28/08/2012 10:39 GMT+7

Hoa hồng dày, bữa cơm "mỏng"

MINH LUẬN
MINH LUẬN

TT - Bữa cơm công nhân được đặt mua 8.000-15.000 đồng/suất, nhưng qua các khâu ăn chia, hoa hồng, hao hụt nấu nướng... giá trị thật đến tay công nhân chỉ còn 5.000-10.000 đồng. Thông tin này trên báo Tuổi Trẻ (ngày 26-8-2012) về bữa cơm của công nhân khiến mọi người xót xa...

Chưa hết, thật rợn người trước các thông tin thức ăn của công nhân có cả... giòi. Ngày 23-5, hơn chục công nhân Công ty Wonderful Sài Gòn Electrics (Khu công nghiệp VSIP, Bình Dương) ăn phải bánh mì có giòi. Giòi cũng xuất hiện trong cá viên chiên của bữa cơm công nhân Công ty TNHH quốc tế AW (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngày 17-8, giòi lại lúc nhúc trong món thịt heo kho của công nhân ở Nông trường cao su đội 1 Cù Bị (Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu)...

Bộ Y tế đã cảnh báo, hàng triệu người lao động làm việc tại 256 khu chế xuất - khu công nghiệp trên cả nước đang đối diện với thiếu dinh dưỡng, dễ mắc ngộ độc thực phẩm. Tình trạng này kéo dài sẽ bào mòn sức khỏe công nhân, làm suy giảm năng suất lao động cùng nhiều hệ lụy khác. Vậy mà, vì hám lợi người ta đã xà xẻo, kể cả cho công nhân ăn thức ăn có giòi.

Nguyên nhân, do một bộ phận lớn các cơ sở nấu ăn sử dụng thực phẩm giá rẻ đã hư hỏng chỉ có thể đổ đi hoặc làm thức ăn cho gia súc để chế biến cho bữa ăn của công nhân. Một công ty chuyên cung cấp thực phẩm sạch ở Đồng Nai cho biết dù nỗ lực nhưng vẫn chưa đưa được thịt sạch vào bữa cơm của công nhân bởi “thịt mua trôi nổi rẻ hơn”. Dễ hiểu thôi, mua thứ rẻ mới có tiền “lại quả” hoặc lời nhiều hơn. Quá bất nhẫn khi những người có trách nhiệm chăm lo bữa ăn công nhân đã móc ngoặc với nhau để kiếm chác trên cả miếng cơm của người lao động nghèo. “Hoa hồng, chiết khấu càng dày thì miếng thịt trong bữa cơm của công nhân càng mỏng”.

Để nạn xà xẻo bữa cơm công nhân diễn ra phổ biến và trở thành “công nghệ”, trước hết do trách nhiệm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của các cấp chính quyền địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất, các chủ doanh nghiệp chưa cao. Cùng với đó là sự yếu kém, hạn chế trong hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ở các cấp, hệ thống thanh tra chuyên ngành, kiểm nghiệm... Và, đáng lên án là những người có quyền quyết định “đặt cơm”, ký hợp đồng mua cơm đã kiếm chác trên sức khỏe của công nhân.

Không thể tồn tại mãi “công nghệ” xà xẻo bữa ăn công nhân, cần có quy định về bữa ăn, cơ cấu dinh dưỡng cho công nhân. Giá bữa ăn phải thay đổi theo thời giá thị trường để đảm bảo định lượng. Muốn thế, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu đưa ra khẩu phần ăn phù hợp, đủ dinh dưỡng cho từng nhóm công nhân làm việc ở các lĩnh vực khác nhau; quy định suất ăn tối thiểu cho công nhân; quy chuẩn khẩu phần ăn đáp ứng đủ dinh dưỡng để công nhân có thể tái tạo sức lao động... Cũng cần phải khuyến khích, thậm chí buộc doanh nghiệp nâng giá trị bữa ăn của công nhân lên. Giám đốc doanh nghiệp phải cùng giám sát, thậm chí chịu trách nhiệm về bữa ăn của những người làm việc cho mình. Đó cũng chính là quyền lợi của doanh nghiệp, bởi công nhân có bữa ăn đủ tái tạo sức lao động cũng sẽ giúp doanh nghiệp ổn định được sản xuất, thậm chí tăng năng suất lao động. Việc thu - chi bữa cơm của người lao động phải minh bạch. Định lượng bữa ăn phải được giám sát qua công đoàn công ty và cơ quan y tế địa phương...

Giải pháp thì có nhiều, nhưng để thực hiện nó trên hết phải cần cái “tâm” của người sử dụng lao động và cả những người được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý, giám sát bữa ăn của người lao động. Chẳng có lý do gì để tồn tại mãi “công nghệ” xà xẻo bữa ăn của người lao động nghèo.

MINH LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên