Tại thực địa trên biển, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố tiến hành cuộc tập trận kéo dài một tuần, từ ngày 5 đến 11-7, trên và xung quanh quần đảo Hoàng Sa.
Mặt trận ngoại giao trên bờ, thông qua tờ báo chính thống là China Daily, Bắc Kinh mời gọi chính phủ vừa thành lập của Tổng thống Rodrigo Duterte suy nghĩ lại về vấn đề giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Bài xã luận của tờ này nhấn mạnh nếu ông Duterte bỏ qua kết quả của vụ kiện, Trung Quốc và Philippines có thể ngồi lại với nhau để cùng bàn luận những vấn đề cốt lõi. Điểm mà bài báo dường như nhấn mạnh khá rõ ràng là đối thoại song phương đang là con đường để chính phủ Duterte xây dựng lại một mối quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh.
Một tay đấm trên thực địa, một tay xoa bằng ngôn từ ngoại giao đầy tính chiêu dụ. Không khó để nhận ra những hành động này của Bắc Kinh đang có ý định gây nhiễu.
Cách hành động thực địa cũng là để đáp lại những động thái của Mỹ và đồng minh. Một tuần trước đó, đội tàu sân bay tấn công của Mỹ cùng các tàu chiến của Ấn Độ và Nhật Bản đã triển khai diễn tập chiến tranh chống tàu ngầm, phòng không và các nhiệm vụ tìm kiếm và giải cứu tại vùng biển Philippines. Cuộc tập trận mang tên Malabar này là sự kiện được tổ chức hằng năm giữa Mỹ và Ấn Độ, nhưng năm nay có thêm Nhật nên trở thành một trong những cuộc tập trận lớn nhất và phối hợp nhất mà ba nước từng thực hiện.
Những hỏa mù thông điệp của Bắc Kinh còn nhắm đến Tổng thống Duterte vốn chưa có nhiều kinh nghiệm quan hệ quốc tế và không có nhiều điểm kết nối với chính sách đối ngoại của Mỹ. Cuộc thập tự chinh của ông Duterte chống lại tội phạm và tham nhũng mới thực sự nắm giữ chìa khóa của chính trị Philippines những năm sắp tới. Vấn đề ưu tiên hiện nay là thu hút đầu tư nước ngoài, là thay đổi đời sống kinh tế - xã hội của đất nước như lời hứa lúc tranh cử.
Nhưng điều đó lại làm dấy lên câu hỏi trên đấu trường quốc tế: Philippines sẽ cưỡi trên ngọn sóng nào giữa Bắc Kinh và Washington? Phải chăng tuyên bố mới nhất của ông Duterte về việc sẵn sàng nối lại đối thoại với Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp Biển Đông đã là câu trả lời?
Đó là lý do tại sao một bài bình luận quan trọng đăng trên chuyên trang của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ vừa xuất bản kêu gọi Ngoại trưởng John Kerry cần sắp xếp chuyến đi Philippines nhanh nhất. Rõ ràng Mỹ đang quan ngại một Philippines “đổi chiều” để hưởng lợi từ các bên.
Những hành động sắp tới của Trung Quốc sẽ nhấn ở những điểm nào? Bắc Kinh có thể viện cớ bị đe dọa để tăng cường đáng kể số lần tuần tra không quân và hải quân trên các vùng biển tranh chấp. Trung Quốc cũng có thể quyết định đặt cược nhiều hơn vào lực lượng tàu hải giám để cho thế giới biết họ đang kiểm soát thực địa một cách vững chắc, bất chấp các quyết định của PCA đang hướng có lợi cho ai.
Như một động thái hù dọa, Trung Quốc có thể gửi thêm một thông điệp kinh tế cho các nước láng giềng, đặc biệt là các nước đang quan tâm và theo dõi vụ kiện. Nếu ủng hộ vụ kiện hay leo thang dựa vào đó, họ sẽ bị tổn hại rất nhiều trong việc giao thương và đầu tư đang được hưởng lợi từ sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Những hỏa mù trong tâm bão có thể làm nhiễu thông tin và gây đe dọa. Nhưng qua đó cũng rõ ràng một việc: Bắc Kinh đang lo lắng về phán quyết của PCA hơn bao giờ hết, và họ không có nhiều lựa chọn trên mặt trận pháp lý. Khi các lập luận không đủ tự tin để có thể đưa ra tranh biện công khai trên diễn đàn tố tụng thì phải gây nhiễu bằng các hành động khác để che giấu điểm yếu của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận