Cùng với chia sẻ dưới đây, câu chuyện về gen Z trong khuôn khổ loạt bài này xin tạm khép lại. Chúng ta sẽ còn trở lại vấn đề liên quan đến gen Z trong các chủ đề khác.
Đã muốn, ta luôn tìm cách
Tôi dân đời đầu 8X và một chút cơ duyên nên làm việc với khá nhiều bạn gen Z. Cơ hội ấy đến từ những lớp sinh viên mà tôi được mời thỉnh giảng môn học về kỹ năng. Vì môn học này chỉ dành cho sinh viên năm nhất nên lứa sinh viên đầu tiên tôi tiếp xúc sinh năm 2003, rồi 2004 và hiện tại là 2005.
Điều phải nhìn nhận trước tiên là các bạn gen Z hiện nay mạnh dạn hơn thế hệ sinh viên chúng tôi ngày trước rất nhiều. Không hẳn vì quãng cách thời gian đã gần 20 năm giữa chúng tôi và các bạn ấy mà vì tố chất của thế hệ Z hôm nay tạo ra những bạn trẻ năng động, luôn mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình chứ không e dè.
Một phần vì điều đầu tiên vào lớp, tôi xác định với sinh viên hãy là những người bạn học cùng nhau. Các bạn "dạy" tôi sự mới mẻ, những xu hướng trẻ hôm nay. Ngược lại, ngoài chuyển tải nội dung môn học theo chương trình, tôi sẵn lòng chia sẻ những gì mình có, mình biết sau thời gian tạm gọi là trải nghiệm cá nhân vì ra đời trước các bạn hơn 20 năm.
Phần khác vì tôi luôn muốn xây dựng không khí học tập nhẹ nhàng, thoải mái, hạn chế ngắn nhất khoảng cách thầy trò. Gần gũi nhưng vẫn giữ nguyên tắc và nội quy lớp học, các yêu cầu sinh viên bắt buộc phải thực hiện cần được tuân thủ để đảm bảo tính kỷ luật của việc tổ chức lớp học.
Và những lớp tôi phụ trách các năm qua đều không có vấn đề gì. Bạn nào không tuân thủ đúng yêu cầu của môn học đều không đạt điểm qua môn, phải đi học lại. Và các bạn từng bị rớt môn đều tâm phục khẩu phục, không ai khiếu nại gì.
Hòa đồng cùng gen Z, đôi bên cùng có lợi
Trở lại câu hỏi chủ đề của loạt bài những ngày qua trên báo Tuổi Trẻ, với góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng chẳng có gì để không thể hòa đồng hay "chung sống hòa bình" được với thế hệ Z cả. Chắc chắn sẽ có bạn này bạn khác nên thay vì cười hay đả kích khi một gen Z nào đó tự tin thái quá, nếu là người thế hệ trước, chúng ta có thể chân thành góp ý.
Việc góp ý nên từ tốn và thăm dò phản ứng của các bạn nữa. Khi nhận ra tín hiệu "chịu đèn" trước các phân tích, góp ý, chúng ta hãy tăng đô. Tôi tin khi thấu hiểu, mối quan hệ ấy sẽ càng gắn bó thân thiết hơn.
Chính tôi nhờ chia sẻ của sinh viên mà biết thêm nhiều khái niệm mới, cả cách dùng "teen code" của thế hệ Z mà thời chúng tôi không có. Cái hay học được từ lớp trước, tôi gom lại chia sẻ cho lớp sau. Vậy là mình có thêm nhiều câu chuyện của thế hệ Z chia sẻ lại cho chính thế hệ ấy rất thực và gần gũi.
Và cũng nhờ các bạn mà tôi biết dùng thêm nhiều ứng dụng sẵn có trên mạng, sử dụng hoàn toàn miễn phí khi thiết kế bài giảng, giúp cho việc tương tác với sinh viên sinh động và hiệu quả hơn. Mà công nghệ vốn là thế mạnh của gen Z, các thế hệ khác chớ đùa!
Xem như con cháu trong nhà
Thế hệ Z đa số là con một, cùng lắm nhà chỉ có hai con nên khá được cưng chiều. Như cháu gái tôi sinh năm 2000 trở thành "cục vàng" của ba mẹ, nội ngoại dành tất cả yêu thương. Cháu khá tự lập, từ học hành, chọn ngành nghề, phân bổ thời gian đi làm đi học, cả việc chọn người yêu. Gia đình khá thoải mái cho cháu sống theo khả năng, tính cách nên việc đưa ra quyết định trong mọi việc nhẹ nhàng thôi.
Thế hệ sau thường có những cái hay được thừa hưởng từ thế hệ trước. Các bạn trẻ được "lập trình" trong môi trường mới nên có cá tính riêng. Nếu thế hệ trước xem gen Z như con cháu trong nhà sẽ không chỏi nhau quá nhiều. Không phải kinh nghiệm nào đi trước cũng áp dụng cho hoàn cảnh mới vì có khi lỗi thời.
Mâu thuẫn sẽ luôn tồn tại. Việc chấp nhận nhau giữa các thế hệ có nhiều cái lợi. Trước tiên là không phải mệt mỏi vạch lỗi để chỉ trích, phiền não. Mà từ chấp nhận đến học hỏi, giúp đỡ nhau là điều có thể xảy ra tức thì, chắc không quá khó để làm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận