Nhiều DN dù đã sử dụng hoá đơn điện tử nhưng vẫn phải in ra giấy vì lo hàng hoá bị ách lại (ảnh minh hoạ DN xuất hoá đơn điện tử) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, Hà Nội và TP.HCM phải cơ bản hoàn thành áp dụng hóa đơn điện tử trong năm 2019. Tuy nhiên đến nay hóa đơn điện tử vẫn "rối bời".
Quy định chưa rõ nên doanh nghiệp (DN) dùng hóa đơn điện tử có thể "lãnh đủ" nếu bị kiểm tra hóa đơn trên đường, khi cán bộ gặp sự cố khi tra cứu Internet.
5 tháng chưa có hướng dẫn
Đến nay đã 5 tháng sau khi Chính phủ ban hành nghị định 119 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, nhưng hiện thông tư hướng dẫn nghị định 119 chưa được ban hành.
Ông Nguyễn Thái Linh - tổng giám đốc Công ty giấy vi tính Liên Sơn (Q.1, TP.HCM) - cho rằng thực tế này dẫn đến việc DN muốn đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử hiện phải áp dụng thông tư 32 cách nay đã 8 năm.
Thông tư 32 quy định muốn khởi tạo hóa đơn điện tử DN phải đáp ứng hàng loạt điều kiện như: có địa điểm, đường truyền tải thông tin, mạng, thiết bị truyền tin đáp ứng nhu cầu kiểm soát, xử lý, sử dụng, bảo quản và lưu trữ hóa đơn điện tử...
"80-90% DN đang hoạt động là DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Nhiều DN nhân sự chỉ có vài người, làm sao đòi hỏi đáp ứng được những điều kiện như trên. Mặt khác, quy định cho phép nên hiện những DN này chủ yếu đăng ký qua các nhà cung cấp dịch vụ trung gian (T-VAN). Các tổ chức trung gian đã đáp ứng hết các điều kiện trên. Nên việc đòi hỏi các DN cũng phải đáp ứng các điều kiện này là vô lý" - ông Linh nói.
Nhiều vướng mắc
Tại Hội nghị đối thoại giữa DN và chính quyền TP.HCM mới đây, nhiều DN bức xúc vì hóa đơn điện tử nhưng vẫn đòi... chữ ký người mua. Một khó khăn khác phát sinh trong thực tiễn là ngày khởi tạo và ngày phát hành hóa đơn khác nhau không biết hóa đơn có hợp lệ không, ngày khai thuế sẽ là ngày khởi tạo hay ngày xuất hóa đơn... Các DN đều kiến nghị ngành thuế sớm tháo gỡ.
Trong khi đó cơ quan thuế hiện nay mỗi nơi quy định mỗi kiểu. Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một DN kinh doanh tại Q.12 (TP.HCM) cho biết ngay cả việc kê khai các điều kiện với cơ quan thuế, các nhà cung cấp dịch vụ trung gian cũng kê khai thay chứ DN khó thỏa các điều kiện trên. Tại nhiều chi cục thuế, cơ quan thuế chỉ xét trên kê khai của DN chứ không xuống kiểm tra thực tế nhằm tạo điều kiện cho DN.
Tuy nhiên tại một số địa phương, cơ quan thuế cũng hỏi DN có máy vi tính chưa, đường truyền tốc độ bao nhiêu, có nhân lực đủ trình độ vận hành hay không?.
Một số chi cục thuế công nhận để tạo điều kiện thuận lợi cho DN đăng ký, hiện chỉ yêu cầu DN tự khai theo mẫu quy định và tự chịu trách nhiệm chứ không xuống kiểm tra. Và hiện các DN đều đăng ký hóa đơn điện tử qua trung gian vì không thể đáp ứng được điều kiện.
Khó hoàn thành mục tiêu
TP.HCM hiện có gần 236.000 DN đang hoạt động nhưng số lượng đã áp dụng hóa đơn điện tử chưa nhiều. Muốn hoàn thành mục tiêu Hà Nội và TP.HCM cơ bản áp dụng hóa đơn điện tử trong 2019, trong 10 tháng còn lại của năm, TP.HCM phải có thêm hơn 20.000 DN đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử/tháng. Theo các chuyên gia, đây là bài toán khó.
Vẫn phải "vừa điện tử vừa giấy"
Theo luật sư Trần Xoa, do chưa có quy định rõ ràng nên hiện nay những DN đã chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử vẫn phải in song song hóa đơn giấy để vận chuyển hàng hóa đi đường vì lo bị "ách" lại nếu không có hóa đơn chứng từ.
Theo ông Xoa, đây là vấn đề khiến DN rất lo lắng nhưng bản dự thảo thông tư hướng dẫn nghị định 119 mới đây cũng chưa giải quyết được vướng mắc của DN. Chẳng hạn, theo dự thảo, với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử, khi đi trên đường DN không cần in hóa đơn giấy. Khi cần kiểm tra hàng, người có thẩm quyền sẽ phải truy cập cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin.
Nhưng ở trường hợp bất khả kháng lại quy định rất lòng vòng, không biết thực hiện thế nào. Cụ thể, nếu không truy cập được vào hệ thống, dự thảo quy định người vận chuyển nếu có hóa đơn giấy xuất trình cho người có thẩm quyền thì hàng hóa sẽ được lưu thông. Còn nếu người vận chuyển hàng hóa không có chứng từ giấy, khi ấy người có thẩm quyền... phải truy cập cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để kiểm tra, xác nhận hóa đơn điện tử của DN.
"Nếu vẫn không thể truy cập mạng Internet, liệu có cho lưu thông hàng hóa tiếp tục hay không?" - ông Xoa đặt câu hỏi.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, chính vướng mắc về vận chuyển hàng hóa trên đường khiến nhiều DN đã sử dụng hóa đơn điện tử vẫn phải in song song ra giấy. Nhiều DN khi mua hàng cũng cứ đòi hóa đơn giấy cho chắc ăn, nếu không in hóa đơn giấy sẽ... không mua.
Hiện các bệnh viện cũng phải "vừa điện tử vừa giấy". Lý do là một số công ty bảo hiểm không chấp nhận chi bồi thường cho người bệnh bằng hóa đơn điện tử nên người bệnh đề nghị bệnh viện cung cấp hóa đơn điện tử chuyển đổi sang hóa đơn giấy.
Cục Thuế TP.HCM cho hay đã làm văn bản xin ý kiến Tổng cục Thuế và được chấp nhận cho bệnh viện được sử dụng vừa hóa đơn giấy vừa hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, do thông tư mới chưa ban hành nên hiện DN đang dùng hóa đơn điện tử và cả DN muốn dùng hóa đơn điện tử đều gặp khó.
Cuối tháng này sẽ có thông tư hướng dẫn?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lưu Đức Huy - vụ trưởng Vụ chính sách (Tổng cục Thuế) - cho biết theo kế hoạch cuối tháng này, Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư hướng dẫn một số điều của nghị định 119 về hóa đơn điện tử. Hiện tại, DN và người dân vẫn thực hiện như quy định hiện hành.
Để thực hiện hóa đơn điện tử theo nghị định 119, máy tính tiền của DN, hộ kinh doanh phải kết nối với hệ thống hạ tầng dữ liệu của cơ quan thuế. Và khi nào DN, hộ kinh doanh nhận được thông báo của cơ quan thuế quản lý sẽ triển khai hóa đơn điện tử. Hiện ngành thuế đang đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng để thực hiện trên toàn quốc hóa đơn điện tử vào tháng 11-2020 như Chính phủ quy định.
L.THANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận