Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, tính đến tháng 10 năm nay đã có hơn 114 triệu người phải di dời khỏi nơi cư trú vì sự bùng nổ làn sóng xung đột và chiến tranh trên toàn thế giới.
Mệt mỏi kéo dài
Đóng vai trò "mồi lửa" khơi mào cho làn sóng xung đột quy mô lớn kể từ tháng 2-2022, chiến sự giữa Nga và Ukraine đang bước dần đến cộc mốc 700 ngày với một cục diện ngày càng lộ rõ sự mệt mỏi từ cả hai bên tham chiến.
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào đầu tháng 12-2023, nhờ duy trì được các tuyến đường thương mại mới ở Biển Đen nên nền kinh tế của Ukraine đang cho thấy "khả năng phục hồi đáng kể" với lạm phát giảm mạnh và thị trường ngoại hối ổn định, nhưng nhu cầu ổn định tài chính cả năm 2024 của nước này vẫn phải cần đến 42 tỉ USD hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.
Nguồn viện trợ này ngày càng khó đạt được trong bối cảnh các chính phủ mới sau bầu cử đã khiến một số đối tác thân hữu của Ukraine như Slovakia chuyển đổi lập trường sang kêu gọi Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga, trong khi Hà Lan muốn giảm viện trợ quân sự cho Ukraine, còn chính quyền của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán vẫn tiếp tục phản đối gói viện trợ tài chính 50 tỉ euro (55,3 tỉ USD) của Liên minh châu Âu (EU) vào giữa tháng 12.
Ngay cả chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang gặp khó khăn với gói viện trợ bổ sung cho Ukraine trị giá 60 tỉ USD do sự cản trở từ Hạ viện Mỹ hiện đang thuộc quyền kiểm soát của Đảng Cộng hòa.
Về phía Nga, tuy thành công trong việc lách để giảm thiểu các thiệt hại từ sự trừng phạt của phương Tây và giữ vững được các phòng tuyến dài đến 1.000km trước các đợt phản công của Ukraine từ tháng 6 năm nay, nhưng tổn thất về nhân lực và khí tài cũng vô cùng nặng nề.
Xu hướng thiệt hại tăng cường dẫn đến sự cạn kiệt nguồn lực từ cả hai phía cũng xuất hiện ở "mồi lửa" giữa quân đội Israel (IDF) và phong trào Hamas tại Dải Gaza.
Trong đó dù vẫn đang có nguồn lực vượt trội và đang giữ thế chủ động ở cả ba khu vực bắc, trung và nam Dải Gaza nhưng chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn đang phải cân nhắc kết thúc sớm chiến sự do các gánh nặng về kinh tế do chiến sự gây nên.
Ngay từ cuối tháng 10, khi quân đội Israel chuẩn bị đưa quân sang Dải Gaza thì đồng nội tệ shekel đã chạm mức thấp nhất trong 14 năm, trong khi chỉ số chứng khoán chuẩn giảm khoảng 10% trong năm nay.
Theo các thống kê, phía Israel đang tổn thất 220 triệu USD mỗi ngày và sẽ có tổng thiệt hại lên đến 50 tỉ USD (ngang với 10% GDP quốc gia) nếu kéo dài chiến sự thêm ít nhất năm tháng nữa. Vào tuần cuối tháng 12, Bộ Tài chính của Israel đã cảnh báo về thâm hụt ngân sách tăng gấp ba lần và hiện chỉ có thể lên kế hoạch ngân sách bổ sung cho chiến sự ở Dải Gaza thêm hai tháng.
Một thế giới đồng lòng
Thiệt hại từ làn sóng xung đột trong năm 2023 với hai "mồi lửa" tập trung ở Ukraine và Dải Gaza không chỉ khiến các bên trực tiếp tham chiến cạn kiệt về nguồn lực, mà còn ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh về thương mại hàng hải của khu vực lẫn an ninh chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong khi chiến sự Nga - Ukraine đe dọa gián tiếp đến an ninh lương thực ở châu Phi và an ninh năng lượng của châu Âu thì căng thẳng leo thang ở Dải Gaza đang đe dọa trực tiếp đến an ninh hàng hải tại tuyến đường huyết mạch đi qua Biển Đỏ.
Trong đó, "đòn tấn công kinh tế" của lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn tại Yemen nhằm vào các tàu chở hàng mang cờ của các quốc gia ủng hộ Israel trong cuộc chiến tại Dải Gaza đã tạo nên một viễn cảnh khiến chi phí vận chuyển từ Á sang Âu qua Biển Đỏ tăng đến 44% do phải điều hướng sang tận mũi Hảo Vọng.
Không chỉ vậy, giá dầu thô vận chuyển theo tuyến đường này dự kiến có thể tăng từ mức 75 USD/thùng lên đến 200 USD/thùng nếu hiện tượng tắc nghẽn và leo thang căng thẳng tiếp diễn lâu dài tại Biển Đỏ, gây nguy cơ kéo cả thế giới rớt vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Đứng trước làn sóng xung đột có xu hướng lan rộng và lôi kéo cả thế giới vào một vòng xoáy không có tận cùng, thật may mắn khi các quốc gia có trách nhiệm ở mỗi khu vực đã kịp thời triển khai một loạt nỗ lực trung gian nhằm duy trì kênh đối thoại tối thiểu ở các tâm điểm chiến sự.
Điển hình nhất của làn sóng này chính là thế trận "ngoại giao tổng lực" của cả thế giới nhằm ngăn chặn hiệu ứng domino của chuỗi xung đột tiềm năng tiếp nối chiến sự ở Dải Gaza vào tháng 10-2023.
Nỗ lực làm trung gian đàm phán nhằm nối lại các hoạt động trao đổi con tin giữa Israel và Hamas do nhóm quốc gia Ả Rập theo dòng Sunni với vai trò tiên phong của Qatar và Ai Cập, cùng với lập trường vận động kịch bản đàm phán giữa Ukraine với Nga khi cuộc chiến kéo dài cũng đang góp phần thúc đẩy hy vọng xuống thang chiến sự.
Chuỗi động thái này cũng đã phối hợp hiệu quả với các nỗ lực tập hợp lực lượng nhằm ngăn chặn khả năng leo thang xung đột ra bên ngoài khu vực từ các cường quốc hàng đầu. Một làn sóng gìn giữ hòa bình mang tính đối trọng từ đó đã được định hình và ngày càng tạo ra nhiều biến chuyển quan trọng đủ để duy trì sự lạc quan về các xu hướng phục hồi về kinh tế và hàn gắn về chính trị trong năm mới 2024.
Những sự kiện đáng chú ý trong năm 2024
Ngoài tình hình chiến sự ở Ukraine và Gaza, năm 2024 cũng chứng kiến sự căng thẳng hai bờ eo biển Đài Loan được cảnh báo sẽ leo thang ngay trong những ngày đầu năm khi người dân vùng lãnh thổ Đài Loan chọn ra nhà lãnh đạo mới.
2024 cũng là năm chứng kiến những cuộc bầu cử quan trọng, nổi bật trong số đó là cuộc bầu cử ở Mỹ. Kết quả những cuộc bỏ phiếu sơ bộ của mỗi đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ chọn ra hai cái tên cho cuộc đua song mã vào Nhà Trắng vào tháng 11.
Không chỉ tổng thống, người dân Mỹ còn chọn ra 1/3 thượng viện và toàn bộ hạ viện liên bang. Kết quả của cuộc bầu cử này không chỉ định hình chính sách đối nội của nước Mỹ trong ít nhất bốn năm tới mà còn ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới, xét đến tiềm lực và vị trí số 1 về kinh tế của Mỹ.
Bầu cử tổng thống Nga sẽ diễn ra tháng 3-2024 mà phần thắng dường như đã gọi tên ông Putin. Và Ấn Độ, quốc gia được mệnh danh là nền dân chủ lớn nhất thế giới, với hơn 950 triệu cử tri, cũng sẽ bước vào một cuộc tổng tuyển cử dự kiến rơi vào tháng 4 hoặc tháng 5.
Sự mở rộng của nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi cũng sẽ là một chủ đề đáng quan tâm, thể hiện một trật tự thế giới ngày càng đa cực. Ở tầm khu vực, nổi cộm là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên khi chưa có chỉ dấu nào cho thấy các bên liên quan có sự thỏa hiệp hay xuống thang căng thẳng.
Việc định hình luật chơi, quản lý các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo hay sự dịch chuyển chuỗi sản xuất, năng lượng mới cũng nằm trong số các chủ đề đáng theo dõi trong năm 2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận