Hoa hậu H'Hen Niê (trái) tặng áo kỷ niệm cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ - Ảnh: L.ĐIỀN
Đây là một phần trong chương trình tiếp nhận hiện vật liên quan đến cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua.
Cùng với hoa hậu H’Hen Niê còn có Nghệ sĩ nhân dân Kim Xuân, trao tặng cho bảo tàng bộ áo dài cô đã mặc trong lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần thứ IX vào ngày 29-8-2019 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Nghệ sĩ nhân dân Kim Xuân trao tặng hiện vật cá nhân cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
Hoa hậu H’Hen Niê dịp này cũng trao tặng một bộ áo dài của cô, góp vào bộ sưu tập áo dài của nhiều nhân vật tên tuổi đang được lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.
Bên cạnh đó, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đợt này còn tiếp nhận nhiều hiện vật từ những tập thể, cá nhân cùng trong chủ đề phòng chống dịch COVID-19 từ các bác sĩ, thầy giáo, nhà khoa học, doanh nghiệp, đặc biệt có em Trần Trọng Nhân - cháu nội Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai, đại diện Nhóm tình nguyện tham gia nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 của CLB Truyền thống kháng chiến Khối Vũ trang - biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định - tặng một số đồ dùng tham gia cứu trợ COVID-19.
Các hiện vật này sẽ được Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tập hợp hình thành chuyên đề trưng bày "Những đóa hồng nơi tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19" dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 10-2022 tới đây, nhân kỷ niệm một năm ngày TP.HCM chuyển sang thời kỳ bình thường mới sau những tháng ngày giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong đại dịch.
Các cá nhân, tập thể tặng hiện vật cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ sáng 26-8 - Ảnh: L.ĐIỀN
Cùng trong sáng 26-8, bảo tàng cũng tổ chức chương trình giao lưu Sống tiếp ước mơ - lần 2 (lần 1 tổ chức năm 2017) với diễn giả là thân nhân của mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng lực lượng vũ trang từng đóng góp rất lớn trong chiến tranh Việt Nam.
Tại đây, cô Huỳnh Thị Minh Tâm kể lại câu chuyện của người mẹ là Mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Huê và cha là Huỳnh Văn Một, những đoạn hồi ức hào hùng và bi tráng. Từ nỗi đau của dòng họ có 13 người bên nội bị giặc tàn sát, cô đã sớm theo cách mạng, rồi đến người em sau ngày thống nhất cũng vào bộ đội chiến đấu ở chiến trường K và anh dũng hy sinh.
Bản thân cô Minh Tâm nguyên là chủ tịch Hội Chữ thập dỏ TP.HCM, hiện nay vẫn còn theo đuổi các chương trình hỗ trợ học sinh vùng sâu vùng xa học nghề và giáo dục lý tưởng chính trị qua Quỹ Hỗ trợ giáo dục và tài năng thể thao học đường TP.HCM...
Hay nhà văn, họa sĩ Bùi Quang Lâm xuất hiện trong vai trò anh ruột của liệt sĩ Bùi Thanh Tùng - người đã tiếp bước anh vào chiến trường K và ngã xuống trong một bãi mìn "như rải thóc" đến nỗi không tìm được thi thể.
"Trước khi vào bộ đội, em tôi đạp ba gác, khi nghe tôi từ chiến trường về kể chuyện chiến tranh, em nói: Anh vào trận được thì em cũng vào trận được... Nhưng rồi sau khi hết chiến tranh, gia đình chúng tôi quay lại cung đường em đã đi, đến vị trí bãi mìn em đã gặp nạn, chỉ để cúng và xin một nắm đất về thờ chứ không còn thi thể...", nhà văn Bùi Quang Lâm nói trong nghẹn ngào.
Hai diễn giả tiếp theo là hai mẹ con bà Đặng Thị Thiệp và ông Trần Vũ Bình là vợ và con của Anh hùng Lực lượng vũ trang, chiến sĩ biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai. Bà Thiệp kể chuyện vào vai vợ bé của ông tỉ phú Mai Hồng Quế mua nhà giữa lòng Sài Gòn để đào hầm giấu vũ khí.
Còn ông Trần Vũ Bình chia sẻ nỗi ám ảnh từ tuổi bé thơ: "Năm anh em tôi bị nhốt trong nhà, không được tiếp cận hàng xóm, không biết bên ngoài người ta sống như thế nào... Có đi học thì bị chúng bạn nói tụi tôi là con hoang bởi vì khai sanh của tôi để cha là vô danh, bị người ta nói mẹ là người giật chồng người khác...".
Nhưng quả ngọt của hoàn cảnh éo le độc đáo ấy là ông Trần Văn Lai sau ngày thống nhất đã kịp dặn con mình giữ gìn ngôi nhà được "mua cho vợ bé" (tức bà Đặng Thị Thiệp, kỳ thực là nơi chôn giấu vũ khí). "Nhờ đó mới giữ được một di tích cách mạng còn nguyên vết đạn, là di tích quốc gia được công nhận cùng lúc với Dinh Độc Lập", ông Trần Vũ Bình tâm sự.
Bốn diễn giả giao lưu Sống tiếp ước mơ, thứ 2 từ phải qua: Bà Huỳnh Thị Minh Tâm, bà Đặng Thị Thiệp, ông Bùi Quang Lâm, ông Trần Vũ Bình - Ảnh: L.ĐIỀN
Dịp này, nhà văn Bùi Quang Lâm cũng trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ 100 quyển truyện Nồi đất - tác phẩm thuật tả một phần góc khuất của chiến tranh Việt Nam trong lòng đô thị Sài Gòn.
Được gợi ý đưa ra lời nhắn nhủ với thế hệ đàn em của thành phố hôm nay, ông Bùi Quang Lâm chia sẻ: "Lớp trẻ bây giờ hơn thế hệ trước nhiều lắm, các bạn có sức khỏe tốt sẽ có hoài bão ước mơ, sống trong hòa bình thì phải giữ gìn, biết khát vọng và đừng đứng ngoài cơ hội, cứ mạnh dạn thực hiện ước mơ của mình".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận