23/01/2020 14:15 GMT+7

'Hoa có ế thì thà cho chứ không bán rẻ mạt'

NGUYỄN TRÍ
NGUYỄN TRÍ

TTO - Trưa 29 âm lịch, sức mua hoa tết tại TP.HCM vẫn không tốt như mong muốn người bán. Tuy vậy, một số người bán khẳng định thà cho nhà chùa, cho người thân, thậm chí đập bỏ chứ không bán giá rẻ mạt để tạo thành thói quen xấu cho khách hàng.

Hoa có ế thì thà cho chứ không bán rẻ mạt - Ảnh 1.

Nhu cầu chậm hơn so với mong đợi nên những chậu hoa cúc vẫn đang xếp thành dãy dài "chờ đợi" lúc cận tết. Trong ảnh: Hoa cúc chưng bán tết tại công viên Gia Định - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Trưa 29 âm lịch, ngồi thở dài dưới cái nắng chói chang trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức) để ngóng khách, anh Phan Văn Thân cho biết anh chở hơn 130 cặp hoa hướng dương từ Bà Rịa - Vũng Tàu vào nhưng đến trưa 29 âm lịch mới chỉ bán được 40 cặp, trong khi năm ngoái thời điểm này anh bán hơn 80 cặp. Ít khách nên anh Thân giảm 70.000 đồng so với giá ban đầu xuống hiện còn 280.000 đồng/cặp.

"Sức mua chậm chung nhưng một phần lớn do tâm lý người chơi hoa đợi ngày 30 âm lịch để mua được giá rẻ", anh Thân nhận định.

Tuy vậy, theo anh Thận, anh chỉ giảm nhiều cho những loại hoa xấu để vớt vác tiền xe, còn lại những cây đẹp dù có cuối ngày cũng chỉ giảm nhiều nhất cũng khoảng 25-30%, nếu vẫn ế thì đem hoa biếu tặng và chấp nhận chịu lỗ.

"Tiền thuê mặt bằng hai lô hơn 6 triệu đồng, thêm công chuyên chở bốc vác cũng hơn 13 triệu đồng nên chẳng lời lãi nhiều. Nếu bán không được thì sang năm người dân giảm lượng trồng và người thiệt lâu dài là người tiêu dùng", anh Thân khẳng định

Tương tự, chở 400 chậu cúc từ Lâm Đồng xuống chưng bán trên đường Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức), anh Nguyễn Vũ Hải cho biết đến sáng 29 Âm lịch chỉ bán khoảng hơn 130 chậu.

Theo anh Hải, mức giá sang ngày 29 Âm giảm khoảng 15% so với ngày 28 Âm xuống còn 300.000- 350.000 đồng/chậu tùy loại nhưng khách hàng vẫn cứ "ỏng ẹo".

Theo anh Hải, một số khách hàng biết "chia sẻ" với mình nên vào hỏi giá mua ngay, nhưng không ít người kì kèo từng giá.

"Tiền mặt bằng, tiền công bốc xếp, chuyên chở và cả nhiều tháng ròng chăm sóc thì khách sao lại đòi mua với giá phải rẻ như tại vườn được", anh Hải nói.

Anh Hải cho biết nếu cứ "ép nhau" quá thì anh chọn làm từ thiện.

"Hoa ế thì sẽ cho các chùa chưng Tết, làm vậy tôi thấy có ý nghĩa hơn, thậm chí nhà chùa có thể cho lại tiền xe, chứ bán giá rẻ mạt vô tình tạo thói quen xấu khách, sang năm họ lại chờ đợi để 'hốt cú chót' ngày 30 âm lịch", anh Hải khẳng định.

Tương tự, bà Hà (Bình Dương) khẳng định chỉ giảm cao lắm khoảng 40% giá hoa vạn thọ, nếu rẻ hơn thì sẽ cho các nơi, xem như làm từ thiện.

"Người bán không nói thách là được rồi, còn giá ổn thì khách cứ mua. Cả năm mới có lần, chậu hoa bao nhiều tiền đâu mà phải làm khó nhau", bà Hà buồn rầu.

Đến trưa 29 âm lịch, dù lượng khách mua hoa đã đông lên nhưng tại công viên Gia Định (Gò Vấp), đường Phạm Văn Đồng (Q. Thủ Đức), đường Lý Thường Kiệt (Q.11)... lượng hoa cúc, mào gà, vạn thọ, đào, mai, quất... vẫn còn nhiều. Một số người bán nóng lòng nên quyết định hạ thêm giá hoa bán ra. Tuy vậy, không phải người bán cứ giảm giá là khách dễ dàng mua "luôn và ngay".

Dù đã bán gần hết 100 chậu đào tết tại công viên Gia Định (Q.Gò Vấp), nhưng bà Nguyễn Thị Lải (quê Hải Dương) vẫn không thể vui. Theo bà Lải, người dân kén mua và đào chất lượng không bằng mọi năm nên phần lớn bà bán sỉ cho mối với giá rẻ. Còn số ít bà để lại nhưng vẫn không được giá bán như đề ra.

"Chậu hoa đào trồng đến 5 năm với giá bán đề ra ban đầu là hơn 3 triệu, nhưng nay giảm còn chưa đầy 2 triệu đồng để kịp về quê ăn Tết nhưng nhiều khách hàng vẫn cứ mặc cả thêm", bà Lải chỉ vào chậu hoa đào rầu rỉ.

Gần đó, sang ngày 29 âmlịch, anh Ca (Hải Dương) còn hơn 20 cây đào và giá bán giảm hơn 30% giá bán so với ngày đầu. Tuy vậy, theo anh Ca, khách hàng không mấy ai "cảm thông", cứ đòi giảm thêm.

"Lượng đào nhìn chung bán ra tạm ổn nhưng chả mấy ai lời bởi đào mất mùa, giá bán không cao", anh Ca nhận định.

Hoa có ế thì thà cho chứ không bán rẻ mạt - Ảnh 2.

Sang đến trưa 29 âm lịch nhưng anh Thân vẫn còn gần 100 cặp hoa hướng dương chưa bán được - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Hoa có ế thì thà cho chứ không bán rẻ mạt - Ảnh 3.

Cúc tết nhiều nơi chưng bán trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức) hiện vẫn còn xếp hàng dài - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Hoa có ế thì thà cho chứ không bán rẻ mạt - Ảnh 4.

Dù đang nóng lòng ngóng khách nhưng anh Hải cho biết sẽ không bán hoa với giá rẻ mạt - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Hoa có ế thì thà cho chứ không bán rẻ mạt - Ảnh 5.

Bà Lải ngóng khách bên cây đào (bìa trái) đã hạ giá xuống còn 2 triệu đồng - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Hoa có ế thì thà cho chứ không bán rẻ mạt - Ảnh 6.

Dù giảm giá nhưng anh Ca (bìa trái) cũng phải tích cực "chào hàng" những cây đào cuối cùng cho khách - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Hoa có ế thì thà cho chứ không bán rẻ mạt - Ảnh 7.

Cặp quất kiểng Bến Tre từ giá 8 triệu đồng được nhà vườn chưng bán tại Q.Gò Vấp giảm hiện còn hơn 5 triệu đồng - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Hoa có ế thì thà cho chứ không bán rẻ mạt - Ảnh 8.

Những cành đào còn lại không đẹp cũng là lý do khiến khách muốn người bán giảm giá thêm - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Hoa có ế thì thà cho chứ không bán rẻ mạt - Ảnh 9.

Đến trưa 29, vẫn còn nhiều cây mai tại một nhà vườn ở Q.12 - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Hoa tết