Một khu đất đối diện khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được phân thành nhiều lô, đang mời chào khách - Ảnh: QUANG THẾ
Khảo sát cho thấy trên trục đại lộ Thăng Long từ huyện Quốc Oai đến quốc lộ 21 các trung tâm tư vấn nhà đất, "sàn giao dịch bất động sản" cũng đua nhau mọc lên.
Môi giới "vừa đá bóng, vừa thổi còi"
Từ giữa tháng 3 có thông tin tập đoàn lớn đầu tư dự án ở Hòa Lạc, ngoài ra cuối tháng 5 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030, tỉ lệ 1/10.000 khiến cơn sốt đất tiếp tục được đẩy lên cao. Thực tế nhu cầu thực "lướt sóng" đất nền rất nhỏ giọt.
Ông Trương Thuyết (31 tuổi) - một người làm nghề môi giới bất động sản - có "sàn giao dịch" đặt tại mặt đường đại lộ Thăng Long (huyện Quốc Oai), cho biết: "Không chỉ cung ứng ra thị trường đất thổ cư mà còn có đất nhà xưởng, trang trại, nhà vườn nghỉ dưỡng…".
Theo lời giới thiệu của ông này thì hiện nay đất thổ cư không phải là kênh đầu tư lãi lớn, các nhà đầu tư hiện nay đang lựa chọn đất trang trại để đầu tư tuy nhiên diện tích lớn cả hàng ngàn mét vuông nên cũng kén khách do số tiền đầu tư cả chục tỉ đồng.
Tuy nhiên, thực tế ngày cuối tuần tại "sàn giao dịch bất động sản" của Thuyết có 4 nhân viên cả nam, nữ chỉ túc trực điện thoại lướt facebook, zalo tìm khách mà không có nhà đầu tư tới giao dịch trực tiếp.
Biển quảng cáo thông tin bất động sản vào tận đường làng để mời chào - Ảnh: QUANG THẾ
Bà Hương (51 tuổi, xã Đồng Trúc) bán cơm, lẩu kiêm "môi giới bất động sản" giới thiệu: "Người ta từ đâu đâu còn về đây thuê đất, thuê mặt bằng làm môi giới kiếm tiền, có người chỉ sau một tuần tậu ôtô thì không có lý do mình không làm".
Tuy nhiên, theo bà Hương: "Từ ngày dịch COVID-19 tới giờ thú thật là mới giới thiệu được 2 khách, mỗi khách họ trả hoa hồng 10 triệu đồng".
Ghi nhận thực tế tại xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất) và xã Phú Cát (huyện Quốc Oai) các công ty môi giới còn đặt biển hiệu vào tận đường làng để quảng cáo thông tin nhà đất.
Lặng "sóng"
Có lẽ dư luận chưa thể quên được hình ảnh giữa tháng 3 nhiều chiếc xe ôtô ùn ùn đổ về cánh đồng thôn Đồng Táng, xã Đồng Trúc để "lướt sóng" trước cơn sốt mà Tuổi Trẻ Online đã phản ánh.
Thời điểm đó, những người làm nghề môi giới bất động sản đổ về đây tăng lên "chóng mặt", thành "chợ" bất động sản giữa cánh đồng, mọi con đường ra vào thôn đều bị ùn tắc…
Mới đây, phóng viên quay trở lại khu vực này đã vắng lặng, không còn bóng dáng nhân viên môi giới, chỉ lác đáng người dân đi chăn bò, làm đồng.
Không còn cảnh họp chợ đất động sản ở khu giãn dân thôn Đồng Táng, xã Đồng Trúc như vài tháng trước - Ảnh: QUANG THẾ
Ông Tiến (xã Đồng Trúc) cho biết, thời điểm sốt đất còn có nhiều "cò" còn tìm về tận gia đình chủ đất để thương lượng.
"Họ đặt vấn đề nếu giới thiệu được khách, đứng ra làm thủ tục chuyển nhượng thì "cắt" phần trăm chứ thực tế "cò" không có đất ở đó" - ông Tiến nói.
Một căn nhà vườn đối diện khu công nghệ cao Hòa Lạc xây dựng từ nhiều năm trước cũng đang được rao bán - Ảnh: QUANG THẾ
Nhiều lô đất xen kẹt ở đối diện khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng đang được rao bán - Ảnh: QUANG THẾ
Một lô đất ở khu giãn dân thôn Đồng Táng, xã Đồng Trúc được người dân tận dụng trồng sắn - Ảnh: QUANG THẾ
Biển quảng cáo thông tin bất động sản vào tận đường làng - Ảnh: QUANG THẾ
Tạm dừng tách thửa
Ông Nguyễn Đình Nghi - phó chủ tịch UBND xã Đồng Trúc - cho biết: "Trước thông tin có đông người đến mua đất hồi tháng 3 để tránh thiệt hại cho người dân chúng tôi đã phải dán thông báo, huy động lực lượng công an đến để đảm bảo tình hình an ninh trật tự. Từ sau cơn sốt đất tháng 3 thì đến nay không có ai đến khu vực này nữa".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện UBND huyện Quốc Oai cho biết: "Về thông tin doanh nghiệp muốn làm dự án hàng trăm hécta là có nhưng hiện nay vẫn đang trong quá trình làm thủ tục đầu tư, xin chủ trương chứ chưa được cấp thẩm quyền quyết định phê duyệt chính thức.
UBND huyện Quốc Oai đã tạm dừng tách thửa, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện để rà soát…".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận