Buổi hòa giải giữa 33 hộ dân và 14 DN bị kiện ngày 22-6 đã bất thành - Ảnh: ĐÔNG HÀ |
Sau hơn một tháng nhận và thụ lý đơn, sáng 22-6, TAND TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đã tổ chức buổi hòa giải đầu tiên vụ 33 hộ ngư dân nuôi cá bè ở kiện 14 doanh nghiệp (DN) chế biến hải sản đòi bồi thường thiệt hại hơn 18 tỉ đồng.
Trong số các bị đơn, DN bị đòi bồi thường nhiều nhất là 4,1 tỉ đồng và DN ít nhất là 21 triệu đồng. Tuy nhiên buổi hòa giải đã không mang lại kết quả vì các DN không đồng ý với những chứng cứ khoa học cũng như số lượng thiệt hại của bà con ngư dân
Mối quan hệ nhân quả giữa xả thải - cá chết
Theo đơn khởi kiện của các hộ dân, nguyên nhân cá bè của họ vào tháng 9-2015, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng là do các doanh nghiệp chế biến hải sản đã xả nước thải ra cống số 6 rồi chảy ra lòng sông Chà Và.
Do đó, ngư dân kiện, yêu cầu các doanh nghiệp phải có trách nhiệm bồi thường.
Những con số thiệt hại cũng như nguyên nhân gây ra cá chết mà 33 hộ dân đưa ra và nộp cho tòa là dựa vào chứng cứ khoa học, có xác nhận của chính quyền.
Đó là các hợp đồng mua bán cá giống, thức ăn, kê khai ngay sau khi đợt cá chết đầu tiên xảy ra dưới sự chủ trì của cơ quan chức năng...
Tại buổi hòa giải, luật sư Hoàng Long Hà - người bảo vệ quyền lợi cho các ngư dân khẳng định 14 DN xả nước thải vào đầm nước. Khi có mưa to, đầm nước đầy, các DN đã xả nước từ đầm ra sông. Và chính độc tố trong nước thải đã hòa vào nước sông làm cá chết.
“Cơ quan chức năng đã mổ cá ra để khám nghiệm cho thấy hầu hết cá không dấu hiệu bị bệnh mà chết do chất độc là do chết ngộp. Đã có căn cứ để xác định cá chết do độc”, luật sư Hà nói.
Đại diện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - ông Nguyễn Thái Sinh, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường khẳng định: giữa việc xả thải và cá chết có mối liên hệ “nhân - quả”.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - cán bộ Viện môi trường và tài nguyên cũng khẳng định, nguyên nhân cá chết được đánh giá một cách khoa học, khách quan như nhiều nước trên thế giới làm. Trong đó, chủ yếu là do thiếu o xy mà không phải do bệnh lý.
Kết quả lấy mẫu nước sau khi cá chết đều cho thấy hàm lượng ô xy sinh hóa (BOD) trong nước ở vùng nuôi cá thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn.
Các ngư dân Long Sơn kiện 14 DN tại buổi hòa giải - Ảnh: ĐÔNG HÀ |
DN nên chia sẽ khó khăn với các hộ dân
Tuy nhiên, tại buổi hòa giải, một số DN và luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ cho rằng, nguyên nhân cá chết không phải do xả thải mà do ngư dân nuôi cá dày đặc cũng như phủ nhận căn cứ của cơ quan, ngành chức năng về nguyên nhân cá chết.
Do đó, phía DN có thể sẽ mời một cơ quan khác đánh giá lại nguyên nhân.
Ngoài ra, việc thống kê thiệt hại của ngư dân theo các luật sư của DN và DN cũng chưa chính xác. Có doanh nghiệp lại nói chỉ chấp nhận hỗ trợ chứ không bồi thường.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Chánh án TAND TP Vũng Tàu, không tự nhiên mà ngư dân đưa ra yêu cầu đề nghị các DN bồi thường, mà thực tế là có thiệt hại, có cơ sở để đánh giá. Do đó, mong muốn các bên thống nhất được với nhau để tránh việc gây thêm phức tạp cho các hộ dân, DN và kể cả tòa án.
Do buổi hòa giải không thành, sắp tới tòa án sẽ mời từng hộ dân, từng doanh nghiệp đến để giải quyết theo từng vụ án cụ thể.
14 DN và số tiền (làm tròn số) bị 33 hộ dân kiện đòi bồi thường 1. Công ty TNHH thủy sản Hòa Thắng: 2,3 tỉ đồng 2. Công ty TNHH Thịnh An: 3,1 tỉ đồng 3. Công ty TNHH Phước An 3,3 tỉ đồng 4. DNTN Trọng Đức: 4,1 tỉ đồng 5. DNTN Đại Quang: 1,7 tỉ đồng 6. DNTN Trung Sơn: 1,1 tỉ đồng 7. DNTN Thương Thương: 134 triệu đồng 8. DNTN Đông Hải: 178 triệu đồng 9. DNTN Tân Thành: 383 triệu đồng 10. Công ty Nghê Huỳnh: 362 triệu đồng 11. DNTN Phúc Lộc 625: triệu đồng 12. DNTN Gia Hòa: 134 triệu đồng 13. DNTN Thành Đạt: 255 triệu đồng 14. DNTN Mỹ Sương: 21 triệu đồng. |
Các DN và luật sư bảo vệ quyền lợi của DN tại buổi hòa giải - Ảnh: ĐÔNG HÀ |
Ngư dân Phạm Văn Thông mô tả việc các DN xả nước thải ra sông Chà Và khi trời mưa và dòng nước thải này là nguyên nhân chính làm cá chết - Ảnh: ĐÔNG HÀ |
Luật sư Hoàng Long Hà- người bảo vệ cho ngư dân: “DN không nên bắt bẻ để từ chối trách nhiệm của mình” - Ảnh: ĐÔNG HÀ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận