14/08/2020 09:27 GMT+7

Hỗ trợ ngành hàng không, hành khách phải được hưởng lợi

CÔNG TRUNG - TUẤN PHÙNG
CÔNG TRUNG - TUẤN PHÙNG

TTO - Dù ủng hộ việc Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ ngành hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng việc hỗ trợ phải công bằng và minh bạch, hành khách đi lại bằng phương tiện này phải được hưởng lợi.

Hỗ trợ ngành hàng không, hành khách phải được hưởng lợi - Ảnh 1.

Số lượng hành khách làm thủ tục chuyến bay chiều tối 13-8 rất thưa thớt tại ga quốc nội cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Ảnh: CÔNG TRUNG

Theo các chuyên gia kinh tế, dịch COVID-19 khiến nhiều lĩnh vực, ngành nghề bị thiệt hại nặng, doanh nghiệp thua lỗ và phá sản. Trong khi đó, nguồn lực ngân sách có hạn, không thể hỗ trợ dàn trải mọi ngành nghề mà cần tập trung vào các ngành có tác động lan tỏa đến nền kinh tế. 

Tuy nhiên, không thể chỉ ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp nhà nước mà cho cả doanh nghiệp tư nhân nhằm tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng.

Nhà nước nắm vốn nhiều, doanh nghiệp phải được hỗ trợ?

Trao đổi về đề xuất Chính phủ thực hiện gói hỗ trợ khoản vay tối thiểu 4.000 tỉ đồng, tối đa 12.000 tỉ đồng cho Vietnam Airlines (VNA) vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVKD-19, ông Trần Thanh Hiền - trưởng ban tài chính kế toán của VNA - khẳng định chỉ đề xuất vay có bảo lãnh Chính phủ và sẽ trả trong 3 năm, kèm theo đề xuất phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, trong đó có cổ đông Nhà nước, để tăng vốn.

Quy mô phát hành cân đối với phương án vay để đảm bảo 12.000 tỉ đồng. Trong giai đoạn trung và dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho VNA phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỉ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021 - 2025. 

"Các giải pháp hỗ trợ trên sẽ gặp những vướng mắc về pháp lý nên cần phải có các quyết định của cấp có thẩm quyền phù hợp với tình huống khẩn cấp. Còn việc giảm thuế, phí... là giải pháp chung cho các hãng hàng không" - ông Hiền nói.

Cũng theo ông Hiền, với vai trò chủ sở hữu 86% cổ phần của VNA, nếu Chính phủ không có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp này, niềm tin của các nhà đầu tư, đối tác với VNA sẽ không cao, doanh nghiệp sẽ không vay được ai đồng nào... 

Nếu được hỗ trợ, VNA sẽ phục hồi và thực hiện tốt những nhiệm vụ của mình. Ngược lại, nếu Chính phủ không hỗ trợ khẩn cấp 12.000 tỉ đồng với thời gian vay tối thiểu là 3 năm, doanh nghiệp này sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

"Với vai trò là chủ sở hữu, Nhà nước đứng ra "giải cứu" VNA là chuyện bình thường. Điều này cũng giống như Vietjet, Bamboo Airways... khó khăn thì cổ đông của HD Bank hoặc FLC phải đổ tiền vào cứu hãng bay để duy trì hoạt động qua giai đoạn khó khăn. Còn các gói chính sách hỗ trợ chung của ngành hàng không như giảm phí nhiên liệu bay, giãn thời gian nộp thuế, giảm chi phí cất hạ cánh... thì tất cả hãng bay đều được hưởng", lãnh đạo VNA nói.

Phải công bằng và minh bạch

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hãng bay nào cũng đóng góp ngân sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nên khi khó khăn đều phải được hỗ trợ công bằng. Do đó, nếu có chính sách hỗ trợ, phải có nhiều tiêu chí để tính toán như thị phần, đóng góp ngân sách và thua lỗ do ảnh hưởng dịch... 

"Ngoài ra, cần có thêm các chỉ tiêu như doanh thu, lợi nhuận từng hãng bay giảm bao nhiêu do dịch COVID-19 để có phương án hỗ trợ công bằng chứ không phải kinh doanh kém dẫn đến thua lỗ", bà Lan nói.

Cũng theo bà Lan, trong quá trình hoạt động, VNA đã được hưởng nhiều ưu đãi từ Nhà nước so với các hãng bay tư nhân khác. Trong khi đó, sự xuất hiện của các hãng bay tư nhân thời gian qua đã góp phần giúp thị trường hàng không sôi động hơn, mở ra cơ hội bay cho tất cả mọi người, kể cả người có thu nhập thấp. Các dịch vụ hàng không được nâng cấp và đa dạng hơn...

Do đó, việc hỗ trợ ngành hàng không trong giai đoạn khó khăn, nếu có, phải công bằng, không phải doanh nghiệp nhà nước là nghiễm nhiên được hưởng hỗ trợ nhiều hơn, sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.

"Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư, kinh doanh. Do đó, trong các thời điểm khó khăn, Nhà nước không thể chỉ hỗ trợ "con ruột" là doanh nghiệp nhà nước, bỏ rơi doanh nghiệp tư nhân. Nếu chỉ lo cho doanh nghiệp nhà nước và bỏ rơi doanh nghiệp tư nhân, Nhà nước sẽ rất khó động viên các nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn làm ăn" - bà Lan nói. 

Đồng thời khẳng định việc lấy tiền ngân sách hỗ trợ phải theo tiêu chí thị trường, công bằng và minh bạch, bởi tiền ngân sách là tiền thuế của dân nộp.

Ông Nguyễn Đức Thành - cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - cũng cho rằng phải có chính sách hỗ trợ cho toàn ngành hàng không thay vì một doanh nghiệp, đồng thời phải hỗ trợ theo hướng kích thích nhu cầu của người tiêu dùng bằng cách trợ giá thay vì bỏ tiền trực tiếp vào doanh nghiệp. 

"Ví dụ khách bay từ TP.HCM - Hà Nội, tùy chọn hãng bay, nếu giá vé khoảng 2 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ cho khách hàng 500.000 đồng hoặc 30% giá vé. Đây là việc hỗ trợ cho ngành, không riêng bất kỳ hãng nào", ông Thành gợi ý.

* TS Bùi Doãn Nề (phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không): Đừng làm méo mó thị trường

Việc kiến nghị Chính phủ hỗ trợ VNA với tư cách là vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp (DN) này là quyền của DN. Khi DN rơi vào tình cảnh khó khăn, trước hết các chủ sở hữu phải có giải pháp tháo gỡ, "tự cứu trước khi trời cứu" để vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 hiện nay.

Tuy nhiên, theo tôi, các hãng hàng không đều cần được hỗ trợ nếu có quá trình đóng góp vào sự phát triển của ngành, mang lại cơ hội bay cho khách hàng, lan tỏa tích cực với nền kinh tế, có đủ nguồn lực phục hồi và tăng trưởng tốt. Thủ tướng cũng đã lưu ý là cần hỗ trợ DN để nuôi dưỡng nguồn thu, để DN bật dậy, đóng góp vào sự phát triển kinh tế.

Do đó, nếu Nhà nước có các chính sách hỗ trợ, việc triển khai phải công bằng, không phân biệt đối xử giữa DN nhà nước và tư nhân, cũng như bảo đảm DN được hỗ trợ có khả năng phát triển, có đóng góp trở lại cho ngân sách, cho nền kinh tế. Luật DN, Luật hàng không đều khẳng định: Nhà nước bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các DN không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.

Lo vé máy bay Tết 2021 ế ẩm

Ngày 13-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại lý bán vé máy bay cấp 1 tại TP.HCM cho biết vé tết đã được mở bán sớm nhưng giá vẫn ở mức cao, trong khi sức mua vé thấp, thậm chí chỉ vài người hỏi mua chứ không nhộn nhịp như cùng kỳ năm ngoái.

"Tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp nên người dân vẫn chưa có tâm lý chuẩn bị mua vé máy bay tết. Sức mua vé máy bay Tết 2021 dự báo thấp hơn nhiều so với mọi năm" - vị này nói.

Trước đó, một số hãng hàng không đã bắt đầu thông báo mở bán hàng triệu vé máy bay tết. Cụ thể, Vietjet mở bán hơn 1,5 triệu vé với 50 đường bay nội địa. Ngoài 7kg hành lý xách tay, khách mua vé của hãng này từ ngày 12-8 đến 24-10 sẽ được miễn phí thêm 15kg hành lý ký gửi.

Bamboo Airways cũng mở bán 1,2 - 1,5 triệu vé máy bay Tết 2021 trên tất cả đường bay nội địa với thời gian bay từ ngày 22-1-2021 đến 28-2-2021 (nhằm 10-12 đến 17-1 âm lịch). Trong đó, các chặng Hải Phòng - Quy Nhơn, Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Phú Quốc... có giá từ 99.000 - 149.000 đồng/vé (chưa bao gồm thuế phí) với ngày xuất vé từ 12-8-2020 đến 28-2-2021.

Theo các hãng bay, việc mở bán vé sớm nhằm giúp cho khách chủ động tính toán thời gian bay phù hợp với kế hoạch đi lại dịp tết, đảm bảo có vé giá mềm trong thời gian cao điểm.

CÔNG TRUNG

Bù lãi suất cho hàng không có khả thi? Bù lãi suất cho hàng không có khả thi?

TTO - Là một ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, việc hỗ trợ các hãng hàng không là việc cần thiết và cấp bách.

CÔNG TRUNG - TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên