Tháng 12-2023, VĐV điền kinh Lê Thị Mộng Tuyền chính thức từ giã sự nghiệp VĐV để bắt đầu công tác huấn luyện tại đội điền kinh TP.HCM.
Không có duyên với những tấm huy chương cá nhân, nhưng cô gái nhỏ nhắn với nụ cười tỏa nắng là ngọn đuốc tinh thần cho tổ tiếp sức điền kinh TP.HCM suốt nhiều năm qua.
Năm 2009 khi tròn 19 tuổi, Mộng Tuyền lần đầu xuất hiện trong tổ chạy tiếp sức 4x100m nữ đội tuyển điền kinh Việt Nam và đã giành huy chương bạc SEA Games 25 tại Lào, cùng đàn chị Vũ Thị Hương, Lê Ngọc Phượng, Nguyễn Thị Ngọc.
Đến năm 2017 tại SEA Games 29 trên đất Malaysia, Mộng Tuyền cùng các VĐV: Trần Thị Yến Hoa, Đỗ Thị Quyên, Lê Tú Chinh vươn đến đỉnh cao khi giành huy chương vàng, đồng thời thiết lập kỷ lục đại hội với thành tích 43,88 giây.
Ở kỳ SEA Games 31 trên sân nhà năm 2022 và cũng là lần cuối góp mặt trong đội hình chạy tiếp sức, Mộng Tuyền cùng các VĐV: Hà Thị Thu, Dương Thị Hoa, Hoàng Dư Ý giành huy chương bạc.
* Sau 20 năm gắn bó với điền kinh, bạn được gì và mất gì?
- Tôi thấy được nhiều chứ không mất gì hết. Điền kinh mang lại cho tôi sức khỏe, thu nhập để lo cho bản thân và được đi rất nhiều nơi trên thế giới. Tôi xem điền kinh là nghề và đầu tư nghiêm túc cho tình yêu của mình.
Có thời điểm chúng tôi bị nói rằng con gái tập điền kinh đã đen lại còn cơ bắp, xấu quá. Nhưng tôi lại nghĩ mỗi người có cái duyên. Nghề nào cũng có thuận lợi và khó khăn hết.
Hay như có ý kiến nói rằng thể thao thường "vắt chanh bỏ vỏ", tôi nghĩ là không đúng. Thể thao nói chuyện bằng thành tích. Bạn không cố gắng vươn lên, nhất là trong độ tuổi đỉnh cao thì làm sao bạn được trọng dụng? Môi trường nào cũng có tính đào thải. Tôi luôn giữ suy nghĩ tích cực để tạo động lực cho bản thân.
Tôi biết nhiều thế hệ VĐV đi trước sau khi giải nghệ đã về làm việc trong các sở, ban ngành. Đó là những tấm gương cho việc phải định hướng được con đường của bản thân. Sau sự nghiệp thể thao, mình cần làm, học thêm gì để có tương lai tốt hơn.
* Bạn đã chuẩn bị gì cho cuộc sống sau sự nghiệp VĐV?
- Ở đội điền kinh TP.HCM, các thầy đều tâm lý, tạo điều kiện cho VĐV được đi học văn hóa bên cạnh việc tập luyện. Tôi đã lấy bằng cử nhân giáo dục thể chất tại Đại học Sư phạm TDTT TP.HCM và sắp hoàn thành văn bằng hai Anh văn.
Việc học cũng gian truân vì vướng thời gian tập huấn, thi đấu. Tôi từng phải thi lại đại học, mất tổng cộng 8 năm mới hoàn thành tấm bằng đại học và lỡ luôn đợt học lên thạc sĩ. Không sao, từ từ tôi học lại vẫn được.
Thực sự khi dừng thi đấu, tôi có chút hụt hẫng. Nhưng đến tuổi rồi, đầu rất muốn tập nhưng cơ thể lại… đình công. Tôi bị thoái hóa sụn 10 năm nay, nhiều lúc phải tự bỏ tiền điều trị riêng. Tôi phải tự bỏ tiền túi để mua thêm thực phẩm hỗ trợ, tăng cường thể chất.
Hiện ngoài việc làm HLV ở đội điền kinh TP.HCM, tôi đi dạy thêm cho các bé thiếu nhi ở các lớp vận động thể chất, nhận làm HLV cá nhân cho người lớn. Tôi bắt đầu như vậy để dần thích nghi với công việc mới.
* Rời xa gia đình đi tập luyện thể thao từ lúc còn nhỏ, giờ từ giã sự nghiệp để trở về bên người thân, chặng đường mới với bạn diễn ra thế nào ?
* Tôi là người luôn tự rèn giũa bản thân. Tôi xa gia đình từ năm 13 tuổi, thời gian mình lớn lên, ba mẹ không có ở bên để hiểu mình và ngược lại. Mẹ tôi còn không biết tôi thích và không thích ăn món gì nữa. Một thời gian tôi áp lực khi về nhà, không nói chuyện được với ai. Mẹ cũng hay la: "Trời ơi chạy hoài rồi đến bao giờ mới lấy chồng" (cười).
Sau đó tôi phải nhìn lại bản thân, hòa hợp với ba mẹ mình bằng cách nói ra những gì mình nghĩ. Tôi nói với mẹ, lúc con còn nhỏ xíu đã xa gia đình rồi, khi con lớn rồi trở về có những thay đổi trong tư duy của con.
Hiện tôi cũng nghĩ mai sau có con tôi chỉ muốn các bạn chơi thể thao vui khỏe thôi, cho con tự chọn nhưng cần định hướng. Xã hội giờ vẫn trọng kiến thức hơn. Thể thao chỉ là môn chơi vui khỏe, xả stress sau giờ làm thôi chứ về lâu dài vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Lê Thị Mộng Tuyền sinh năm 1990 tại quận Tân Bình, TP.HCM. Cô được tuyển chọn vào đội điền kinh TP.HCM sau khi được phát hiện tài năng từ các giải thể thao học đường.
Thành tích nổi bật đầu tiên của Mộng Tuyền là tấm huy chương vàng nội dung 100m tại Giải điền kinh các nhóm tuổi quốc gia năm 2005 tại Đà Nẵng.
Lần đầu thi đấu quốc tế, Mộng Tuyền giành huy chương vàng nội dung tiếp sức 4x100m nữ và huy chương bạc tiếp sức 4x400m nữ tại Giải điền kinh trẻ Đông Nam Á 2007.
Lê Thị Mộng Tuyền cùng đàn em Lê Tú Chinh là tượng đài cự ly ngắn (100m, 200m) của điền kinh TP.HCM những năm gần đây. Hai cô thay phiên và cùng nhau thống trị nội dung cá nhân, tiếp sức tại các giải quốc gia từ năm 2016 đến 2021.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận