tượng nhưng vẫn gần gũi, thâm thúy.
Trả lời Tuổi Trẻ Online khi nào sẽ "về hưu", ông bộc bạch: "Hội họa đã giúp tôi chống chọi nhiều căn bệnh quái ác và tuổi già. Vẽ đã trở thành thói quen, cho nên tôi sẽ vẽ đến khi nào không còn tiếp tục được nữa".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận