Phóng to |
Hoa Hải đường |
Cứ một nụ hải đường to bằng đầu ngón tay sẽ được tính giá 1.400 đồng. Tùy theo cành nhỏ hay lớn, ít hay nhiều hoa mà chúng có thể có từ mười mấy đến 50-60 nụ. Tính ra có những cành giá bán trên 100.000 đồng. Và chúng đã được đặt mua hết.
Lộc thắm ngày Tết
Ông Nguyễn Xuân Hội, một nông dân chuyên trồng hoa hải đường ở thôn Đồng Bùa (xã Tam Quan, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) khoe hầu hết những người dân ở xã Tam Quan có trồng hải đường đều đã bán hết hoa trong vườn mình. “Nhà tôi năm nay chỉ bán cành, còn cây để làm giống. Nhưng trong vùng này cũng có nhiều hộ bán nguyên cả cây. Những cây cao chừng 2m rất được người Hà Nội chuộng và tại đây bán được 1-1,5 triệu đồng/cây”.
Những bông hải đường màu đỏ hồng to như hoa hồng, cánh hoa dày và mịn màng, nhụy vàng trông thật bắt mắt. Màu đỏ của hoa tượng trưng cho may mắn năm mới, đặc biệt có thể giữ tươi suốt 20 ngày nên rất được yêu thích. Thôn Đồng Bùa là nơi có trồng nhiều hoa hải đường nhất, ngoài ra hoa còn được trồng rải rác ở các xã nằm dưới chân núi Tam Đảo.
Người dân ở đây thường trồng hải đường khắp nơi trong vườn nhà, bên tường rào, và những cây hải đường đẹp nhất, cao to nhất là những cây ngay trước sân. Đứng từ ngoài cánh đồng nhìn vào, nhà bà Hồ Thị Lý như chìm trong vườn hải đường. Chúng cao cỡ ngang đầu người và đều tăm tắp. Cứ như những cây đào, cây mận cũng đang khoe sắc ở những vùng miền khác vậy. Bà Lý cười rất tươi: “Tôi thích bán cả cây hơn. Những cây này tôi ươm từ năm ngoái và bán được từ vài trăm ngàn đến triệu đồng/cây”.
Cổ tích hải đường
Phóng to |
Chăm sóc cho Hải đường |
Đáng “ngưỡng mộ” nhất là vườn hải đường khoảng ba trăm gốc của ông Nguyễn Xuân Chữ, tại thôn Đồng Bùa. Mỗi cây hải đường gồm 5-6 cành to mọc chĩa ra từ gốc. Có cây như cổ thụ, cao tới 4-5m, và mọc san sát nhau, vươn cao lên tận đỉnh núi sau ngôi nhà, tạo thành một cánh rừng hải đường rực rỡ.
Theo ông Hội, tết này "rừng" hoa hải đường của ông có thể mang lại 40-50 triệu đồng, chỉ bằng việc bán cành. Những cây hoa hải đường được gia đình ông Chữ gìn giữ suốt mấy chục năm nay cũng là minh chứng cho một câu chuyện như cổ tích: một loại cây dại trong rừng bỗng dưng lột xác trở thành hoa cảnh được ưa chuộng và đem lại nguồn thu đáng kể cho người nông dân nơi đây.
Hôm chúng tôi đến ông Chữ đi vắng, nhưng người em trai - ông Nguyễn Xuân Hội, có thể kể hoài không chán câu chuyện này, nó vẫn bất ngờ như mới diễn ra hôm qua: “Gia đình tôi cùng nhiều người khác lên đây xây dựng vùng kinh tế mới từ những năm 1960. Từ hồi đó vùng này đã có một loại cây như cây chè, cao to và nở hoa rất đẹp. Trẻ con đi rừng hay hái hoa chơi và chặt cây làm củi vì chúng đun rất nỏ (dễ cháy). Rồi người ta thường trồng làm cảnh trong vườn nhà vì chúng dễ sống. Còn ngày lễ tết thì hái hoa cắm trong nhà vì hoa màu tươi thắm, như mang lại lộc xuân…”.
Chuyện cây hải đường từ núi rừng về phố như tô thêm màu sắc cho cuộc đời rất phong phú và lắm chuyện bất ngờ này. Tuy nhiên người mua phải hết sức cẩn thận kẻo bị lừa: “Có một số người bán không thật thà lắm - ông Hội kể. "Họ lợi dụng việc hoa hải đường tươi lâu nên mua nụ hoa rời rồi dùng keo dán rất tinh vi trên cành. Những nụ này thường sẽ không nở được và bị tàn sau mấy ngày. Chính vì vậy khi mua hoa, khách hàng nên xem xét thật kỹ để có niềm vui trọn vẹn ngày tết”. |
Cứ thế, những người dân nơi đây như ông Hội, ông Chữ, bà Lý… có thêm tiền xây nhà, mua xe máy, cho con cái ăn học. Họ vẫn trồng lúa, trồng ngô ngoài ruộng, còn vườn nhà đất cao, khan nước thì trồng hải đường và nhiều loại cây cảnh khác. Có những gia đình như ông Nguyễn Xuân Sâm, từ chỗ trồng hải đường, nay chuyển sang làm đại lý gom hoa bán khắp nơi.
Tam Quan cũng là nơi cung cấp giống hải đường cho nhiều vựa cây cảnh ở phía Bắc, mà nổi tiếng nhất là vùng Nam Định, để rồi mang hoa đi khắp cả nước. Và rất có thể mấy chậu hay cành hoa hải đường bạn vừa mua ở Sài Gòn được ươm mầm từ vùng xa xôi Tam Đảo cách đây hơn một ngàn cây số.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận