Phan Tích Thiện (thứ hai từ trái sang) với nụ cười lạc quan bên bạn bè của mình ở Đại học Văn hiến - Ảnh: P.N. |
Năm 18 tuổi, Phan Tích Thiện đã nói một cách chắc chắn với cha mẹ mình: “Con muốn học đại học, con nhất quyết phải học đại học. Không thể đi như bạn bè, con bò từ từ rồi cũng sẽ tới đích”.
Hiện chàng trai ấy đã cố gắng vượt lên số phận buồn đau của mình, tự tin bước chân vào giảng đường Trường đại học Văn Hiến, theo học năm thứ hai ngành xã hội học, trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng để thực hiện ước mơ giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn hơn.
Châm ngôn sống của Thiện cũng chính là lời bài hát của nhạc sĩ Tạ Quang Thắng: “Không là hoa của những buồn đau. Tôi là hoa của những nụ cười” |
PHAN TÍCH THIỆN |
Không được bỏ cuộc
“Trong lúc đang sinh mình thì mẹ mình kiệt sức ngất đi, nên bác sĩ phải hút thai, rồi mình nằm trong lồng kính cả tháng trời” - Tích Thiện kể. Từ thuở lọt lòng, Thiện đã không được bình thường như bao đứa trẻ khác. Bác sĩ chẩn đoán Thiện bị động kinh cục bộ toàn thể hóa. Tay chân, miệng lưỡi đều không nghe theo ý Thiện. Ngoài ra, Thiện còn thường xuyên bị co giật từng cơn...
Tuổi thơ của Thiện là những tháng ngày bền bỉ đi khám bệnh, uống thuốc và tập vật lý trị liệu, dần dần Thiện cũng kiểm soát được tay chân từng chút một. Nhưng đến tuổi cắp sách đến trường, Thiện vẫn chỉ có thể mấp máy môi “ê, a” không rõ chữ.
Khi đó, việc đi học đối với Thiện không khác gì một giấc mơ xa xỉ. Cậu bé Thiện lúc nào cũng mong muốn được đến trường học bình thường như các bạn, nên cha mẹ Thiện chạy đôn chạy đáo hết trường này đến trường nọ để xin cho Thiện học, nhưng trường nào cũng từ chối.
May mắn, thầy hiệu trưởng Trường tiểu học Trí Tri (Q.10, TP.HCM) đồng cảm với tinh thần hiếu học của cậu bé Phan Tích Thiện nên đã đồng ý cho Thiện học thử một năm, nếu ổn mới được học tiếp.
Những nét chữ đầu tiên của Thiện đều run rẩy, méo mó. Với Thiện, chỉ riêng động tác cầm bút đã là một việc cực kỳ khó khăn. Nhưng bằng nỗ lực của bản thân, Thiện đã vượt qua kỳ thử thách của nhà trường và được chính thức nhận vào học.
Giữa năm lớp 3, thầy hiệu trưởng tặng Thiện một chiếc máy tính xách tay, cậu bé tự mày mò học và sau đó đã sử dụng máy tính thay cho cây bút đến tận bây giờ. Cứ tưởng mọi chuyện từ đó sẽ dễ dàng với Thiện, nhưng cũng có lúc Phan Tích Thiện cảm thấy nản chí, muốn nghỉ học.
Đó là vào đầu năm học lớp 6, Thiện không thể theo kịp bạn bè. Toán, vật lý đòi hỏi vẽ hình minh họa trở thành thách thức khó vượt qua với Thiện. Khi đó, người bác đã ngồi nói chuyện thẳng thắn với Thiện như hai người đàn ông, về những điều mà Thiện muốn làm trong tương lai.
“Nhờ bác, mình nhận ra với ước mơ giúp đỡ người khuyết tật của mình, mình phải mạnh mẽ, có thái độ sống tích cực và cố gắng nhiều hơn” - Thiện tâm sự. Từ ngày ấy, Thiện không bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc nữa, và sự quyết tâm đó đã đưa Thiện đến cánh cổng trường đại học.
“Mình cần kiến thức để giúp đỡ mọi người”
Hồi nhỏ, thấy bà nội thường xuyên đi làm từ thiện, phân phát thức ăn, đồ dùng cho người nghèo, Thiện nuôi ước mơ cũng có thể làm như bà, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, Thiện lại không đồng tình với cách làm của bà nội.
“Càng học mình càng thấy lựa chọn ngành học của mình là đúng. Ngành công tác xã hội giúp mình xác định được phương thức làm công tác xã hội căn cơ, đó là cho người nghèo cần câu chứ không phải cho họ con cá.
Mà muốn đi theo hướng ấy, mình cần phải trang bị cho bản thân càng nhiều kiến thức và kỹ năng càng tốt. Mình biết mình phải học lên nữa. Mình cần kiến thức để giúp đỡ mọi người” - Thiện nói bằng giọng trầm trầm, đứt quãng, thỉnh thoảng phải dừng lại để thở nhưng chắc nịch.
Học kỳ 1 năm nhất, lần đầu tiên Thiện thuyết trình trước lớp với hơn 100 sinh viên.
“Hôm ấy mình không định thuyết trình, chỉ lên nộp bài lấy điểm, nhưng cô nói lát em lên thuyết trình nha. Mình đứng đơ người luôn, nghĩ đọc còn không nổi thì thuyết trình gì. Vậy mà mình cũng lên thuyết trình.
Khi đang thuyết trình, mình run kinh khủng, không kiểm soát được hô hấp, nghe hơi thở còn nhiều hơn lời nói. Mình thuyết trình cỡ 15 phút, khi kết thúc thì bạn bè khóc, vỗ tay rất nhiều và cảm ơn mình về buổi học” - Thiện vừa cười vừa chia sẻ.
Sau đó, Thiện quyết định tham gia câu lạc bộ kỹ năng của trường để rèn luyện khả năng nói chuyện trước đám đông, đồng thời kết hợp với việc luyện tập ở nhà.
Để có thể nói to, rõ chữ, Thiện thường tự đóng cửa phòng rồi hét thật to để học cách lấy hơi vùng bụng. Từng chút một, Thiện tập đánh lưỡi, phát âm và điều khiển cơ miệng của mình.
“Thiện tiến bộ rất nhanh. Lúc đầu Thiện nói rất chậm, không nói được nhiều, và người khác cũng không nghe được Thiện nói gì, mỗi lần nói chuyện là phải nhắn tin qua lại. Còn bây giờ Thiện nói chuyện rõ ràng hơn trước. Thiện đã phải nỗ lực cố gắng rất nhiều” - Nguyễn Thị Minh Phượng, bạn của Tích Thiện, cho biết.
Trước khi học môn nào, Thiện đều tìm hiểu kỹ, hỏi thăm kinh nghiệm học tập môn đó và lên mạng tìm kiếm tài liệu để chia sẻ cho bạn bè. “Thiện chăm lắm, tính cách lại thân thiện, chân thành và hài hước, lúc nào cũng cười lạc quan yêu đời nên ai cũng quý” - Phan Nhân Hòa, bạn chung lớp đại học với Thiện, nhận xét.
Trong lớp, bạn bè lúc nào cũng coi Thiện như người anh cả, mỗi khi có việc gì khó khăn đều hỏi ý kiến của Thiện.
“Trường lớp như ngôi nhà thứ hai của mình, bạn bè như anh chị em thân thuộc, không có sự phân biệt hay khoảng cách nào. Những khi mình chép bài không kịp, lúc nào cũng có bạn đưa tập vở cho mình, nói “anh về gõ lại bài để bài vở đầy đủ”. Bạn bè hay đưa đón, đi chơi cùng nhau. Thầy cô cũng thường xuyên quan tâm, hỏi han quá trình học của mình” - Thiện nói đầy tự hào.
Không có điều kiện nói, phát biểu trôi chảy như các bạn nên Thiện luôn chủ động gõ bài nhận xét gửi đến các thầy cô.
Theo cô Nguyễn Thị Nhung - cố vấn học tập của Thiện, “ban đầu Thiện có hơi rụt rè, nhưng bây giờ đã trở thành người anh cả đáng tin cậy của lớp, và tham gia các hoạt động của trường lớp rất tích cực”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận