Phóng to |
Anh Trần Văn Kim Em (bìa trái) nói: “Nếu được Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng, sẽ bù thêm mua xe máy để chạy xe ôm” (ảnh chụp sáng 5-5-2009) - Ảnh: N.C.T. |
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh - vụ phó Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, nếu không có hộ khẩu tại địa bàn hành nghề với phương tiện xe thô sơ, muốn được hỗ trợ, chủ xe bắt buộc phải có đăng ký tạm trú, được UBND nơi cư trú xác nhận.
Phải có ba loại giấy tờ chính
Đà Nẵng: đã chi 300 triệu đồng hỗ trợ Theo Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng, hiện cơ bản hoàn tất việc hỗ trợ một phần kinh phí (300 triệu đồng) cho các hộ dân có xe công nông bị đình chỉ lưu hành. Có tổng cộng 99 trong số 133 xe công nông trên toàn địa bàn TP (chủ yếu là quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang) đã nhận hỗ trợ trực tiếp số tiền 3 triệu đồng/xe. Ngoài khoản tiền hỗ trợ trực tiếp trên, TP Đà Nẵng còn đưa ra hai nhóm giải pháp khác là hỗ trợ các chủ xe được tiếp cận vốn vay ưu đãi nhằm đầu tư mới phương tiện (nếu có) và hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho các lái xe bị thất nghiệp (nếu có). Theo ông Võ Duy Khương - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: “Số tiền 300 triệu đồng trên được TP trích từ nguồn thu xử phạt hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông trong dự toán ngân sách của TP năm 2008”. Về chủ trương mới đây của Chính phủ trong việc quyết định hỗ trợ chủ sở hữu phương tiện xe công nông, xe lôi máy… thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông, khi chuyển đổi phương tiện hoặc chuyển đổi nghề, một đại diện Sở GTVT Đà Nẵng cho biết: hiện đơn vị đang chờ ý kiến chỉ đạo từ phía UBND TP Đà Nẵng. Nếu có chủ trương tiếp tục hỗ trợ thì sở sẽ căn cứ trên danh sách đã lập trước đó để hỗ trợ người dân. |
Theo dự thảo thông tư của Bộ Tài chính, muốn được hỗ trợ kinh phí 5 triệu đồng/xe phải thay thế và 4 triệu đồng với người có mua xe khác để thay thế xe bị cấm hoặc có chuyển đổi nghề, người dân phải có ba loại giấy tờ chính.
Thứ nhất, đơn đề nghị hỗ trợ để thay thế xe. Trong đơn này, UBND cấp xã, phường, thị trấn sẽ xác nhận chủ phương tiện đang cư trú hợp pháp, đang sở hữu xe thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông, xác nhận chủ phương tiện đã mua xe khác thay thế hoặc chuyển nghề.
Thứ hai, người dân muốn được hỗ trợ phải có bản sao công chứng hoặc xác nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi mình cư trú đối với giấy đăng ký xe thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông (nếu xe đã được đăng ký và gắn biển số). Với trường hợp đã mua xe thay thế, để được hỗ trợ chủ phương tiện phải có bản sao công chứng hoặc xác nhận của UBND xã với giấy đăng ký xe mới được mua đó.
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, trước tiên Bộ Tài chính chỉ có thể xem xét hỗ trợ đối với người dân có đăng ký cư trú tại địa phương nhất định. Thông tư của Bộ Tài chính không yêu cầu người dân nhất thiết phải có hộ khẩu mà chỉ cần họ cư trú hợp pháp, có tạm trú, được UBND xã phường, thị trấn xác nhận vẫn thuộc diện được hỗ trợ.
Với trường hợp chủ phương tiện xe ba gác, xe công nông... không có giấy đăng ký xe, theo bà Trịnh Phong Lan - trưởng phòng Ngân hàng - Vụ Tài chính Ngân hàng, nơi trực tiếp soạn thảo thông tư, người dân có thể xin xác nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn mình đang sở hữu xe, đang sinh sống nhờ chiếc xe đó thì vẫn thuộc diện được hỗ trợ. Còn với đối tượng người dân lên thành phố vận hành xe ba gác, xe thô sơ thuộc diện cấm lưu hành nhưng không đăng ký tạm trú, không được chính quyền nơi cư trú xác nhận, bà Lan khẳng định: không thể hỗ trợ trường hợp này.
Lý do: những người không đăng ký tạm trú là vi phạm pháp luật trong khi họ hoàn toàn có thể đăng ký tạm trú. Nếu cứ hỗ trợ, chính sách nhà nước đã gián tiếp khuyến khích những người vi phạm pháp luật. Nếu những người này muốn trở lại quê quán, nơi có hộ khẩu để được đăng ký hỗ trợ, theo bà Trịnh Phong Lan, cũng không được bởi chính quyền tại quê không thể nắm được chính xác người dân ở quê mình có sở hữu xe và đang sinh sống bằng xe đó trên thành phố hay không.
Tháng 6 sẽ bắt đầu nhận tiền hỗ trợ
Theo dự thảo thông tư, với việc hỗ trợ thay thế xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông của Bộ Tài chính thì sau khi người dân có đủ các giấy tờ hợp lệ, UBND cấp xã, phường, thị trấn phải tổng hợp danh sách và gửi toàn bộ hồ sơ lên phòng chuyên môn quản lý về giao thông ở cấp huyện để phòng này phối hợp với phòng tài chính của huyện (quận) thẩm định hồ sơ. Nếu hồ sơ nào không đủ điều kiện thì cơ quan thẩm định phải trả lời bằng văn bản thông báo rõ lý do cho chủ phương tiện trong vòng 10 ngày làm việc.
Với những hồ sơ đủ điều kiện, các phòng chuyên môn sẽ trình UBND cấp huyện quyết định danh sách người được hỗ trợ. Quyết định và danh sách hỗ trợ, theo dự thảo thông tư của Bộ Tài chính, phải được công bố và niêm yết tại trụ sở UBND huyện (quận). Nếu trong danh sách, người dân chỉ cần đem chứng minh nhân dân lên kho bạc nhà nước cấp huyện để lĩnh tiền.
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, hiện dự thảo thông tư của Bộ Tài chính đang được gửi đi xin ý kiến các bộ ngành và xin ý kiến nhân dân. Ngay sau khi thông tư ban hành, UBND các cấp có thể thực hiện ngay và người dân có thể được nhận hỗ trợ mà không cần phải đợi đến hết ngày 30-6-2009 - thời điểm UBND cấp tỉnh thống kê toàn bộ danh sách người được hỗ trợ gửi Bộ Tài chính. Như vậy, nhiều khả năng ngay trong tháng 6-2009 người dân đã có thể nhận tiền hỗ trợ.
TP.HCM: hỗ trợ 3.011 hộ nghèo sử dụng xe ba bánh, bốn bánh tự chế Liên quan đến chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người nghèo đang sử dụng xe ba bánh, bốn bánh tự chế, Sở Lao động - thương binh & xã hội TP.HCM cho biết đang áp dụng chính sách theo quyết định 04 ngày 20-1-2009 của UBND TP. Có 3.011 hộ nghèo sử dụng xe ba bánh, bốn bánh được hưởng chính sách hỗ trợ theo quyết định nói trên. Nhóm chính sách hỗ trợ không hoàn lại gồm hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ ban đầu, hỗ trợ 100 môtô hai bánh. Hỗ trợ đào tạo nghề: áp dụng mức hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo theo chương trình xóa đói giảm nghèo TP, mức hỗ trợ được căn cứ theo giá học phí của cơ sở đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo nghề, nhưng tối đa không quá 3,6 triệu đồng/người/khóa. Hỗ trợ ban đầu: mức hỗ trợ 7 triệu đồng/hộ nghèo có phương tiện xe. Hỗ trợ 100 môtô hai bánh để làm phương tiện sinh sống cho 100 hộ nghèo khó khăn có thu nhập thấp bình quân 5 triệu đồng/người/năm trở xuống. Ngoài chính sách hỗ trợ không hoàn lại, quyết định nói trên giải quyết chính sách cho vay vốn ưu đãi. Theo đó, đối với hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ xóa đói giảm nghèo, mức vay tối đa không quá 50 triệu đồng/hộ. Mức hỗ trợ lãi vay: với hộ nghèo vay vốn từ nguồn Quỹ xóa đói giảm nghèo, được ngân sách TP hỗ trợ lãi vay 4%/năm. Đối với hộ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội được ngân sách TP hỗ trợ lãi vay với mức 5,8%/năm. Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ chủ sở hữu xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba bánh, bốn bánh thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông... các sở - ngành TP sẽ rà soát cụ thể, có đề xuất UBND TP triển khai thực hiện chính sách này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận