19/02/2012 07:53 GMT+7

Hoa đào biên giới tháng 2...

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Một lần lên Lũng Cú - điểm cực Bắc Tổ quốc - vào tháng 2, hình ảnh những cây đào gân guốc can trường trước trạm biên phòng dưới chân cột cờ cực Bắc nở hoa rực rỡ đã cho tôi một ước mơ nho nhỏ: hằng năm, vào dịp này hãy có những tuần lễ gọi tên là “Tuần hướng về biên cương” để mọi người hành hương lên với Lũng Cú và những vùng đất địa đầu đất nước.

Khách hành hương về đây, trong hành trang mang theo nên có thêm nắm đất quê hương. Người Cà Mau mang theo về đây vốc phù sa đất Mũi, người Bình Định mang về nắm đất miền thượng võ Tây Sơn, người Quảng Trị mang vốc đất lấy từ Thành cổ, người Quảng Bình mang vốc cát trắng bên bờ Nhật Lệ... Và cũng đừng quên mang theo những bình nước từ những dòng sông quê hương, từ Cửu Long, Đồng Nai, Sài Gòn hùng tráng đến dòng sông Hương thơ mộng, sông Mã anh hùng...

Đất và nước mang về nơi đỉnh cao cực Bắc này sẽ được đắp bồi tưới tắm cho một vườn đào biên cương được trồng ở ngay Lũng Cú mà mỗi cây đào sẽ gắn biển tên một tỉnh thành trong cả nước. Sẽ ấm lòng biết bao khi biết rằng cả “đất, nước” mọi miền đang hòa vào mây núi, đang kề vai sát cánh với biên cương.

Nhưng mơ ước ấy vẫn đang là mơ ước.

Và cho dù vườn đào vẫn trong mơ, nhưng những lần trở lại miền đất này tôi vẫn gặp những nhóm bạn trẻ lặng lẽ với những vòng xe máy để đến với miền cực Bắc. Gặp các bạn trò chuyện và biết, hơn cả một chuyến đi “phượt”, từ trong sâu thẳm các bạn lên đây còn như một niềm biết ơn với miền đất phên dậu, biết ơn những đời dân hàng ngàn năm qua đã ưỡn vòm ngực can trường để bảo vệ từng tấc núi tấc sông.

Không chỉ là chuyến rong chơi với những tấm hình. Luôn có những thùng hàng đơn sơ mà ấm tình với áo ấm, đồ chơi, sách vở cho các em bé rẻo cao. Có những nhóm bạn gom tiền mua xoong nồi trang bị cho các bếp ăn tập thể. Có những hoạt động tự phát của một nhóm nhỏ nay đã thành một phong trào như nhóm của nhà báo Trần Đăng Tuấn với chương trình “Cơm có thịt” cho các em bé biên giới phía Bắc với số tiền cho tới nay lên đến hàng tỉ đồng.

Lang thang trên các mạng xã hội thấy ấm lòng biết bao khi bắt gặp những tấm lòng tự nguyện góp áo, góp gạo, góp thịt... mang đến những điểm trường biên cương kham khổ ấy, mà mỗi tên đất tên bản vang lên khiến chúng ta nghẹn lòng vì sự thăm thẳm của nó: A Mú Sung, Tả Dền Thàng, Sàng Ma Sáo, Chế Cu Nha, Lũng Làn, Sam Pun, Xín Cái, Xín Chải, Ma Lé... - những miền đất của biên cương, nơi quanh năm mây mù rét mướt. Còn những em thơ thèm một tấm áo ấm ngày đông, mơ một bữa cơm ngon thường nhật với vài lát thịt, quả trứng...

Những tấm lòng dành dụm yêu thương, tự nguyện hiến dâng không cần chi hô hào hay nhắc nhở khiến ta bỗng liên tưởng tới hoa đào, những bông hoa cứ đến tháng hai, đến mùa xuân lại nở, nghiêng thắm tỏa hương trên những nấm mồ người lính chốn biên cương đã ngã xuống của vài mươi năm trước. Lòng người yêu nước thương dân cũng như hoa đào nơi biên giới.

Tháng hai, hoa đào nơi biên cương nở can trường, rực rỡ thắm hồng bất chấp gió bấc, bất chấp mưa rét, thách thức với vẻ đẹp đầy kiêu hãnh.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Hoa đào biên giới