Người dân giao dịch đổi ngoại tệ tại Ngân hàng Đông Á chi nhánh TP.HCM - Ảnh: Thanh Tùng |
Đã đến lúc phải có cơ chế để “tính đúng, tính đủ”, xem đó là đối sách quốc gia để mọi người không còn lo lắng, doanh nghiệp gặp khó khăn khi tỉ giá biến động - ông Trương Văn Phước, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đề nghị. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phước nói:
- Vụ ba tập đoàn nhà nước có khoản phát sinh cả chục ngàn tỉ đồng do chênh lệch tỉ giá phải dần đưa vào giá điện là điển hình cho thấy vấn đề tỉ giá chi phối chúng ta quá lớn.
Thời gian qua chúng ta luôn chịu lạm phát và lãi suất vay VND cũng rất cao. Vì thế doanh nghiệp phải vay vốn ngoại tệ lãi suất thấp nhưng chỉ thấp trên danh nghĩa. Bởi vốn ngoại tệ có nhược điểm là đang rẻ hóa đắt nếu tỉ giá biến động, lúc này mới là lãi suất thực vì ngoài lãi suất, bên vay còn phải trả thêm khoản chênh lệch tỉ giá.
Trong khi đó Nhà nước vì không muốn ảnh hưởng lớn đến người dân nên tạm thời chỉ tính lãi suất danh nghĩa, không tính đúng và kịp thời chi phí lãi vay gồm khoản tăng tỉ giá vào giá bán các mặt hàng quan trọng, trong đó có điện.
Đã là kinh tế thì một đồng cũng không bỏ đâu được, treo để đó rồi cũng phải tính cho đủ, khi tính đủ thì vẫn gây sốc. Vì vậy, đã đến lúc có cơ chế để khéo léo hóa giải tình trạng lời giả nhưng lỗ thật này.
Ông Trương Văn Phước - Ảnh: Việt Dũng |
“Không thể cứ giật mình mãi vì tỉ giá. Muốn chữa bệnh thì phải bắt bệnh và Bộ Tài chính là nơi phải bốc toa thuốc này |
Ông Trương Văn Phước |
* Theo ông, lạm phát thấp có phải là cơ sở để chúng ta chủ động hơn nhằm hạn chế tác động của biến động tỉ giá?
- Xu hướng lạm phát thấp đã rõ nét hơn nên tới đây có thể mạnh tay tính đúng và đủ vào giá các mặt hàng quan trọng. Điều này cũng phù hợp với việc đẩy mạnh lộ trình thị trường hóa giá điện, xăng dầu. Xử lý thế nào?
Bao lâu nay ta chỉ tính vào giá bán theo lãi suất rẻ, không tính đủ giá thành, khi phát sinh chênh lệch tỉ giá thì khó xử lý, đưa vào ngay một cục thì gây sốc, treo để đó thì lời giả lỗ thật. Cần điều chỉnh lại, có thể trích trước, cộng vào giá bán một khoản biến động tỉ giá để có quỹ dự phòng bù vào khi tỉ giá tăng.
Như vậy giá bán điện có nhỉnh hơn nhưng không gây ra tăng sốc. Khoản cộng thêm là bao nhiêu tùy vào dự báo và khả năng chấp nhận của người dân.
* Nếu làm được việc này thì người dân, doanh nghiệp sẽ được lợi gì?
- Phải xem vấn đề tính đúng, tính đủ này như là một đối sách mang tầm quốc gia. Bởi vấn đề phát sinh thêm nợ do tỉ giá có ở tất cả các ngành, doanh nghiệp. Khi chúng ta tính đủ chi phí vay vốn, không còn chuyện lỗ thật lãi giả, biết phân tán nó ra thì không có những lần tăng giá sốc, tốt cho nền kinh tế, cho người dân và mọi doanh nghiệp.
Bài học hoàn thiện cơ chế điều hành giá xăng dầu, từ chỗ tác động lớn đến tâm lý xã hội thì nay việc tăng giảm không còn là vấn đề nóng. Quan trọng là Bộ Tài chính phải hình thành cơ chế tính đủ chi phí vay vốn ngoại tệ chính xác, phải bao gồm lãi suất vay cộng với tỉ lệ tăng tỉ giá dự kiến và phân bổ sao cho phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế. Trong ba năm tới tỉ lệ này có thể là 3,5%.
* Ông đang đề nghị một cơ chế để doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro tỉ giá, nhưng người dân cũng đang tìm cơ chế này theo cách của họ, như sau mỗi đợt tăng tỉ giá, số người tìm mua ngoại tệ tăng lên. Vậy theo ông, cơ chế nào cho người dân?
- Người dân không vay ngoại tệ nên không lo rủi ro tỉ giá, nhưng họ lại lo cho tài sản của họ cũng bị mất giá khi tính theo USD và mua USD được xem là cách phòng ngừa rủi ro tỉ giá. Nhưng theo tôi, cách phòng ngừa tự phát đó đôi khi lại không có lợi.
Vì nhiều năm qua Nhà nước đã áp dụng nguyên tắc lãi suất VND luôn cao hơn lãi suất USD cộng với biến động tỉ giá để đảm bảo người giữ VND có lợi. Ngay năm 2011 tỉ giá tăng 9,7% nhưng lãi suất VND vẫn cao hơn, khi đó lên đến 14 - 15%/năm.
Hiện nay, lãi suất gửi USD là 0,75% cộng với mức tăng tỉ giá khoảng 5% trong khi lãi suất gửi VND là khoảng 6%. Có thể ở thời điểm tăng tỉ giá người dân cảm thấy giữ USD có lợi, nhưng tính trong chu kỳ dài hơi hơn thì không hẳn vậy. Nhưng cũng không phủ nhận là có tâm lý lo ngại khi tỉ giá biến động bởi thời gian dài chúng ta chịu lạm phát cao.
Vì thế cần phải giải thích cho mọi người hiểu về cơ chế bảo hiểm khi giữ VND và củng cố niềm tin vào VND. Không để xảy ra những vụ “lỗ ngàn tỉ do tỉ giá” cũng là cách để tạo ra lòng tin vào VND.
* Nhiều người nói rằng nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá nhân dân tệ thì VND cũng phải đi theo, có đúng thế không?
- Đó là suy diễn theo kiểu số học, nghe có lý nhưng không hợp lý. Từ năm 2010 đến nay VND mất giá 42%, trong khi nhân dân tệ tăng 35% so với USD. Kể cả tính lạm phát của ta cao hơn Trung Quốc trên 60% thì ta vẫn có lợi thế hơn trong hỗ trợ xuất khẩu. Vậy thì chúng ta đâu cần phải phá giá theo Trung Quốc để tăng xuất khẩu.
Hơn nữa, xuất khẩu còn tùy thuộc vào công nghệ, thị trường tiêu thụ. Trong lĩnh vực này, Trung Quốc có thế mạnh, doanh nghiệp chúng ta cần phải nỗ lực hơn, đâu thể cứ phá giá đồng tiền là bán được hàng. Cứ coi tỉ giá như một miếng xếp hình, xoay nó đi là đảo lộn tất cả, từ nợ nần đến giá cả, lạm phát, tăng trưởng kinh tế, công ăn việc làm...
* Các chuyên gia đang bàn đến khả năng tỉ giá VND/USD tăng thêm khi Mỹ tăng lãi suất USD, quan điểm của ông thế nào?
- Dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ họp vào ngày 16 và 17-9 để bàn về lãi suất USD. Cả thế giới đang hồi hộp chờ kết quả của cuộc họp này. Nếu điều đó xảy ra thì ai cũng muốn giữ USD, đồng USD sẽ tăng giá, có thể dẫn đến cuộc rượt đuổi tỉ giá và lãi suất của các đồng tiền - trong đó có VND - với USD.
Nhưng hiện lãi suất VND vẫn cao hơn so với USD và việc điều chỉnh mạnh tỉ giá VND/USD vừa qua cũng đã lường đến tình huống này. Hơn nữa, không thể để lãi suất VND và tỉ giá chạy theo USD vì sẽ gây khó cho người vay vốn trong nước. Tóm lại, đừng quá lo VND/USD khi tới đây Mỹ tăng lãi suất USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận