Bông atisô được quảng cáo với công dụng mát gan và bổ máu bày bán trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa |
Trên những xe đẩy này, người bán treo sẵn tấm bảng giấy bìa giới thiệu: “Hoa atisô đỏ mát gan, bổ máu, giải nhiệt”. Những “núi” hoa đỏ thẫm này thu hút sự chú ý, nhiều người tấp xe vào hỏi mua. Ngoài hoa atisô tươi, người bán còn bán các hũ xirô atisô ngâm đường.
Rộ mùa hoa
Dọc tuyến đường Cộng Hòa, Trường Chinh (Q.Tân Bình) có hơn chục xe đẩy bán hoa atisô.
Bà Vi, người bán, nói hoa được lấy về từ Đà Lạt và tư vấn hoa atisô đỏ có rất nhiều công dụng như mát gan, bổ máu, giải nhiệt, chống lão hóa, chống mệt mỏi... Giá 1kg bông atisô đỏ là 35.000 đồng, lúc nở rộ rẻ hơn, tầm 30.000 đồng/kg.
Cũng theo bà Vi, hoa này rất hút khách, có ngày bán được cả trăm ký. Khách có người mua cả chục ký và đặt hàng để hôm sau quay lại mua tiếp.
Tương tự, một người bán hoa atisô đỏ tên Nga trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.Phú Nhuận) nói hoa atisô đỏ có thể chữa bệnh đái tháo đường, ung thư... Sau khi tách phần nhụy hoa, cánh hoa được bán với giá 40.000 đồng.
Theo chị này, cánh hoa dùng ngâm xirô, làm mứt, có thể ăn sống hoặc nấu canh chua (cánh hoa có vị chua). Phần đài hoa phơi khô hãm như trà để uống, có công dụng mát gan. Khách mua hoa được tặng kèm tờ giấy photo công dụng cũng như hướng dẫn cách làm xirô từ hoa atisô đỏ. Trên đấy có cả số điện thoại.
Chị này dặn: “Nếu cần lấy số lượng lớn, cứ gọi trước một buổi, sáng gọi là chiều sẽ giao tận nhà, bao nhiêu cũng có”. Theo người bán, hoa atisô do gia đình trồng ở Bình Thuận và “trấn an” khách: “Ở Bình Thuận hoa này trồng nhiều lắm, còn xuất cả ra nước ngoài. Không phải hàng Trung Quốc đâu”.
Nói về lý do mua hoa atisô đỏ, chị Nguyễn Diệu Linh (Q.Bình Thạnh) kể thấy người ta treo bảng nói hoa này mát gan, giải độc nên mua về dùng: “Trời nắng nóng, tôi mua về làm xirô uống giải nhiệt. Uống thử thấy cũng ngon”.
Theo chị Diệu Linh, người bán nói hoa có nhiều công dụng, tốt cho sức khỏe nên chị lên mạng tìm hiểu, thấy nhiều người khen nên yên tâm.
Cũng với lý do được biết hoa có nhiều tác dụng tốt, anh Nguyễn Ngọc Đông (Q.Tân Bình) mua để ngâm đường làm xirô uống dần. Còn có thể chữa được nhiều bệnh như quảng cáo hay không, anh chưa biết.
Không chỉ bày bán trên đường, hiện nhiều người còn giới thiệu và bán hoa atisô đỏ tươi hoặc mứt, xirô atisô đỏ trên các trang mạng, mạng xã hội, nhắm đến công dụng làm đẹp da, chống lão hóa, giảm cholesterol... Giá bán rẻ hơn, chỉ tầm 25.000/kg hoa tươi, có giảm giá khi mua số lượng nhiều. Khách hàng từ nhiều nơi khác như Biên Hòa, Vũng Tàu... cũng đặt mua.
Không phải thần dược
Trao đổi về công dụng của hoa atisô đỏ (có tên khoa học là Hibiscus sabdariffa), bác sĩ Nguyễn Minh Nhiên, khoa y học cổ truyền Bệnh viện Bình Tân, TP.HCM, cho biết hoa có nguồn gốc ở Tây Phi, được trồng lấy ngọn và đài hoa làm rau chua, thuốc, đài hoa có màu đỏ tím sẫm để pha nước giải khát.
Cũng như nhiều loại thảo dược khác, nhờ “công nghệ” truyền thông mà công dụng của các loại cây cỏ thảo dược được “nâng tầm” để thuận tiện cho việc kinh doanh. Do đó người dùng càng cần tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng.
Theo bác sĩ Minh Nhiên, bụp giấm có vị chua, lợi tiểu, mát gan, lọc thận... Thành phần của cây có nhiều loại có lợi cho sức khỏe như acid ascorbic giúp tăng sức đề kháng, bền thành mạch máu tốt cho mạch máu, với người bị bệnh trĩ giúp hạn chế chảy máu, giúp cơ tim khỏe hơn, tốt cho người hay bị chứng hồi hộp đánh trống ngực... Alkaloid và L-arginine có tác dụng giảm cholesterol trong máu, hạ huyết áp...
Nhưng bác sĩ Nhiên nhấn mạnh đây là một loại thực phẩm hỗ trợ chức năng, không độc, cũng không hại, không phải là thuốc để có tác dụng điều trị bệnh lý nền có sẵn. Lưu ý là cần sử dụng đúng liều lượng và đặc biệt cần được khám trước khi sử dụng để tránh làm bệnh có sẵn nặng hơn như gan và thận phải làm việc nhiều hơn, khiến bệnh nhân bệnh suy gan, suy thận nặng hơn. Hoặc không tốt cho người bị dạ dày bởi bụp giấm có tính acid cao.
Atisô đỏ có thể dùng tươi hoặc khô tùy ý, hoặc chế biến thành mứt, xirô dùng như loại nước giải khát thanh nhiệt.
“Cũng như nhiều loại thảo dược khác, nhờ “công nghệ” truyền thông mà công dụng của các loại cây cỏ thảo dược được “nâng tầm” để thuận tiện cho việc kinh doanh. Do đó người dùng càng cần tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng |
Bác sĩ NGUYỄN MINH NHIÊN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận