Tỉnh Hòa Bình có một trường THPT chuyên là Trường Hoàng Văn Thụ - Ảnh: Website nhà trường
Vào tháng 3-2022, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hòa Bình đưa ra đề xuất hỗ trợ 1 tỉ đồng cho người có trình độ giáo sư, phó giáo sư về làm việc tại trường chuyên, cam kết giảng dạy 10 năm trở lên; và 300 triệu đồng với người có trình độ tiến sĩ. Kinh phí lấy từ ngân sách nhà nước của tỉnh.
Đề xuất này được đưa ra trong dự thảo nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù đối với giáo viên và học sinh trường THPT chuyên; chế độ đối với chuyên gia, giáo viên và học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển của tỉnh tham dự các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên nghị quyết được HĐND tỉnh Hòa Bình ban hành ngày 15-7 và có hiệu lực từ 25-7 không có nội dung hỗ trợ nhằm thu hút giáo sư, phó giáo sư, mà chỉ có chính sách thu hút tiến sĩ và sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc về tỉnh giảng dạy ở trường THPT chuyên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thị Cẩm Phương cho hay trong tờ trình của UBND tỉnh trình sang kỳ họp thứ 8 vừa qua của HĐND tỉnh không có nội dung hỗ trợ 1 tỉ đồng cho người có trình độ giáo sư, phó giáo sư về làm việc tại trường chuyên, cam kết giảng dạy 10 năm trở lên.
Một lãnh đạo Ban văn hóa, xã hội của HĐND tỉnh Hòa Bình cho rằng nội dung hỗ trợ nhằm thu hút giáo sư, phó giáo sư có thể là đề xuất của Sở Giáo dục và đào tạo trong bản dự thảo trình sang UBND tỉnh, còn trong tờ trình của UBND tỉnh trình sang HĐND tỉnh không có nội dung này. Do đó, HĐND tỉnh thông qua dự thảo theo đúng tờ trình của UBND tỉnh.
Trước đó theo nghị quyết được HĐND tỉnh Hòa Bình thông qua, sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc hệ chính quy sau khi được tiếp nhận về công tác tại trường THPT chuyên sẽ được hỗ trợ đi học nâng cao trình độ chuyên môn trong và ngoài nước với mức hỗ trợ 100 triệu đồng một người kèm cam kết công tác ít nhất 10 năm sau khi hoàn thành khóa học.
Tiến sĩ có nguyện vọng về công tác tại trường THPT chuyên được hỗ trợ 300 triệu đồng một người nhưng cũng phải cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên. Nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước của tỉnh đảm bảo. Nếu không giảng dạy đủ 10 năm, người được hỗ trợ phải đền bù tiền hỗ trợ và các khoản phí liên quan.
Nghị quyết cũng quy định một số chính sách đối với giáo viên công tác tại trường chuyên như giáo viên giảng dạy các môn chuyên, dạy song ngữ các môn chuyên được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 1,5 lần mức lương cơ sở, thời gian hưởng là 10 tháng mỗi năm. Giáo viên dạy song ngữ các môn không chuyên được hưởng bằng 1,2 lần.
Ngoài ra, nghị quyết mới được HĐND tỉnh Hòa Bình ban hành cũng nêu rõ chính sách hỗ trợ học sinh tham gia đội tuyển của tỉnh dự thi chọn học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, khu vực, quốc tế; và hỗ trợ giáo viên bồi dưỡng các đội tuyển này.
Trong đó chi trả tiền thuê chuyên gia đầu ngành, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ôn luyện đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia với mức bằng 2 lần lương cơ sở/buổi dạy (4 tiết), thanh toán theo số buổi dạy thực tế và không quá 30 buổi/đội tuyển.
Cũng theo nghị quyết này, tỉnh sẽ hỗ trợ một lần cho học sinh đoạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia như sau: giải nhất 10 triệu đồng/giải, giải nhì 8 triệu đồng/giải, giải ba 5 triệu đồng/giải, giải khuyến khích 3 triệu đồng/giải.
Như vậy, nếu so với dự thảo trước đây, nghị quyết không còn áp dụng mức hỗ trợ một lần này cho các học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia và học sinh giỏi khu vực, quốc tế.
Vào tháng 7-2021, tỉnh Bắc Ninh đã có nghị quyết quy định một số chế độ chính sách với trường THPT chuyên. Theo đó, giáo viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ làm việc tại Trường THPT chuyên Bắc Ninh sẽ được hỗ trợ 100 đến 220 triệu đồng.
Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ở ngoài tỉnh nếu cam kết giảng dạy lâu dài (ít nhất 10 năm) tại Trường THPT chuyên Bắc Ninh được hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá 1 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận