25/02/2025 14:47 GMT+7

Hoa hậu Bùi Bích Phương sốc khi nghe tin nhà thơ Dương Kỳ Anh qua đời

Thông tin nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh tức Dương Xuân Nam - nguyên tổng biên tập báo Tiền Phong, người khai sinh cuộc thi Hoa hậu Việt Nam - ra đi vào một sáng mùa xuân mưa lạnh khiến không ít bạn bè, người thân cảm thấy sốc và tiếc thương.

Vĩnh biệt nhà thơ Dương Kỳ Anh, người ra đi trong một sáng mùa xuân rất lạnh - Ảnh 1.

Nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh - Ảnh: Báo Tiền Phong

Nhà thơ Dương Kỳ Anh mất lúc 8h30 sáng nay (25-2) sau một thời gian bệnh tật, hưởng thọ 77 tuổi.

"Anh luôn nhắc phải sống xứng danh hiệu"

Nghe tin nhà báo Dương Kỳ Anh qua đời, hoa hậu Bùi Bích Phương "bàng hoàng và sốc, không tin nổi là sự thật", "anh là một người thầy, người anh lớn trong cuộc đời tôi", chị nói.

Bích Phương là hoa hậu đầu tiên của cuộc thi Hoa hậu Hội báo Tiền Phong, tiền thân của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam sau này.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, hoa hậu Bích Phương xúc động: "Bố mẹ đã cho tôi cái tên khai sinh là Bùi Bích Phương; còn anh Dương Kỳ Anh và báo Tiền Phong đã sinh ra và đặt tên tôi là Hoa hậu Bùi Bích Phương".

Bích Phương cho biết sau cuộc thi hoa hậu đầu tiên đó, chị có may mắn được làm việc, đồng hành với nhà báo Dương Kỳ Anh trong nhiều cuộc thi người đẹp khác.

"Trong công việc, đó là một người cực kỳ nghiêm túc, chuyên nghiệp, tận tụy, sống cống hiến. Ngoài đời lại quá đỗi bình dị. Ở anh có một nguồn năng lượng tích cực, trẻ trung, đặc biệt lãng mạn, yêu thơ ca", Bích Phương nói "năm ngoái gặp nhau, anh còn khuyên tôi dùng cái gì để có thể trạng tốt nhất".

"Anh luôn nhắc chúng tôi phải sống đẹp, có những hành động thiết thực, đóng góp cho cộng đồng, lan tỏa vẻ đẹp toàn diện của người phụ nữ Việt Nam, tôn vinh các giá trị công - dung - ngôn - hạnh, vừa có trí thức vừa có chiều sâu tâm hồn, xứng đáng với danh hiệu hoa hậu", chị nhớ lại.

Nhớ lại những lần chấm thi các cuộc thi hoa hậu cùng nhà báo Dương Kỳ Anh, Bích Phương kể có những cuộc thi, ban giám khảo chịu không ít áp lực từ các cá nhân, thậm chí những người có tiếng nói, có ảnh hưởng nên càng vào vòng trong, anh càng căng thẳng.

"Nhưng một điều ở anh khiến tôi rất nể. Đó là anh cực kỳ công tâm. Với những gương mặt tiềm năng, có triển vọng, anh phân tích, mổ xẻ từng chút một, đồng thời cũng rất tôn trọng ý kiến từng thành viên".

Vĩnh biệt nhà thơ Dương Kỳ Anh, người ra đi trong một sáng mùa xuân rất lạnh - Ảnh 2.

Nhà báo Dương Kỳ Anh (phải) và người đẹp Hà Kiều Anh tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 1992 - Ảnh tư liệu

Đắm đuối thơ ca

Nhà thơ Bình Nguyên Trang có gần 2 năm làm việc ở báo Tiền Phong nhưng luôn ấn tượng về ông Dương Kỳ Anh là một người làm nghề cần mẫn, khiêm tốn, nhiều ý tưởng sáng tạo.

Khi cử chị đi phụ trách văn phòng thường trú, ông bảo: "Dù vất vả nhưng một nhà báo trẻ cần phải đi nhiều và chắc chắn em sẽ trưởng thành rất nhanh".

Năm ngoái, Bình Nguyên Trang ra tập thơ Đêm hoa vàng. Nhà thơ Dương Kỳ Anh đã đọc và viết một bài chia sẻ khiến chị rất xúc động.

"Khi tôi gọi điện cảm ơn, ông còn nhắc về những kỷ niệm hồi tôi ở báo Tiền Phong và hai anh em cùng cười vui vẻ. Tôi đâu biết lúc đó ông đã bị bệnh trọng nhưng ông luôn giấu mọi người và lúc nào cũng thể hiện một tinh thần lạc quan", Bình Nguyên Trang nói "vĩnh biệt nhà thơ của quê hương Hà Tĩnh; tin ông đi vào một ngày mùa xuân mưa lạnh đối với nhiều bạn bè là rất đột ngột".

Vĩnh biệt nhà thơ Dương Kỳ Anh, người đắm đuối cái đẹp, ra đi trong một sáng mùa xuân rất lạnh - Ảnh 4.

Bài đăng cuối cùng trên trang Facebook cá nhân của ông lại là bài chia sẻ về thơ - Ảnh: FBNV

Nhiều người vẫn nhắc đến ông ở vai trò nhà báo, người khai sinh cuộc thi hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất nhưng với Bình Nguyên Trang, chị chia sẻ với ông ở góc độ thơ ca. 

Và ở góc nào, ông cũng là một người yêu và đắm đuối với cái đẹp, với cuộc sống.

"Ông là một người say mê công việc cầm bút. Không chỉ làm thơ mà còn viết tiểu thuyết, bút ký. Nhưng thơ có lẽ vẫn là mảnh đất mà ông tâm huyết nhất", Bình Nguyên Trang nói với Tuổi Trẻ Online.

Với chị, thơ ông không cầu kỳ và ông không phải người chuộng hình thức cho thơ. Thơ của ông chính xác là "tiếng lòng" của người cầm bút.

Như ông chia sẻ: "Thơ là điệu tâm hồn đến với những tâm hồn đồng điệu" như một nhà thơ nổi tiếng ở xứ ta đã viết. Nếu như trong văn xuôi, nhất là tiểu thuyết, nhà văn thành công khi xây dựng được những nhân vật điển hình như Chí Phèo, Thị Nở... thì trong thơ phải là "những tâm trạng điển hình" để người đọc đồng cảm, tìm thấy mình trong đó...".

Theo Bình Nguyên Trang, có lẽ vì quan niệm đó mà thơ của Dương Kỳ Anh luôn để lại cho bạn đọc ấn tượng về sự chân thật. Ông viết về những điều nhỏ bé, những suy nghĩ sâu kín trong tâm hồn với một bút pháp nhẹ nhàng và thấm thía.

Với ông, thơ phải luôn "đồng nhất với nhà thơ". Ông cho rằng ngoài tài thơ trời cho, nhà thơ còn phải sống thế nào, yêu thế nào, trung thực thế nào, khao khát thế nào mới có thể viết ra được những câu thơ rung động lòng người, để người đọc thơ tìm đến với thơ.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh tên thật là Dương Xuân Nam, quê Hà Tĩnh.

Ông là nguyên tổng biên tập báo Tiền Phong, là người khai sinh cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam.

Ông từng được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì.

Lễ viếng nhà thơ, nhà báo Dương Xuân Nam diễn ra từ 12h đến 13h ngày 26-2 tại Nhà tang lễ quốc gia, Hà Nội.

Lễ truy điệu và di quan vào hồi 13h00 đến 13h30 cùng ngày. Hỏa táng và an táng tại Công viên tưởng niệm Thiên Đức, Phú Thọ.

Vĩnh biệt nhà thơ Dương Kỳ Anh, người đắm đuối cái đẹp, ra đi trong một sáng mùa xuân rất lạnh - Ảnh 5.Sử gia Lê Thành Khôi qua đời ở tuổi 102

Trên Facebook cá nhân, nghệ sĩ nhạc jazz nổi tiếng Nguyên Lê vừa thông báo tin buồn, cha ông, nhà sử học lừng lẫy - GS Lê Thành Khôi qua đời ở tuổi 102 tại Paris, Pháp.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên