Khách hàng tham khảo chương trình vay tiêu dùng - Ảnh: Thanh Tùng |
Chọn LS nào để có lợi nhất trong thời điểm hiện nay?
Cố định hay thả nổi
Tích góp được 500 triệu đồng, vợ chồng chị Thu (Q.Gò Vấp, TP.HCM) dự định vay thêm 500 triệu đồng nữa để xây nhà. Tham khảo tại nhiều NH, chị Thu khá bối rối khi cùng một sản phẩm cho vay nhưng các NH lại đưa ra nhiều mức LS khác nhau cho người vay chọn lựa.
Chẳng hạn tại Sacombank nếu cố định LS vay trong thời gian 6 tháng LS là 6,88%/năm, cố định trong thời gian 12 tháng LS là 7,99%/năm, trường hợp muốn cố định LS trong 2 năm chị phải trả LS 8,99%/năm.
“Thời gian cố định LS cho vay càng dài thì LS càng cao nên tôi phân vân không biết nên chọn cố định LS trong bao lâu để có lợi nhất” - chị Thu nói.
Cũng giống như chị Thu, anh Vĩnh (Q.2) cũng hoa mắt trước rừng LS của các NH. Vừa rồi anh đã hỏi vay tại một chi nhánh của NH HDBank. Nhân viên NH này cho biết theo chương trình vay của NH này nếu chọn cố định LS cho vay thời gian 6 tháng thì LS đang rất rẻ, chỉ khoảng 6,8%/năm nhưng sau đó LS lại thả nổi.
Theo công thức tính của NH, LS cho vay sau thời gian ưu đãi anh phải trả lên đến 12,5%/năm. “Trong một năm đầu, tôi phải trả LS thực tế là 9,65%/năm, cao hơn mức LS cố định 12 tháng là 8,6%/năm mà NH đưa ra” - anh Vĩnh nói.
Anh Vĩnh cũng cho biết đã tham khảo tại nhiều NH và thấy rằng phần lớn khi tư vấn nhân viên NH đều khuyên khách hàng nên lựa chọn cố định LS trong thời gian dài sẽ có lợi hơn.
Tuy nhiên diễn biến LS cho vay trong thời gian tới vẫn là ẩn số, do vậy anh phân vân không biết nên chọn thế nào cho hợp lý.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện phần lớn các chương trình cho vay mua nhà đều có ba mức LS khác nhau để người vay chọn lựa ứng với thời gian cố định LS trong 6 tháng, 1 năm và 2 năm. Thời gian cố định LS cho vay càng dài LS càng cao. Tuy nhiên có phải cứ chọn mức thời gian cố định LS dài thì người vay có lợi?
Được cái này, mất cái kia
Giám đốc chi nhánh Q.3 một NH cổ phần lớn tại TP.HCM cho rằng rất khó để nói chọn phương án nào là có lợi nhất vì phải tùy theo điều kiện về nguồn trả nợ của người vay cũng như ràng buộc của NH cho vay.
Hiện nay các NH đều quy định mức phạt rất cao nếu người vay trả trước hạn trong thời gian ưu đãi LS, do vậy nếu người vay có nguồn vốn linh hoạt, hoặc thỉnh thoảng có nguồn thu nhập đột biến có thể dùng để trả nợ trước hạn thì chỉ nên chọn cố định LS vay trong thời gian ngắn, từ 6 tháng đến 1 năm.
“Chọn phương án này sẽ chấp nhận ưu đãi có thể ngắn hơn nhưng dễ dàng hơn trong việc trả trước hạn. Sau thời gian cố định LS nếu trả trước hạn NH vẫn phạt người vay nhưng mức phạt thấp hơn so với trả trong thời gian ưu đãi LS. Ngoài ra nếu LS cố định trong thời gian ngắn thì mức LS ban đầu cũng thấp hơn” - vị giám đốc này nói.
Ẩn số lãi suất thả nổi Hiện nhiều NH đưa ra LS ban đầu rất thấp, chỉ khoảng 6%/năm nhưng khi hết thời gian ưu đãi LS được tính theo công thức LS huy động kỳ hạn 13 tháng cộng với biên độ quy định của NH. Theo các chuyên gia, người vay phải tìm hiểu và so sánh LS cũng như biên độ cộng thêm của mỗi NH. Hiện biên độ cộng thêm phổ biến từ 3,5 - 3,9% nhưng cũng có NH cộng đến 5,6%. Chưa kể NH còn đẩy LS 13 tháng hoặc 24 tháng lên rất cao khiến LS cho vay bị đẩy lên đột ngột, người vay gặp khó khăn trong việc thanh toán gốc và lãi hằng tháng. |
Nếu là người làm công ăn lương, thu nhập ổn định và biết chắc chắn phải vay trong thời gian dài thì tốt nhất nên chọn cố định LS trong thời gian dài nhất để tránh bị ảnh hưởng đến nguồn trả nợ nếu chẳng may vài năm tới NH tăng LS.
“Các phương án đều có những mặt lợi và hạn chế riêng. Nếu chọn cố định LS ngắn thì lợi trước mắt nhưng sau đó LS sẽ thả nổi, cao hơn rất nhiều so với LS ưu đãi.
Còn nếu chọn cố định LS trong thời gian dài thì có thiệt thòi là trong những năm đầu khi người khác đang trả LS 8%/năm thì mình phải trả 9%. Không có phương án nào hoàn toàn có lợi hoặc hoàn toàn bất lợi mà được cái này thì sẽ mất cái kia” - vị giám đốc này nói.
Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Trung Minh, tâm lý người vay là muốn “ăn chắc mặc bền”, cố định LS trong thời gian dài để nếu sau này LS có tăng lên cũng không bị ảnh hưởng, tuy nhiên nên cân nhắc dựa trên điều kiện của mình.
“Người đang có bất động sản rao bán chờ trả nợ cho khoản vay thì chọn cố định LS trong thời gian ngắn, đồng thời lựa chọn NH có mức phạt trả nợ trước hạn thấp để vay.
Trường hợp vợ chồng trẻ, chỉ có nguồn thu nhập từ lương và không có phương án trả nợ nào khác thì nên chọn cố định LS dài hạn để có kế hoạch tài chính hợp lý” - ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, thời gian qua LS huy động đã giảm sâu, dự đoán thời gian tới LS sẽ dừng ở mức này hoặc chỉ giảm thêm rất ít. Do vậy người vay cũng khó kỳ vọng LS cho vay trung dài hạn sẽ giảm sâu nên khi vay vốn người vay cần tính đến các yếu tố này để chọn gói vay thích hợp.
LS càng thấp, mức phạt càng cao
Các chuyên gia cũng cho rằng người vay đừng chỉ chăm chăm vào LS mà nên tìm hiểu thêm các điều kiện ràng buộc khác do NH đặt ra, trong đó có phí trả nợ trước hạn. Một điểm đáng lưu ý là LS cho vay càng thấp thì mức phạt càng cao. Ngoài ra, nếu vay thời gian dài mà người vay trả càng sớm thì mức phí cũng rất cao.
Tại HDBank, nếu vay theo gói 6,8%/năm mà người vay trả nợ trong sáu tháng đầu thì mức phạt lên đến 4% số tiền trả nợ trước hạn.
Trường hợp vay theo gói 8,6%/năm, cố định LS trong 12 tháng mà trả nợ trong thời gian cố định LS thì mức phạt là 3% số tiền trả nợ trước hạn, nếu trả trước hạn trong năm thứ hai mức phạt còn 2%, nếu trả trước hạn trong năm thứ ba mức phạt còn 1%.
Nếu vay gói cố định LS 25 tháng, LS 9,9%/năm mà trả trong thời gian cố định LS thì mức phạt lên đến 2,5%/năm, trả từ tháng 25 - 37 mức phạt là 2% và trả trước hạn sau tháng thứ 37 mức phạt là 1%.
Theo gói vay “Ngôi nhà đầu tiên” của ACB, nếu trả nợ trước hạn hai năm đầu mức phạt là 2% trên số tiền trả nợ trước hạn, ba năm tiếp theo mức phạt trả nợ trước hạn là 0,75%.
Tại Sacombank, mức phí là 2,5% nếu khách hàng vay gói cố định LS 6 tháng mà trả trước hạn trong một năm đầu tiên hoặc vay cố định LS 1 năm mà trả trước hạn trong hai năm đầu tiên.
Trường hợp vay gói cố định LS 2 năm mà trả trước hạn trong năm năm đầu tiên mức phạt cũng tương tự. Sau thời gian này mức phạt từ 0,5-5%.
Tuy nhiên cả Sacombank và ACB đều cho khách hàng trả thêm 20 triệu đồng mỗi tháng để rút ngắn khoản vay mà không bị tính phí. Theo ACB, người vay có thể tận dụng quy định này để trả trước hạn ngay từ những tháng đầu tiên.
Ngoài ra, NH cũng cho phép trả nợ từ 2% vốn gốc trong năm đầu nhằm giảm bớt áp lực trả nợ cho người vay.
Tại Eximbank, nếu vay theo gói cố định LS 1 năm là 8%/năm mà thanh toán trước hạn trong năm đầu tiên LS phạt là 3%, năm thứ hai mức LS phạt là 2%, năm thứ ba giảm còn 1%.
Từ năm thứ tư thanh toán trước hạn được miễn phí phạt. Cũng có NH không thu phí trả nợ trước hạn nhưng LS cho vay rất cao, lên đến 12,44%/năm.
Người vay cũng nên để ý các điều khoản khác trong đó có việc thu phí làm hồ sơ, phí định giá tài sản khiến LS thực mà người vay phải trả cao hơn so với mức LS mà NH đưa ra.
Hiện phí định giá tài sản cao thấp tùy vào tài sản thế chấp ở đâu nhưng thông thường khoảng 2,8 - 3 triệu đồng nếu bất động sản thế chấp ở vùng ven.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận