20/11/2014 09:17 GMT+7

“Hoa hồng” đã được trao như thế nào?

HỮU NGHỊ
HỮU NGHỊ

TT - Trước vụ án GSK, chuyện hưởng “hoa hồng” từ các hãng dược, thiết bị y khoa (gọi chung là các hãng dược) vẫn được xem là bình thường.

Sơ đồ hối lộ của GSK tại Trung Quốc theo giới thiệu của Nhân dân Nhật Báo
Sơ đồ hối lộ của GSK tại Trung Quốc theo giới thiệu của Nhân dân Nhật Báo

Nay thì các đại gia ngành dược và thiết bị y khoa nháo nhào rúng động.

Báo cáo thường niên năm 2013 của Hãng GSK (toàn cầu) liên quan đến việc “kiểm soát giá cả và sức ép của các quy định” từng đề cập kiểu nước đôi: “Từng chính phủ (nước mua thuốc - NV) có trách nhiệm hoàn toàn về việc xác định sản phẩm nào có thể được tiếp thị trong đất nước họ, và trong nhiều trường hợp, qua các hệ thống được nhà nước quy định, mà giá sản phẩm đó được định như thế nào.

Các khác biệt quá nhiều trong luật pháp chuyên biệt cùng các quy định liên quan đến dược phẩm giữa các khu vực và các nước có thể làm nảy sinh những thách thức đối với việc sản phẩm mới có thể xuất hiện trong các thị trường khác nhau hay không”. 

Đoạn văn trên có thể được hiểu như là: mỗi nước một “luật lệ” đăng ký và quản lý dược riêng nên để đưa được thuốc X hay Y này lọt vô thị trường dược nước đó là cả “núi” thách thức! Nghĩa là mỗi chi nhánh của GSK trên thế giới sẽ phải tự vượt qua các “thách thức” chuyên biệt đó. Dĩ nhiên cũng “nhập gia tùy tục” nên họ có muôn vàn cách bôi trơn.

Mời dự “hội nghị”

Ông Gao Feng, điều tra viên kinh tế Bộ Công an Trung Quốc, khẳng định GSK tại Trung Quốc bị tố cáo đã sử dụng ít nhất đến bốn công ty du lịch làm kênh “chuyển tải” cho thông suốt hơn 3 tỉ nhân dân tệ (NDT, 489 triệu USD) tiền hối lộ tính từ năm 2007.

Các hãng lữ hành đó thậm chí đã lại quả bằng các “dịch vụ tình dục” cho các lãnh đạo cao cấp của GSK trong suốt bốn năm qua để duy trì quan hệ làm ăn.

Nội vụ khởi sự khi cảnh sát kinh tế phát hiện rằng doanh số hằng năm của Hãng lữ hành Shanghai Linjiang International Travel Service tăng từ vài triệu NDT lên đến mấy trăm triệu NDT chỉ trong vài năm gần đây. Điều tra kỹ thêm thì thấy hãng lữ hành này tăng doanh số cả trăm lần từ khi làm ăn với GSK năm 2007.

Phát hiện này càng giải thích tại sao các tour hội nghị do các hãng lữ hành như thế này tổ chức lại đắt gấp bội so với các tour bán cho khách thường, và tại sao các bác sĩ, quan chức được mời đi hội nghị lại nhắm mắt mà đi cho dù có khi tiếng Anh đi phỏng vấn visa còn ấp úng chứ đừng nói là đến hội nghị sẽ hiểu hết ráo hoặc thảo luận.

Bên cạnh chuyện được mời đi “hội nghị” còn có chút hãnh diện vì được đi máy bay hạng thương gia, ở khách sạn 5 sao, tốn đến mấy ngàn đô!

Phát hiện càng khiến cảnh sát hay mọi người khi biết được điên tiết là chuyện các sếp của GSK Trung Quốc cũng đã “bợ bạc đậm” khi thanh toán những hóa đơn tour hội nghị đông khoảng 50 khách mời, song trong thực tế chỉ có khoảng 30 người tham dự...

Một viên chức GSK họ Liang khai đã đút túi được đến 2 triệu NDT (khoảng 300.000 USD) từ Hãng lữ hành Shanghai Linjiang chỉ từ năm 2010-2012.

Hoa hồng “trung thành”

“Đi hội nghị” mới chỉ là phần nổi của tảng băng, phần còn lại của gần nửa tỉ USD kia là để chi cho các quan chức, các giám đốc bệnh viện cùng các bác sĩ sao cho họ sẽ cứ đặt mua thuốc của GSK - tờ Nhân Dân Nhật Báo tạm kết luận.

Bị cáo Liang còn khai cai quản đến 3.000 trình dược viên trên khắp Trung Quốc có nhiệm vụ “làm việc” với các bệnh viện và các bác sĩ, và rằng Liang được cho phép duyệt kinh phí chi lên đến hàng trăm triệu USD!

Không chỉ lấy tiền từ GSK ra để lo lót, các sếp của GSK Trung Quốc còn “gõ cửa” chính các đối tác của mình.

Weng Jianyong, đại diện pháp lý của Hãng lữ hành Shanghai Linjiang, khai rằng cứ mỗi khi Liang định đi viếng thăm các quan chức cùng các chuyên gia đầu ngành là... lại gọi điện thoại bảo Weng cụ bị sẵn tiền mặt cho y đi “làm việc” với các vị ấy! Tất nhiên, Weng cũng đã xộ khám cùng với Liang!

Liang khai với cảnh sát rằng để đưa được một loại thuốc vô thị trường, y phải “làm việc” với các quan chức Cục Đăng ký dược, cùng các cơ quan phụ trách vật giá và bảo hiểm (y tế), các giám đốc bệnh viện cùng các bác sĩ như thế nào.

Hậu quả của sự chung chi vô tội vạ này là giá thuốc tăng, mà theo Liang, tiền chi đút lót giá chót cũng khoảng 20% giá thuốc!

Người dân lãnh đủ

Tiền hối lộ chui vào túi một nhóm nhỏ người có quyền lực là một cái ách nữa choàng thêm vào cổ người dân, nhất là khi có đến 40% dân số Trung Quốc tự bỏ tiền túi khi phải chữa trị, theo một nghiên cứu của Pharma Futures (được trích lại trong Báo cáo 2013 của GSK).

Đó là lý do khiến ông Liu Xianquan, giám đốc Trường Luật thuộc Đại học Khoa học chính trị và luật của ĐH Đông Hoa, phải lên tiếng cho rằng: “Nhà chức trách y tế Trung Quốc nhất thiết phải sửa đổi hệ thống mua sắm thuốc men và thiết bị, vốn đang có một lỗ hổng lớn”.

Tất nhiên, GSK nay cũng cùng hòa giọng: “GSK không dung thứ bất cứ hành vi nào như thế. GSK chia sẻ mong muốn của giới hữu trách Trung Quốc là đánh bật gốc nạn tham nhũng. Các cáo buộc đó rất đáng xấu hổ và chúng tôi tiếc rằng điều đó đã xảy ra”.

 

HỮU NGHỊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên