
Má - Ảnh: TGCC
Má cùng chồng tham gia cướp chính quyền ở Gò Công khi 20 tuổi. Rồi ba ra Bắc tập kết, má một nách vừa nuôi 6 đứa con vừa tham gia kháng chiến.
Khi đưa gia đình lên Sài Gòn, năm 1965 Ban quân sự Thành Đoàn ra đời, má là ủy viên kiêm trưởng ban hậu cần xây dựng các kho chứa vũ khí, hình thành mạng lưới vận chuyển từ căn cứ để chuẩn bị cho những trận đánh trong nội đô.
Con vẫn nhớ như in hình ảnh của má - người phụ nữ nhỏ nhắn, đôi mắt đen láy, to tròn và ánh nhìn hiền hậu - nhưng lại đảm nhận công việc "ngàn cân treo sợi tóc". Con thầm kính phục sự gan dạ, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của má khi ngụy trang vũ khí dưới các chậu mai, những ghe chở dừa, tủ hai đáy... từ các tỉnh vào Sài Gòn.
Má là người hùng của chúng con
Trong vai người buôn dừa, má khéo léo ngụy trang dừa thật ở trên mặt, còn ở dưới là dừa chứa thuốc nổ TNT.
Rồi má lại mở tiệm tạp hóa ở khu Chợ Lớn, giấu vài cây súng AK trong mấy bao than, cả chục ký TNT đặt giữa những bao gạo trắng tinh, thêm mấy quả lựu đạn giữa đám cóc ổi để tiếp lửa cho lực lượng biệt động làm nên những trận đánh rung chuyển Sài Gòn thập niên 1970.
Có lần khu Hàng Xanh bị cháy, trong lúc mọi người đều lo gom đồ quý giá, vàng vòng thì má lại hì hục lo quơ kho vũ khí và tìm đường cất giấu để không bị lộ!
Má thường mặc áo dài, đội khăn the trông sang trọng nên không ai nghĩ má là "Việt Cộng". Dịp hè con lên ở với má, má khi thì dắt con đi chợ giao vũ khí đựng trong giỏ đồ ăn, khi thì bỏ súng vào cặp học sinh cho con xách như học trò đi với cô giáo... Má cứ tự nhiên bước, vậy mà trót lọt.
Có hôm dắt tụi con ra chợ, má dặn ngồi chờ, rồi má đi đâu thiệt lâu. Lúc trở lại, má vội vàng dắt tụi con đi thật nhanh. Sáng hôm sau, báo chí đăng hôm qua có một vụ nổ lớn cách chợ không xa, con mới dần hiểu ra công việc của má ngay giữa lòng Sài Gòn là thế đó!
Có lần nước mắt con mặn đắng khi má bị đánh ghen. Chú Năm, tài xế taxi, là cơ sở cùng má vận chuyển vũ khí bí mật nên vợ chú cũng không biết. Thấy má và chú cứ to nhỏ rù rì, nay hẹn chỗ này mai hẹn chỗ kia, vợ chú Năm ghen, lao vào đánh má u đầu.
Má im lặng nhẫn nhịn để "tròn vai" nên con chỉ biết khóc mà thôi. Rồi má phải nhờ người đóng giả làm chồng - là sĩ quan về thăm nhà, rồi má làm cơm mời hàng xóm đến ăn cho yên chuyện.
Con vẫn thầm nhớ những tháng ngày ấy để hiểu và tin rằng bên con luôn có một người mẹ anh hùng. Ngày 17-4-2010, má là một trong ba cán bộ Thành Đoàn được truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Nửa thế kỷ lao tù
Là út, được má truyền cho nghị lực sống, má khuyên con nên nghĩ đến tương lai, bỏ bớt cái khổ nhỏ để tâm lo việc lớn, đừng như "nữ nhi thường tình". Nghe lời, sau này con không khóc nữa vì má đã "không còn nước mắt để khóc, để kể khổ nữa".
Má ơi, bài ca tạm biệt của gia đình mình phải ngân nga đến 21 năm dài đằng đẵng mà không biết khi nào sum họp. Đâu chỉ ba má biệt ly, mà đến má con cũng không gặp mặt nhau. Sáu anh chị em đều phải thay tên đổi họ, gửi làm con của cậu, dì ở khắp nơi để má bí mật công tác.
Nhiều người con rồi tới má thay nhau vào tù. Cả gia đình mình, tính luôn dâu rể, có tới 48 năm sống trong lao tù của chính quyền Sài Gòn, trong đó có người bị kết án tử hình ở Côn Đảo.
Khi hòa bình, ba trở về công tác tại TP.HCM nhưng gia đình mình chỉ đủ mặt thêm một năm thì ba qua đời đột ngột năm 1978.
Còn má nghỉ hưu rồi nhưng cứ vất vả với xưởng bột giấy nhỏ vì "má làm việc quen rồi, ngồi không má không chịu được, mà má làm vậy lấy tiền làm công tác xã hội".
Rồi cũng đến ngày má lặng lẽ đi xa một mình, "về ngủ yên bên cạnh mộ chồng" như bài thơ anh Năm con viết cho má: "Má bận đi nhiều, mới chợt đây thôi/ Những chuyến gần xa tảo tần vất vả/ Đi suốt cuộc đời, chia ly, đoàn tụ/ Má lo toan cho tất cả mọi người/ Sau chuyến đi cuối cùng năm ấy/ Má/ Người con ngoan cường của đất mẹ Bình Ân/ Mới về ngủ yên bên cạnh mộ chồng".
Con hình dung dáng đi liêu xiêu, tay cặp nón lá như bà mẹ quê khi lần cuối má về Bình Ân, xóm Dinh tảo mộ. Má đi xa nhưng chúng con luôn dõi theo má để bước đi, để tự hào là con của má...
Cái giá cho hòa bình của gia đình mình đắt như vậy đó!
Cảm ơn hơn 600 bạn đọc đã gửi bài dự thi Kể chuyện hòa bình
Nhân kỷ niệm 50 năm hòa bình, cuộc thi viết Kể chuyện hòa bình (báo Tuổi Trẻ tổ chức, Tập đoàn Cao su Việt Nam đồng hành, diễn ra từ 10-3 đến 15-4) để bạn đọc gửi đến những câu chuyện xúc động, khó phai của từng gia đình, từng con người cũng như tâm tư về ngày thống nhất 30-4-1975, về 50 năm hòa bình.
Cuộc thi dành cho tất cả người Việt Nam trong và ngoài nước, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp.
Kể chuyện hòa bình nhận bài viết tối đa 1.200 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa gửi đến email [email protected]. Chỉ nhận bài qua email, không nhận qua đường bưu điện để tránh thất lạc.
Bài dự thi chất lượng sẽ được lựa chọn đăng trên các sản phẩm của Tuổi Trẻ, được nhận nhuận bút và các bài qua vòng sơ khảo sẽ được in thành sách (sách không trả nhuận bút - không bán). Bài dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi viết nào khác và chưa từng được đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Tác giả gửi bài chịu trách nhiệm về bản quyền của bài viết, ảnh và video dự thi, không nhận ảnh video minh họa lấy từ trên mạng xã hội không có bản quyền. Tác giả phải ghi địa chỉ, điện thoại, email, số tài khoản, số căn cước công dân để ban tổ chức liên lạc, gửi nhuận bút hoặc giải thưởng.

Tính đến hết ngày 14-4, cuộc thi viết Kể chuyện hòa bình đã nhận được hơn 600 bài dự thi của bạn đọc.
Lễ trao giải và ra mắt sách Kể chuyện hòa bình
Ban giám khảo gồm nhà báo Nguyễn Trường Uy - phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Thị Hậu - phó tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam và Tổng Thư ký Hội Sử học TP HCM, nhà nghiên cứu - nhà văn Nguyễn Trương Quý sẽ xét duyệt chấm giải từ các bài đã qua sơ khảo và chọn trao thưởng cho những bài dự thi chất lượng.
Lễ trao giải, ra mắt sách Kể chuyện hòa bình và đặc san báo Tuổi Trẻ 30-4 dự kiến tổ chức tại Đường sách TP.HCM vào cuối tháng 4-2025. Quyết định của ban tổ chức là quyết định cuối cùng.
Giải thưởng Kể chuyện hòa bình
- 1 giải nhất: 15 triệu đồng + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 2 giải nhì: 7 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 3 giải ba: 5 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 10 giải khuyến khích: 2 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 10 giải bạn đọc bình chọn: 1 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
Số điểm bình chọn được tính dựa trên tương tác với bài viết, trong đó 1 sao = 15 điểm, 1 tim = 3 điểm, 1 like = 2 điểm.
Các giải thưởng còn được kèm giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ 30-4.
Ban tổ chức
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận