Làng Obbürgen nằm bên hồ Lucerne của quốc gia yên bình Thụy Sĩ bỗng trở nên nhộn nhịp, đông đúc trong hai ngày cuối tuần 15 và 16-6 khi đón tiếp các nhà lãnh đạo cấp cao và đại diện của khoảng 100 quốc gia và tổ chức quốc tế tề tựu để bàn về hòa bình cho Ukraine.
Đúng 70 năm trước, Thụy Sĩ cũng là quốc gia chủ nhà cho Hiệp định Genève 1954 nhằm khôi phục hòa bình ở bán đảo Đông Dương.
Tuy nhiên liệu Thụy Sĩ có thể thành công trong việc trung gian đình chiến nhằm ngăn chặn khổ đau cho các bà mẹ Ukraine và Nga lần này hay không? Câu trả lời vẫn nằm ở phía trước.
Sau khoảng 850 ngày chết chóc và hủy diệt với hàng trăm ngàn người chết và bị thương, Matxcơva và Kiev dường như đang ngày càng rời xa hòa bình hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây.
Tổn thất nặng nề từ nhân mạng, kinh tế, cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, xã hội mà hai bên đang phải gánh chịu do cuộc xung đột gây ra đã khiến bất kỳ sự nhượng bộ nào từ một trong hai bên cũng trở nên khó khăn để chấp nhận.
Hôm 14-6, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ chỉ đồng ý ngừng bắn nếu Ukraine bàn giao bốn khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia mà Matxcơva tuyên bố là một phần của Nga và Ukraine từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO.
Về cơ bản, đó là một yêu cầu Ukraine đầu hàng. Còn yêu cầu hiện tại của Ukraine là Nga phải rút toàn bộ lực lượng ra khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea - nơi Tổng thống Putin đã sáp nhập vào năm 2014, cũng có vẻ phi thực tế do những lợi thế hiện tại của quân đội Nga trên chiến trường.
Hòa bình dĩ nhiên không miễn phí. Hòa bình cũng không thể có nếu hai bên không bắt đầu đàm phán. Dù cho giải pháp hòa bình không hoàn hảo thì nó cũng tốt hơn nhiều khi phải so sánh với một cuộc chiến không có hồi kết đang tiêu tốn sinh mạng và nguồn lực ở mức đáng báo động.
Một hiệp định hưu chiến sẽ không chỉ giảm bớt sự giết chóc, đau khổ và chi phí khổng lồ của chiến tranh mà quan trọng hơn là nó sẽ làm giảm nguy cơ leo thang thành chiến tranh hạt nhân.
Công thức hòa bình bền vững cho Ukraine nên dựa trên các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế. Hòa bình đòi hỏi sự tin tưởng giữa các bên dựa trên công lý và công bằng. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể đòi hỏi quá mức.
Một nền hòa bình tạm thời, ngay cả khi bị gián đoạn bởi những vi phạm, sẽ tạo điều kiện cho người dân Ukraine có thời gian để xây dựng lại cuộc sống và đất nước của họ. Hàng triệu người tị nạn cũng như binh lính của cả hai bên có thể trở về quê hương và sum họp gia đình.
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ vào cuối tuần qua đóng vai trò như một diễn đàn để thảo luận các quan điểm khác nhau về tiến trình hòa bình cho Ukraine và khởi đầu các cuộc thảo luận cấp cao để xem xét liệu một hiệp định cho hòa bình ở Ukraine có thể đạt được hay không.
Nga không được mời tham gia lần này, nhưng nước chủ nhà Thụy Sĩ úp mở rằng Nga có thể được mời ở các lần sau.
Để làm cho một thỏa thuận hòa bình được Nga chấp nhận hơn, Matxcơva nên được giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, tùy thuộc vào việc tuân thủ thỏa thuận. Song quan trọng hơn cả, một nền hòa bình chỉ có thể đạt được nếu các bên có cùng thiện chí kiến tạo hòa bình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận