Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh trân trọng cơ thể và sống lành mạnh hơn sau khi đăng ký hiến tạng - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sau khi đăng ký hiến tạng, mình thấy yêu đời hơn.
Hoa hậu ĐỖ MỸ LINH
Đỗ Mỹ Linh (24 tuổi) cũng chính là hoa hậu nhân ái tại cuộc thi Hoa hậu thế giới 2017. Là người tâm huyết với các hoạt động thiện nguyện, cô quyết định đăng ký hiến tạng khi đang là người đồng hành cùng cuộc thi Hoa hậu thế giới Việt Nam 2019. Quyết định đó đã giúp thay đổi cuộc đời cô nhiều hơn chính cô hình dung.
Phép mầu có thật
Trò chuyện với Tuổi Trẻ sau khi đăng ký hiến tạng, Mỹ Linh đang trong những ngày tham gia Festival hoa Đà Lạt, sự kiện có cả khách mời là Hoa hậu thế giới 2013 Megan Young. Cô đang vừa là biên tập viên của Đài truyền hình Việt Nam vừa liên tục được mời đi sự kiện. Bận rộn như vậy, Mỹ Linh cho biết đã luôn cố gắng giữ gìn sức khỏe nhờ động lực to lớn từ việc hiến tạng.
"Nhờ đăng ký hiến tạng, tôi có ý thức sống lành mạnh hơn. Tôi luôn nhớ rằng cơ thể này không còn là của riêng mình, mà có thể còn được dùng để cứu lấy những sinh mạng khác. Gìn giữ cơ thể khỏe mạnh, lành lặn phải là ưu tiên hàng đầu" - Mỹ Linh chia sẻ.
Với cô, việc có thể truyền sự sống cho người khác bằng việc hiến mô, tạng nghe kỳ diệu như một phép mầu "nhưng lại hoàn toàn có thật". Câu chuyện của cô bé Hải An cũng chính là một phép mầu có thật như thế, đã khơi gợi cảm hứng cho cô.
Một trong những trở ngại lớn nhất trong việc vận động hiến mô tạng là quan niệm "người hiến ra đi với cơ thể không lành lặn", hay nói cách khác là "chết không toàn thây". Bản thân Mỹ Linh khi kêu gọi hiến tạng vào tháng 7 cũng vấp phải rất nhiều lời bình luận không hay như: "Đang lành lặn lại thích cắt xẻ cơ thể". Cô không dừng lại, nhưng hiểu rằng quan niệm về vấn đề này không thể thay đổi trong ngày một ngày hai.
"Hiến tạng không đáng sợ như mọi người nghĩ. Hiến tạng chỉ được thực hiện khi người đó mất đi và cũng không phải cắt xẻ gì ghê gớm. Đôi khi bộ phận ta hiến là rất nhỏ bé. Chọn bộ phận nào để hiến phụ thuộc vào mong muốn của chính chúng ta, không ai ép buộc. Sau khi đăng ký, mình cũng sống và hoạt động bình thường như mọi người, thậm chí còn lành mạnh và yêu đời hơn" - hoa hậu giải thích.
"Các bạn trẻ ngày nay hiện đại và tử tế"
Hoa hậu Mỹ Linh tự hào khi không chỉ cô mà các nghệ sĩ lâu năm, có uy tín trong giới giải trí như diễn viên Quyền Linh, Việt Trinh, ca sĩ Ngọc Sơn, MC Hari Won, hoa hậu Ngọc Diễm... đều công khai đăng ký hiến tạng. Bên cạnh đó cũng có những nghệ sĩ làm việc này một cách âm thầm.
Với riêng mình, Mỹ Linh chọn công khai trên mạng xã hội và truyền thông, không phải để "lấy tiếng", mà do cô ý thức được sức ảnh hưởng của mình với công chúng. Cô hi vọng hành động của mình giúp nghĩa cử hiến tạng được chú ý hơn. Nhận được thông tin nhiều bạn trẻ đăng ký hiến tạng sau lời kêu gọi của mình, hoa hậu thấy vui và tự hào.
"Các bạn trẻ ngày nay rất hiện đại và luôn hướng về những điều tử tế. Tôi hi vọng mỗi người với sức mạnh của chính mình có thể kêu gọi thêm được nhiều người tham gia hiến tạng. Nếu tôi kêu gọi được 10 người, mỗi người trong đó lại kêu gọi được 10 người nữa thì hành động này sẽ lan tỏa theo cấp số nhân" - cô chia sẻ.
Mỹ Linh cũng vượt qua được một thử thách rất lớn là không những thuyết phục được mẹ ủng hộ mình, mà còn "rủ mẹ cùng hiến tạng". "Với việc hiến tạng, tôi tin rằng chúng ta không chỉ sống trong tim người thân của mình mà còn sống với một tâm hồn khác, một cuộc đời khác" - cô nói.
Chiến sĩ mũ nồi xanh đăng ký hiến tạng trước khi sang Nam Sudan
Lê Trọng Nghĩa - người lính mũ nồi xanh đang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Gần hai tuần trước khi lên đường sang Nam Sudan, người lính mũ nồi xanh Lê Trọng Nghĩa (36 tuổi, quê Bắc Ninh) đã thực hiện một điều đặc biệt: đi đăng ký hiến tạng tại Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia. Từ Bentiu (Nam Sudan), anh kể cho chúng tôi nghe hành trình của mình.
Từ một cán bộ y tế tại Bệnh viện Quân y 354, anh đã tình nguyện đăng ký tham gia chương trình huấn luyện của Bệnh viện dã chiến cấp 2 để sang Sudan làm nhiệm vụ hỗ trợ y tế. Việc chuẩn bị cho chuyến công tác dài 14 tháng ở đất nước châu Phi khắc nghiệt này kéo dài suốt nhiều năm. Từ đầu năm 2014, anh đã tham gia rất nhiều hoạt động tập huấn, dã ngoại, thực hành diễn tập tổng hợp, phẫu thuật cứu chữa cơ bản trong và ngoài nước. Đến năm 2017, anh được luân chuyển quân số, chính thức huấn luyện Bệnh viện dã chiến trong thời gian hai năm. Việc đi đăng ký hiến tạng chính là chuẩn bị cuối cùng cho chuyến đi này.
"Khi mọi việc trong kế hoạch huấn luyện tiền triển khai bệnh viện dã chiến ở Học viện Quân y cơ bản hoàn thành, tôi quyết định đi đăng ký hiến mô, tạng. Mong muốn của tôi là nếu không may qua đời, tôi xin được hiến tặng tất cả bộ phận cơ thể của mình cho người cần đến nó - anh chia sẻ - Nhiều người cho đó là hi sinh, nhưng tôi nghĩ việc hiến mô tạng cũng là ích kỷ, khi qua đời rồi vẫn còn muốn các bộ phận trong cơ thể của mình tiếp tục được hoạt động, được sống và cống hiến cho xã hội. Trở về cát bụi rồi thì nhà cửa, tiền bạc, quần áo đẹp, thức ăn ngon... không phải là của mình nữa. Hãy trao yêu thương để lan tỏa yêu thương và lòng nhân ái giữa con người với con người".
Anh cho biết Bệnh viện dã chiến cấp 2 của anh nằm ở Phái bộ Unmiss của Liên Hiệp Quốc, xung quanh là lực lượng mũ nồi xanh các nước Anh, Ấn Độ, Thái Lan, Mông Cổ, Campuchia, Ghana, Kenya... cùng làm các nhiệm vụ của Liên Hiệp Quốc. Thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ trong ngày có thể thay đổi từ 17 - 50 độ C. "Trong tháng đầu sang đây, bệnh viện đã tiếp nhận gần 200 lượt bệnh nhân tới khám. Tôi làm ở khu vực tiếp đón bệnh nhân nên khá bận rộn" - anh kể.
V.THỦY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận