Phóng to |
Tại Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1, TP.HCM), chương trình tiếng Anh Cambrige được nhiều phụ huynh đăng ký cho con theo học - Ảnh: Như Hùng |
Đầu năm học 2011-2012, phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 tại Trường tiểu học Kỳ Đồng (Q.3, TP.HCM) lo lắng khi trường thông báo đến bốn chương trình tiếng Anh: tự chọn, tăng cường, Cambridge, DynEd. Mỗi chương trình đều phân định rõ ràng về số tiết dạy, giáo viên đứng lớp, học phí, sĩ số...
Một phụ huynh tại trường này bày tỏ: “Tôi dự định cho con học chương trình tiếng Anh tự chọn nhưng thấy chương trình này nhẹ quá, song chọn tiếng Anh Cambridge lại sợ không kham nổi học phí (150 USD/tháng), còn chọn tiếng Anh tăng cường thì lo con không theo kịp trình độ các bạn ở chương trình Cambridge”.
Hàng loạt chương trình
Thực tế, chỉ riêng học phí và thời gian học từng chương trình tiếng Anh tại trường này đã khá khác nhau. Lớp tiếng Anh tự chọn 30.000 đồng/tháng, học bốn tiết/tuần; lớp tiếng Anh tăng cường 50.000 đồng/tháng (có giáo viên nước ngoài), tám tiết/tuần; lớp chương trình Cambridge 150 USD/tháng, sáu tiết/tuần, giáo viên nước ngoài do ĐH Cambridge chỉ định.
Học phí cao thì sĩ số lớp giảm: tiếng Anh tự chọn sĩ số từ 45 học sinh trở lên, tiếng Anh tăng cường 35-40 học sinh, còn lớp chương trình Cambridge chỉ 27-29 học sinh/lớp. Bà Đặng Mỹ Phương, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trong các chương trình tiếng Anh tổ chức tại trường, chương trình DynEd đang thu hút sự chú ý của phụ huynh vì mức học phí thấp, được học với phòng máy”.
Trường tiểu học Đuốc Sống (Q.1) hiện đang tổ chức giảng dạy 18 lớp tiếng Anh tăng cường cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, học giáo trình Family and Friends (American English) của Nhà xuất bản Oxford, thời lượng tám tiết/tuần và chương trình tiếng Anh tự chọn, thời lượng hai tiết/tuần.
Ngoài ra, trường dạy thêm chương trình tiếng Anh từ lớp 3 với thời lượng bốn tiết/tuần. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Thoa, hiệu trưởng Trường tiểu học Đuốc Sống, cho biết: “Năm nay nhà trường thực hiện giảng dạy thêm chương trình hỗ trợ tiếng Anh DynEd để bổ trợ cho các em học sinh đang học chương trình tiếng Anh tự chọn. Những em này sẽ được học thêm một tiết giao tiếp với giáo viên người nước ngoài”.
Không chỉ những trường này, tại TP.HCM rất nhiều trường tiểu học tổ chức giảng dạy chương trình tiếng Anh tự chọn và tiếng Anh tăng cường. Bắt đầu từ tháng 3-2010, Sở GD-ĐT TP.HCM đưa thêm chương trình tiếng Anh Cambridge tổ chức dạy thí điểm tại năm trường tiểu học.
Thêm vào đó, theo đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, sở triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh từ lớp 3 tại chín trường khác. Ngoài ra, theo hướng dẫn mới nhất của Sở GD-ĐT về tổ chức giảng dạy tiếng Anh, trong năm học 2011-2012, các trường nếu muốn vẫn có thể tổ chức thêm các chương trình hỗ trợ tiếng Anh khác như: Phonics, Learning Box-UK, DynEd, E-Study...
Phụ huynh hoang mang
Có nhiều chương trình tiếng Anh ở cùng bậc học giúp phụ huynh có nhiều lựa chọn nhưng điều này cũng khiến nhiều phụ huynh cảm thấy hoang mang. Chị L.T.H., một phụ huynh tại Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1), chia sẻ: “Ba chương trình tiếng Anh tại trường có trình độ quá khác nhau.
Theo tư vấn của trường, học sinh không có năng khiếu học tiếng Anh thì nên đăng ký học tiếng Anh tự chọn, học sinh có khả năng hơn thì đăng ký học tiếng Anh tăng cường, còn học sinh nào có điều kiện thì học tiếng Anh Cambridge do giáo viên người nước ngoài giảng dạy. Việc phân chia các chương trình trên tôi thấy rõ sự bất công, không hiểu khi lên cấp THCS thì trình độ của học sinh sẽ phân hóa như thế nào”.
Vừa qua, Sở GD-ĐT TP.HCM có đánh giá về chương trình tiếng Anh tăng cường sau 12 năm thí điểm tại các trường. Theo đó, chương trình này tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của phụ huynh bởi chương trình đào tạo, học phí phù hợp... Tuy nhiên, khi chương trình tiếng Anh Cambridge xuất hiện đã gây ra “xáo trộn” đối với chương trình tiếng Anh tăng cường và tự chọn.
Nguyên nhân chính là vì phụ huynh sợ con em thua thiệt nên đổ xô cho con qua học chương trình này. Anh H., một phụ huynh tại Trường tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh), cho hay: “Chương trình tiếng Anh Cambridge có mức học phí cao (150 USD/tháng) nhưng có đặc quyền về sĩ số lớp học, ưu tiên bán trú, phương tiện dạy học... Lúc tôi nộp hồ sơ, trường luôn khẳng định không có sự phân biệt đối xử giữa các chương trình. Nhưng sau thời gian con đi học, tôi và một số phụ huynh khác đều thấy sự mất công bằng khi tiếng Anh Cambridge dường như được ưu tiên về phòng học, trang thiết bị dạy học, giáo viên giỏi...”.
Ngoài ra, sự phân biệt còn thể hiện rõ khi các trường đánh giá năng lực của học sinh để khuyên phụ huynh nên đăng ký chương trình tiếng Anh phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Thoa nói: “Phụ huynh phải hiểu điều kiện thực tế và nội dung của từng chương trình học giúp lựa chọn hình thức học vừa sức học sinh, phù hợp điều kiện kinh tế của phụ huynh. Ngoài ra, trong quá trình học, thi cử theo quy định mới, không phải học sinh nào cũng đáp ứng được yêu cầu, nên phụ huynh đừng vội ép con mình học chương trình nào mà hãy lựa chọn chương trình phù hợp”.
Trường chỉ dạy học, không tổ chức thi Việc có nhiều hình thức (chương trình - PV) giảng dạy tiếng Anh chỉ nhằm đi tới một mục tiêu là đạt chuẩn tiếng Anh Cambridge do hội đồng khảo thí ĐH Cambridge đánh giá. Việc học sinh học chương trình, giáo trình như thế nào đều phải tham gia kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ do hội đồng khảo thí ĐH Cambridge tổ chức. Việc thực hiện theo chuẩn này các trường chỉ có nhiệm vụ tổ chức giảng dạy tiếng Anh, còn việc đánh giá sẽ do hội đồng khảo thí ĐH Cambridge thực hiện. Ông LÊ NGỌC ĐIỆP (trưởng Phòng tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận