Trên các đường ở TP.HCM, hàng loạt biển báo giao thông được gắn san sát nhau như biển cấm dừng đậu, cấm rẽ trái, cấm rẽ phải, cấm xe 2-3 bánh… Đặc biệt là tại các giao lộ, biển báo như một "ma trận" khiến người đi đường hoa mắt.
Cứ khoảng chục mét lại có biển báo
Điển hình như đường Võ Văn Kiệt, đoạn từ hầm Thủ Thiêm tới quốc lộ 1 cứ khoảng chục mét lại có 1-2 biển báo như cấm xe 3 bánh, 4 bánh, xe thô sơ theo giờ; cấm dừng đậu từ 6-8h,16-20h; cấm đậu từ 8-16h, 20-22h; biển phân làn xe; biển báo tốc độ cho phép 50km/h; biển cấm ô tô rẽ phải…. Có những biển được cắm một cột riêng, có biển treo nhờ trên cột đèn chiếu sáng.
Hoặc tại giao lộ Võ Văn Kiệt - Ký Con, quận 1, hướng từ hầm vượt Thủ Thiêm ra giao lộ có tới 9 biển báo cấm đi được chiều được gắn trên thanh giá long môn. Trong đó, 3 biển được gắn bên làn hỗn hợp, 4 biển gắn bên làn ô tô, 2 biển gắn trên cột đèn chiếu sáng ở giữa đường.
Anh Đức Toàn, một người dân, cho rằng chỉ cần đặt một biển ở giữa làn hỗn hợp, một biển ở giữa làn xe ô tô là đủ. Không cần phải mỗi làn mỗi biển như vậy gây tốn kém và rối mắt.
Ở hướng ngược lại, có tới 4 biển cấm rẽ trái cấm quay đầu được gắn trên thanh giá long môn để cấm các xe rẽ trái vào đường Ký Con.
Cách đó vài mét, ngay đường vào hầm Thủ Thiêm có một tấm biển lớn, trên tấm biển này có 8 biển báo nhỏ kèm theo dòng chữ "các đối tượng không được phép lưu thông qua hầm sông Sài Gòn". Ngay bên cạnh có thêm một tấm biển lớn khác dày đặc những dòng chữ.
Mất nhiều thời gian mới đọc hết biển báo
Một người dân cho biết muốn đọc được hết các biển báo trên phải dừng xe lại, người nhanh nhạy có thể mất 1-2 phút để đọc xong. Còn ai mắt kém thì có thể phải khoảng 4-5 phút. Trong khi đó vừa chạy xe vừa liếc mắt thì khó có thể đọc được hết những biển báo này.
Hoặc như tuyến đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, biển báo phân 7 làn xe được cắm ở dải phân cách phân chia một bên 4 làn, một bên 3 làn. Thế nhưng ở ngoài vỉa hè bên phải lại được cắm thêm một biển phân làn khác y chang tấm biển kia.
"Tấm biển kia cắm ở giữa đường, cao ráo dễ quan sát như vậy là đủ rồi, không cần cắm thêm ở ngoài vỉa hè" - một người dân nói.
Nhiều tài xế còn cho biết trên một số tuyến đường có nhiều biển báo cắm ở sát lề phải bị "lép vế" so với các biển hiệu, biển quảng cáo từ nhà của người dân.
Như trên quốc lộ 1 gần ngã ba dẫn vào nhà điều hành Đại học Quốc gia TP.HCM, phường Linh Trung, TP Thủ Đức, biển báo giao thông bị chìm lấp giữa các biển hiệu vá vỏ xe, ve chai, quán cà phê.
Theo anh Nguyễn Đức Cường (ngụ TP Thủ Đức, một tài xế ô tô), hiện nay ở nhiều tuyến đường biển báo giao thông được gắn trên các thanh giá long môn ở giữa đường như vậy là hợp lý. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tuyến đường biển báo cắm dày và thấp, khó quan sát.
Anh Cường cho rằng đường Mai Chí Thọ, xa lộ Hà Nội tốc độ tối đa cho tới phép 80km/h, những biển báo kích thước nhỏ, cắm ở nơi khó nhìn, đặc biệt là biển bằng chữ sẽ khiến tài xế khó quan sát.
"Người lái xe quan sát phía trước là chính, mắt chỉ liếc khoảng 2-3 giây để nhìn biển báo chứ khó có thể nhìn lâu, đọc chữ rồi suy nghĩ nội dung biển đó nói gì. Trên đường các xe chuyển làn liên tục, lơ là vài giây thôi là va chạm liền" - anh Cường nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận