Bệnh nhân cho hay thường bị đau khi căng thẳng, ngủ ít và khi thời tiết thay đổi, đầu như bị bó ép, cảm giác ong óc, thỉnh thoảng đau nhói một chỗ rồi loang ra xung quanh như sóng nước.
Kèm theo là tình trạng ngủ kém, mỗi đêm chỉ ngủ 2-3 giờ, thậm chí có đợt thức trắng, tâm trạng hay lo lắng miên man mơ hồ mà không giải thoát nổi, nhiều khi tự nhiên rất buồn chán, mệt mỏi, mất hứng thú trong mọi công việc.
TS.BS Nguyễn Văn Tuấn, chuyên gia về thần kinh, cho rằng đó là một mô tả của bệnh nhân bị đau đầu tính chất "kỳ dị khó tả", biểu hiện rất đa dạng: có cảm giác kiến bò trong đầu, đầu bị căng ép, bị nén, cảm giác nóng rát, có bệnh nhân có cảm giác như "nước chảy trong đầu", có "bong bóng nổi lên bề mặt não", có "bông lèn trong đầu", có sóng vỗ, cảm thấy như không phải đầu của mình.
"Bệnh thường kèm theo mất ngủ, lo lắng, luôn nghĩ mình mắc bệnh hiểm nghèo, bồn chồn, mệt mỏi, buồn chán, bi quan; hồi hộp, run chân tay, vã mồ hôi, bốc hỏa, gai rét; tức ngực, khó thở, đau bụng, đi tiểu nhiều, đau lan tỏa nhiều nơi..." - bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Đau đầu do căn nguyên tâm lý
Đau đầu tính chất kỳ dị như trên là dạng đặc biệt của loại đau đầu căn nguyên tâm lý. Biểu hiện lâm sàng của đau đầu do căn nguyên tâm lý đa dạng, không có đặc tính chủ đạo chung. Tính chất của đau đầu căn nguyên tâm lý là tính không ổn định tùy theo từng giai đoạn bệnh, thể bệnh, trình độ học vấn và tính cách của người bệnh.
Đau đầu được mô tả ở các dạng khác nhau, có khi rất kỳ quặc, thông thường bệnh nhân kêu nặng đầu, cảm giác kỳ lạ tồn tại trong đầu, bực bội xa lạ trong đầu, không có vị trí cố định, không tương đương với mạch máu hay dây nào. Đau không thường xuyên, có khi thành cơn dữ dội, có khi âm ỉ dai dẳng.
Bác sĩ Tuấn cho biết đau đầu căn nguyên tâm lý nói chung có 2 loại là căn nguyên tâm lý nguyên phát và căn nguyên tâm lý triệu chứng, phát sinh do trạng thái tâm lý sầu buồn của một bệnh có tổn thương thực thể.
Nguyên nhân của loại đau đầu này là do rối loạn tâm thần cảm xúc, thường gặp ở những người nhân cách mất thăng bằng về cảm xúc và tính tình, họ luôn xung đột với gia đình và môi trường hoạt động mà không thể hòa hợp với xã hội được.
Tất cả những điều này đều bắt nguồn từ những hoàn cảnh éo le, đầy lo âu, uất hận, thất vọng..., thường được gọi là "căng thẳng tâm thần". Đau đầu dạng này thường kết hợp với trạng thái tâm lý lo âu nên còn gọi là loạn thần kinh lo âu, hoặc kết hợp với trầm cảm, hoang tưởng bị bệnh.
Điều trị bệnh này thế nào?
Theo ông Tuấn, phần lớn những người này thường không biết thư giãn, không có sự thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt là những người có tính cách cứng nhắc, không uyển chuyển, không hòa đồng.
Họ thường thu mình lại, thậm chí còn căng cứng, giận dữ khi gặp tình huống căng thẳng, gây bực bội.
Chính điều đó tạo áp lực lớn và là động lực của những cơn đau đầu do tâm lý. Người bệnh có thể giải quyết tình trạng đau đầu qua thư giãn hoặc được hướng dẫn thư giãn.
Tuy nhiên, khi bị đau đầu mang tính chất như trên, thường đó chỉ là triệu chứng nổi bật trong nhiều biểu hiện của các bệnh lý tâm thần như lo âu, ám ảnh nghi bệnh, trầm cảm, suy nhược thần kinh, rối loạn dạng cơ thể, hay tâm thần phân liệt...
Khi đó, người bệnh không thể kiểm soát nổi các cơn đau đầu tâm căn bằng liệu pháp thư giãn, các thuốc giảm đau thông thường ít có tác dụng. Vậy người bệnh hãy đến các đơn vị chuyên khoa tâm thần kinh để được khám và điều trị cơ bản.
"Người bệnh cần được chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ sọ não để loại trừ các bệnh lý có tổn thương thực thể tại não như u não, viêm não, đột quỵ não. Việc triển khai phối hợp liệu pháp hóa dược hợp lý và tâm lý thường mang lại hiệu quả tối ưu" - bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận