Vùng đất chiêm trũng giàu truyền thống văn hóa này đã sản sinh ra những nghệ nhân làm hoa giấy. Với đôi tay khéo léo của mình, họ đã mang đến hương xuân cho phố phường.
Người chẳng bỏ hoa
Phóng to |
Đôi tay khéo léo của người thợ Thanh Tiên đang miệt mài bên những cánh hoa đủ màu sắc |
Từ đầu ngõ dẫn vào làng, ngôi nhà trưởng thôn Nguyễn Hóa (50 tuổi) nhộn nhịp hẳn bởi những chuyến xe của người dân trong thôn đến mua sĩ hoa giấy mang lên thành phố bán. Trong căn nhà nhỏ hẹp của mình, người thợ Nguyễn Hóa đang say sưa bên từng cánh hoa giấy, hoa gỗ. Đôi tay thoăn thoắt của ông không ngừng cho ra những cánh hoa đẹp.
Ông tâm sự: “Hoa giấy năm nay làng mình đã hồi sinh nên bán cũng được. Mấy năm trước phải mang xuống chợ bán, nay người ta tới tận nhà đặt làm rồi mua luôn. Bà con mừng lắm”. Từ công đoạn chắn đục, tạo nếp cho cánh hoa, là công đoạn quan trọng, công phu nhất để có một cánh hoa đẹp đều qua tay ông. Các công đoạn còn lại do người nhà của ông đảm nhận.
Thôn Thanh Tiên vẫn truyền nhau câu chuyện về nghệ nhân Nguyễn Hóa đưa sản phẩm của làng hoa đến với khách du lịch, với lễ hội festival. Từ mấy năm nay, người dân làng Thanh Tiên xem trưởng thôn Nguyễn Hóa như một ân nhân của làng nghề. Bằng đôi bàn tay khéo léo của mình, ông Hóa đã vực dậy nghề làm hoa giấy khi nó đang mai một dần.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất chiêm trũng Thanh Tiên, từ nhỏ nghệ nhân Nguyễn Hóa đã học được cách vót khuôn tre, tẩm màu, dán cánh hoa từ những người thân trong gia đình. Tuổi thơ của của ông lớn lên cùng những cánh hoa Thanh Tiên sặc sỡ màu sắc. Gia đình ông đã bốn đời nay gắn với nghề truyền thống làm hoa giấy. Đến đời nghệ nhân Nguyễn Hóa, trước sức cạnh tranh của các loại hoa kẽm, hoa nhựa từ Hà Nội, hoa giấy Thanh Tiên vẫn được duy trì song vị thế không còn như trước nữa.
Là người con của xứ Huế, nhìn làng hoa truyền thống của mình ngày càng lụi tàn dần mà chua xót. Đã bao đêm ông trăn trở cho tương lai làng nghề. Ông cho biết từ mấy chục năm trước, làng Thanh Tiên có trên 100 hộ sản xuất. Những năm nay, hoa giấy Thanh Tiên không còn giữ được vị thế độc tôn trong các nghi lễ thờ cúng và trang trí bàn thờ gia tiên của người dân xứ Huế, thay vào đó là hoa kẽm, hoa vải, hoa nhựa với ưu thế là bền hơn và có thể dùng thờ cúng cho năm sau. Để duy trì được làng nghề truyền thống không còn cách nào khác là phải phát huy những ưu điểm về màu sắc, tính cách truyền thống trên từng cánh hoa Thanh Tiên.
Đứng trước thực trạng đó, mặc dù thu nhập từ hoa giấy không là bao, gia đình gặp không ít khó khăn song ông vẫn không nản lòng. Từ những bước đầu tiên, nghệ nhân Nguyễn Hóa đã đi đến từng gia đình trong làng vận động không bỏ nghề làm hoa giấy; “lấy nghề nuôi nghề” mỗi lúc nông nhàn. Không chỉ vận động, ông còn bỏ nhiều thời gian lên thành phố Huế, vào ngõ ngách của từng chợ quê để tìm hiểu thị trường. Bên cạnh đó ông luôn khuyến khích tìm ra những ý tưởng làm cho hoa giấy bền hơn, đẹp hơn để có sức cạnh tranh với các loại hoa giả khác.
Trong một lần được cử ra Hà Nội tham quan các làng thủ công mỹ nghệ (TCMN) truyền thống, ông đã mang cách làm hoa gỗ về với người dân làng mình. Đến nay đã có hơn chục hộ gia đình trong thôn học cách làm hoa gỗ của ông. Điển hình là các hộ: Kim Đình Quyến, Phạm Thánh, Nguyễn Thành đều góp phần tạo nên sự phong phú về mẫu mã, chủng loại cho hoa giấy, hoa gỗ Thanh Tiên đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tín hiệu vui đầu tiên sau bao nỗ lực vực dậy làng hoa truyền thống, fesvival năm 2008, hoa giấy, gỗ Thanh Tiên đã có mặt trong cuộc thi sản phẩm TCMN làm hàng lưu niệm phục vụ du lịch Huế do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức. Trong cuộc thi này có 66 người tham gia với 360 mặt hàng TCMN truyền thống, với 12 nghệ nhân đoạt giải khuyến khích, trong đó có nghệ nhân Nguyễn Hóa.
Từ bước đầu thành công trong việc đưa các sản phẩm làng nghề vào phục vụ du lịch, hiện nay nghệ nhân Nguyễn Hóa đã đầu tư thêm các thiết bị, thử nghiệm sản xuất hoa gỗ bán ra thị trường trong nước. Ông tâm sự cho đến nay đã có nhiều hộ dân trong xã trở lại với nghề hoa giấy. Đây là bước thành công đầu tiên, tuy nhiên các mô hình làm hoa giấy vẫn còn manh mún lắm. Ngoài Thanh Tiên, các gia đình ở các thôn lân cận như Mậu Tài, Tiên Nộn cũng mở những mô hình làm hoa giấy với nhiều quy mô lớn nhỏ.
Hoa chẳng thể tàn...
Phóng to |
Hoa giấy Thanh Tiên xuống phố |
Từ lâu, hoa giấy Thanh Tiên đã gắn với đời sống tâm linh của người dân xứ Huế. Hằng năm cứ mỗi độ xuân về, hoa giấy Thanh Tiên lại theo chân những người dân trong làng dạo khắp phố phường. Để có những cánh hoa sặc sỡ màu sắc, những người thợ Thanh Tiên phải chuẩn bị các công đoạn từ mùa khô mấy tháng trước. Đến tháng 9-10 (âm lịch) hằng năm, các nghệ nhân bắt đầu chọn những cây tre tốt trong làng đem chẻ nhỏ, vót mỏng phơi khô làm cuống hoa.
Nghề làm hoa giấy cũng công phu, đòi hỏi tính kiên trì không kém gì trồng hoa tươi. Những cành hoa, cuống hoa được phơi kỹ trong mấy tháng mùa khô, sau đó được đem tẩm phẩm màu. Phẩm màu có thể là các hợp chất hoặc được chiết xuất từ các loại cây cỏ trong làng, tạo nên một thứ màu sắc đặc trưng không lẫn được của hoa giấy Thanh Tiên. Giấy làm hoa có thể do những người thợ tự nhuộm bởi những màu sắc tự nhiên mà mỗi gia đình có một bí kíp riêng. Ngày nay, rất ít gia đình trong làng sử dụng phương pháp này. Giấy làm hoa chủ yếu là các loại giấy màu bán sẵn với các màu sắc khác nhau.
Ông Nguyễn Văn Giáo, chủ tịch UNBD xã Phú Mậu, cho hay đến nay cả làng chỉ còn khoảng 30 hộ theo nghề, song nỗ lực của những nghệ nhân đã tạo cho hoa giấy Thanh Tiên một luồng sinh khí mới. "Muốn duy trì được làng nghề truyền thống phải phát huy yếu tố văn hóa bản địa. Và cũng mong các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa để hoa giấy Thanh Tiên trở thành một sản phẩm TCMN truyền thống góp phần làm phong phú thêm cho văn hóa cố đô" - ông nói. |
Hoa giấy Thanh Tiên chủ yếu làm thủ công. Các công đoạn từ vót tre, tẩm màu, cắt cánh hoa, nhụy hoa… đều sử dụng đôi tay khéo léo của người thợ. Họ sử dụng một loại đục có nhiều khuôn hình khác nhau với các mẫu đài hoa, búp hoa, cánh hoa, xếp chồng giấy lên nhau rồi chắn đục làm ra các sản phẩm theo ý mình.
Công đoạn cuối cùng là tạo nếp nhăn trên hoa, tạo sự sống động cho cánh hoa như hoa thật và kết hoa lại thành từng cành, mỗi cành từ 9-10 bông hoa.
Nghề làm hoa giấy Thanh Tiên ngoài sự khéo léo còn phải có con mắt thẩm mỹ. Họ phải không ngừng đổi mới mẫu mã để có sức cạnh tranh với các loại hoa khác đang tràn ngập thị trường.
Bác Phạm Thị Loan, một hộ dân làm hoa giấy lâu năm, cho hay: “Mỗi năm đến ngày tết mỗi gia đình ở Thanh Tiên làm 2.500-3.000 cặp. Tuy hiện nay số hộ trong làng làm hoa giấy không còn nhiều như trước song chúng tôi vẫn tìm cách giữ lấy nghề của cha ông”.
Với ưu thế làng nghề hơn 300 năm tuổi, hoa giấy Thanh Tiên đang nỗ lực ngày càng làm mới mình. Mỗi năm, chỉ có một lần hoa Thanh Tiên được “vinh danh”. Song đã từ lâu loại hoa này đã gắn với nếp sống tâm linh của người dân đất Thần kinh nói riêng và người dân Việt nói chung. Mỗi độ xuân về, bên cạnh sự nhộn nhịp của phố phường, những người mẹ, người chị vẫn lặng lẽ kết từng cây hoa thật lớn từ 400-500 cành mang bán dạo khắp phố phường xứ Huế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận