Thế hệ Z có thật sự khó chịu như nhận xét khi họ đang cho thấy một bộ mặt năng động, biết nắm bắt xu hướng. Những bạn trẻ ấy có cần được chia sẻ và cảm thông hơn?
Nổi tiếng nhanh nhạy, nhiều ý tưởng sáng tạo song sẵn sàng "bật" sếp, gây hấn đồng nghiệp bất cứ lúc nào vì quá tự tin và chỉ thích làm theo ý mình là những điều có vẻ quá quen khi người ta nói về gen Z.
Sau mớ tin nhắn dài như sớ của T.Minh (23 tuổi), nhân viên công ty thiết kế tại quận Tân Bình (TP.HCM), cả nhóm phải họp gấp. Minh cho rằng vài đồng nghiệp không hiểu mình, cứ bắt sửa nội dung thiết kế cho đối tác quá nhiều. Còn đồng nghiệp trần tình chỉ nhắc sửa... hai lần về một chi tiết nhưng Minh vẫn mang cảm giác bị dồn nén.
Gen Z thích là phốt đồng nghiệp
Bước ra khỏi phòng, Minh nhắn cho trưởng nhóm rất lễ phép: "Em xin phép nếu còn làm việc với chị Khanh nữa, em sẽ nghỉ việc ạ". Kèm theo đó cô bóc phốt Khanh sương sương với vài người.
Khanh bị sốc, giải thích có những việc chỉ làm theo tiến độ, thấy Minh chậm nên nhắc nhở mà cũng rất nhẹ nhàng thôi. Khanh nói Minh thường đọc nhưng không thèm trả lời tin nhắn, còn copy lại câu chữ nhiều lần để tỏ thái độ. Mỗi khi phải điều chỉnh thiết kế, Minh thường phản ứng gay gắt.
"Mình biết bạn còn trẻ nên đôi lúc thiếu kiềm chế, nhưng không ngờ lại nói tôi bắt nạt bạn ấy" - Khanh phân trần.
Cũng có kỷ niệm không mấy ngọt ngào với một vài gen Z, anh Ngọc Anh (36 tuổi, quận 4, TP.HCM) cho rằng giữa các thế hệ có khoảng cách. Gen Z nhiều vượt trội nhưng mấu chốt gây nhiều vấn đề ở chỗ "cái tôi cao chót vót".
"Các bạn đang chăm chút cho cái tôi trong mọi việc, mọi hoàn cảnh mà quên cái ta. Cái tôi đúng là rất quan trọng trong bản chất, lối sống, cá tính nhưng nên biết dung hòa vì trong công việc cần hòa chung cái ta, phục vụ cái ta" - anh Anh bày tỏ.
Vì cái tôi lớn thường mang nặng tính cá nhân khiến nhiều bạn khó nhận sai. Điều đó đôi lúc làm các bạn đánh mất cơ hội học tập đức tính biết lắng nghe, bao dung và kinh nghiệm làm việc. Chưa kể, nhiều bạn thể hiện cái tôi thẳng thừng, đôi khi thiếu tế nhị tạo cảm giác như bạn sẵn sàng "nhảy vào họng" người khác khi nghe ý kiến chưa đúng ý mình.
Anh chọn cách góp ý nhỏ nhẹ, chân thành và riêng tư. Có bạn tiếp thu nhưng không ít bạn bảo thủ, không nghe. "Sự bảo thủ này cứ tưởng là đặc trưng thế hệ chúng tôi trở về trước thì nay vẫn đậm đặc ở nhiều bạn gen Z" - anh Anh cười.
Khi sếp "già" khổ sở
Vừa đọc tin nhắn của sếp, Thanh Huyền (22 tuổi) làm sáng tạo nội dung của một công ty giải trí tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) phá lên cười. Tin nhắn Huyền gửi: "Em thấy nó hơi ô dề chị ạ". Huyền đang chê ảnh sếp gửi màu mè hơi quá tay, trong khi người sếp lại hiểu là ảnh ổn và còn cảm ơn ngược lại.
Đặc thù công việc, Huyền lướt mạng mỗi ngày và tiếp xúc với đủ hiện tượng, trào lưu mới. Không ít lần, cô nàng "đú trend" quay TikTok ngay tại nơi làm việc. Xem được video rất phổ biến của một bạn mang chiếu theo để ngủ trưa trong công ty nhưng quất một phát tới tận 6h chiều, Huyền cũng vác chiếu vào công ty.
Biết là làm mấy video dạng này đều qua cắt ghép, oái oăm là khi Huyền quay cảnh 6h chiều liền bắt gặp vẻ mặt cau có của sếp. Cô nàng kể rồi cười nhưng cũng hơi ngượng. Bởi sau lần đó, sếp nói thẳng với cô bạn gen Z này làm ơn đừng pha những trò không giống ai trong công ty nữa!
Chị Uyên Phương (32 tuổi) - quản lý dự án của một công ty truyền thông - than dù mình cũng còn khá trẻ nhưng quá ngao ngán với gen Z trong văn phòng. Làm việc với các bạn, chị phải học thêm cách kiên nhẫn vì các bạn hay chơi "giờ dây thun" trong công việc mà có đủ lý do để biện minh.
"Nhắc nhở thì ổn, chứ thử nói nặng cái là mấy đứa giận ngay. Mỗi lần muốn phàn nàn là tôi phải dùng từ cẩn thận lắm" - chị Phương nói.
Chị còn rất dị ứng với việc nhiều bạn trẻ đi làm thì vào trễ nhưng ra về lại cực kỳ đúng giờ dù có khi công việc còn đang dở dang. Làm sếp "đỏ con mắt bên trái ngứa con mắt bên phải" chưa đã, nhiều bạn còn khiến mấy vị sếp "già" như chị Uyên Phương phải lao vào làm luôn mấy việc đã giao khi quá gấp. Mà lý do hết sức tình hình là "em xin nghỉ phép vì tự dưng "tụt mood" quá không có hứng làm việc", nhẹ thì kiểu "đau bụng quá làm không nổi".
Sẽ hòa đồng với người hợp gu
Huyền Trân (Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại) cho rằng nói gen Z cái tôi cao, thiếu hòa đồng là chưa toàn diện. Theo Trân, cái tôi thể hiện ở quan điểm học tập, đi làm mà nếu bản thân đúng sẽ không nhượng bộ! Đi làm thêm, Trân nói sẽ nhượng bộ khách hàng nhưng nếu quản lý nói sai trong khi mình đúng là sẽ phản bác lại ngay.
Theo bạn, chỉ cần làm tốt sẽ được nhìn nhận đúng. "Ngoài xã hội đa số là quan hệ xã giao nên tôi thường hòa đồng với người hợp gu, dễ nói chuyện. Không phải thế hệ Z tụi tôi khó gần mà có một số việc nói ra thường quan điểm của mình với người lớn khác nhau nhiều" - Trân nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận