31/03/2016 15:36 GMT+7

Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu: nghi ngại danh xưng

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - Sự ra đời của Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2016 có thể sẽ tạo “tiền đề” cho nhiều cuộc thi người đẹp đang nhăm nhe muốn “nâng cấp” thương hiệu của mình lên thành “Hoa Hậu” dựa trên kẽ hở của nghị định 79.

Từ trái qua: Á hậu 3 Hoa hậu Quốc tế 2015 Thuý Vân, Hoa khôi thể thao 1995 Thu Hương, Á hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh 2012 Hoàng Oanh và Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân trong buổi giới thiệu Hoa hậu bản sắc Việt toàn cầu 2016 sáng 31-3 - Ảnh Minh Trang
Từ trái qua: Á hậu 3 Hoa hậu Quốc tế 2015 Thúy Vân, Hoa khôi thể thao 1995 Thu Hương, Á hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh 2012 Hoàng Oanh và Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân trong buổi giới thiệu Hoa hậu bản sắc Việt toàn cầu 2016 sáng 31-3 - Ảnh: Minh Trang

Sáng 31-3 tại TP.HCM, Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2016 công bố về thời gian tổ chức cuộc thi, sau lần họp báo giới thiệu vào hồi đầu tháng 3 tại Hà Nội. 

Theo đó, đêm chung kết của cuộc thi diễn vào đêm 24-7 tại Sầm Sơn, Thanh Hoá và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV6. 

Lo ngại danh xưng

Kể từ khi giới thiệu về kế hoạch tổ chức cuộc thi Hoa hậu bản sắc Việt toàn cầu vào tháng 3-2016, cuộc thi đã làm dấy lên nhiều ý kiến lo ngại về việc “lách luật” dựa theo nghị định 79 của chính phủ quy định rõ: mỗi năm chỉ được cấp phép không quá hai cuộc thi hoa hậu.

Trong năm 2016, có hai cuộc thi sắc đẹp mang tính chất toàn quốc được Bộ VH-TT&DL cấp phép là cuộc thi Hoa hậu Biển VN và Hoa Hậu Việt Nam. Vậy Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu thực chất về quy mô là cuộc thi ra sao? Và tại sao lại được cấp phép là một cuộc thi Hoa hậu?

Vấn đề này được ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL trả lời trước đó là bởi Hoa hậu bản sắc Việt toàn cầu có yếu tố quốc tế, và điều này hoàn toàn nằm trong quy định của nghị định 79. Theo đó đối với cuộc thi người đẹp quốc tế tổ chức tại Việt Nam, Bộ VH-TT-DL sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể của từng năm để xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, trong buổi công bố sáng 31-3, trả lời cho câu hỏi tính quốc tế của cuộc thi này được thể hiện đến mức độ nào? Ví dụ, trong đầu vào tuyển sinh của cuộc thi phải đảm bảo 50% số thí sinh tham gia phải đến từ nước ngoài (theo quy định của Bộ VH-TT-DL tham khảo từ các cuộc thi quốc tế), nhưng tỉ lệ này có được đảm bảo sẽ duy trì cho đến đêm chung kết của cuộc thi?

Ông Lê Minh Tuấn - trưởng phòng quản lý biểu diễn của Cục nghệ thuật biểu diễn trả lời điều đó phụ thuộc vào chất lượng của thí sinh dự thi mà thôi.

Liệu có gì khác biệt?

Bà Mi Lan - đại diện cho đơn vị tổ chức cuộc thi là công ty FLC cũng nhấn mạnh: Hoa hậu bản sắc Việt toàn cầu chỉ cần thí sinh có gốc Việt Nam (ông bà, bố mẹ… người Việt) và không phân biệt họ đang mang quốc tịch nào, do vậy hi vọng sẽ thu hút được một lượng thí sinh đông đảo và đa dạng hơn cho lần tổ chức đầu tiên này.

Câu trả lời của đại diện Cục nghệ thuật vẫn chưa làm thoả lòng người quan tâm bởi nếu không giữ được tỉ lệ 50/50 các thí sinh quốc tế đến đêm chung kết, thì cuộc thi này liệu có khác biệt gì so với các cuộc thi người đẹp đã tổ chức trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam?

Thực tế, rất nhiều cuộc thi tuyển chọn sắc đẹp trong cả nước phải đổi tên thành cuộc thi Hoa khôi, thi Người đẹp để tránh những vi phạm dựa trên nghị định 79.

Sự ra đời của Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2016 có thể sẽ tạo “tiền đề” cho nhiều cuộc thi người đẹp đang nhăm nhe muốn “nâng cấp” thương hiệu của mình lên thành “Hoa Hậu” dựa trên kẽ hở của nghị định 79.

Cuộc thi dự kiến được tổ chức định kì 2 năm/lần. Ngoài ra, Hoa hậu bản sắc Việt toàn cầu 2016 sẽ được đào tạo để tham dự cuộc thi Miss Globe International được tổ chức tại Trung Quốc vào tháng 11 năm nay.

Tổng giải thưởng của cuộc thi Hoa hậu bản sắc Việt toàn cầu 2016 trị giá hơn 2 tỉ đồng.

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên